Diễn đàn khoa học: Thực trạng và giải pháp an toàn thực phẩm hiện nay ở Việt Nam

Cập nhật lúc:   16:15:22 - 04/01/2018 Số lượt xem:   190 Người đăng:   Administrator
Ông Phạm Văn Tân, PCT kiêm TTK LHHVN khai mạc Diễn đàn Ông Phạm Văn Tân, PCT kiêm TTK LHHVN khai mạc Diễn đàn
Sáng ngày 31/10/2017, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tổ chức Diễn đàn khoa học “Thực trạng và giải pháp an toàn thực phẩm hiện nay ở Việ
Cập nhật ngày: 01/11/2017


Sáng ngày 31/10/2017, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tổ chức Diễn đàn khoa học “Thực trạng và giải pháp an toàn thực phẩm hiện nay ở Việt Nam”. 

Diễn đàn thu hút sự tham gia của gần 60 đại biểu là các nhà khoa học trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đại diện Bộ Y tế, các ban, ngành liên quan và đại diện các hội thành viên, tổ chức KH&CN trực thuộc của Liên hiệp Hội Việt Nam. TS Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam và bà Trần Việt Nga, Cục phó Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế đồng chủ trì Diễn đàn.
 
An toàn thực phẩm luôn là mối quan tâm của toàn xã hội và trong bối cảnh hiện nay, an toàn thực phẩm đã trở thành vấn đề được quan tâm đặc biệt. Toàn xã hội dấy lên một nỗi lo lắng và hoang mang trước vấn đề thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, “chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa lại nhanh và dễ dàng như bây giờ”, lời phát biểu của Đại biểu quốc hội Trần Trọng Vinh (thuộc đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng) đã là một trong những tiếng chuông cảnh báo cề cuộc sống đầy rủi ro của người dân liên quan trực tiếp đến vấn đề an toàn thực phẩm.
 
Tại diễn đàn, đại diện của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành được giao nhiệm vụ đã có nhiều cố gắng, tăng cường các biện pháp quản lý nhằm ngăn chặn và đẩy lùi thực phẩm bẩn, như xây dựng hệ thống cơ quan quản lý an toàn thực phẩm từ trung ương tới địa phương: thông tư liên tịch số 13 quy định trách nhiệm của 3 bộ trực trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; thành lập hệ thống 63 Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và 62 Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; 100% địa phương thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP ở các cấp; Chỉ thị số 13/CT-TTg nhấn mạnh tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Tuy có nhiều cố gắng nhưng ngành quản lý thực phẩm an toàn cũng còn gặp nhiều thách thức, trong đó sự thiếu hụt về nguồn lực tài chính và con người, nhất là lực lượng cán bộ quản lý ATTP còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn, kinh phí thấp. Thêm nữa tập quán sản xuất, sinh hoạt của Việt Nam vẫn tồn tại nhiều các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh ATTP trong quy trình giết mổ gây khó khăn cho công tác quản lý an toàn thực phẩm.
 
Các đại biểu, các nhà khoa học thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam tham gia Diễn đàn cũng đã sôi nổi thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, tập trung vào các vấn đề lớn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đảm bảo chất lượng ATTP ở nước ta trong thời gian tới.
 
Chia sẻ về hệ thống pháp luật và tổ chức của Việt Nam hướng tới thực thi có hiệu quả SPS/EVFTA, Ông Nguyễn Tử Cương, Hội Nghề cá Việt Nam đã chỉ ra sự khác biệt trong việc triển khai Hiệp định về các Biện pháp vệ sinh động thực vật của WTO (Hiệp định SPS) giữa Việt Nam và các nước tham gia WTO (SPS là quy định các chỉ tiêu, yêu cầu của quá trình sản xuất, dịch vụ liên quan tới An toàn thực phẩm, An toàn sức khỏe động vật, An toàn sức khỏe thực vật). Theo đó, Việt Nam hiện nay có 3 đầu mối là Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương so với việc Liên minh Châu Âu chỉ có 1 đầu mối, chưa kể, tại mỗi bộ lại chia thành nhiều đầu mối quản lý, điều này đã gây ra không ít những khó khăn, chồng chéo về trách nhiệm trong công tác quản lý của các đơn vị này.
 
Một điểm khác giữa Việt Nam và EU trong thực thi SPS, đó là, Liên minh EU có 1 điểm hỏi đáp, từng quốc gia cũng chỉ có 1 điểm hỏi đáp, trong khi Việt Nam có 3 điểm hỏi đáp nằm ở 3 bộ có chức năng ngang nhau. Theo ông Cương, điều này trái với Hiệp đinh SPS/WTO, gây khó khăn cho các nước khi giao dịch vói Việt nam, trong khi đó các điểm hỏi SPS của Việt Nam cũng không đủ nguồn lực và bị động.
 
Ông Cương cũng đề xuất trong thời gian tới, cần rà soát bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về SPS; xây dựng giáo trình và tài liệu phổ biến kiến thức về SPS; tuyển chọn đội ngũ cán bộ làm việc tại cơ quan liên quan đến SPS và xã hội hóa công tác kiểm nghiệm, xét nghiệm nhằm đảm bảo thực thi tốt Hiệp định về an toàn thực phẩm SPS.
 
Đồng quan điểm với ông Cương, bà Bùi Thị Kim, Chủ tịch Hội KHKT An toàn thực phẩm Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam cần có Cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm thống nhất, tránh tình trạng việc quản lý thuộc trách nhiệm của 3 Bộ, 3 cục như hiện nay sẽ khiến cho vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm về lâu dài vẫn là vấn đề nhức nhối.
Ông Nguyễn Tử Cương, Hội Nghề cá Việt Nam
 
Chia sẻ về kinh nghiệm tham gia cung ứng thực phẩm an toàn, bà Bùi Thị An, Liên hiệp Hội Hà Nội đã giới thiệu mô hình Chuỗi siêu thị “Bữa ăn an toàn”. Hệ thống siêu thị “Bữa ăn an toàn” hoạt động dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước như Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội, các cơ quan báo chí và người tiêu dùng. Bà An cho biết, Chương trình “Bữa ăn an toàn” là sự kết nối của 5 nhà gồm: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà báo và người tiêu dùng. Điểm khác biệt của hệ thống siêu thị “Bữa ăn an toàn” đó là điều kiện để các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia cung ứng thực phẩm vào siêu thị phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, được các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, y tế các tỉnh, TP lựa chọn, đề cử tham gia Chương trình. Doanh nghiệp ký cam kết và chịu trách nhiệm về chất lượng thực phẩm đến từng bàn ăn của người tiêu dùng.
 
Đây là chương trình phi lợi nhuận do Liên hiệp Hội Hà Nội triển khai nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tạo niềm tin và dành được nhiều sự quan tâm và ủng hộ của người tiêu dùng thủ đô.
 
Ngoài ra, các đại biểu tham dự diễn đàn cũng đã chia sẻ nhiều ý kiến, tựu chung lại, cần phải có một hệ thống giải pháp đồng bộ bao gồm quản lý nhà nước, truyền thông kiến thức, văn hóa sản xuất và tiêu dùng của xã hội nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe người dân Việt Nam trong thời gian tới.
Bà Bùi Thị An, Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Nội
 
Thay mặt lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam, TS Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đã ghi nhận các ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học. Sau Hội thảo, Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, bạn đọc quan tâm tại mục Diễn đàn khoa học trên Báo Đất Việt về thực trạng và giải pháp an toàn thực phẩm hiện nay ở Việt Nam và gửi ý kiến chính thức đến các cơ quan có thẩm quyền nhằm góp phần thực hiện tốt công tác an toàn thực phẩm của Việt Nam trong thời gian tới.

Link 
Tác giả bài viết: Bích Hồng
Nguồn: www.vusta.vn ngày 31/10/2017
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 56
accessibility Hôm qua: 92
account_circle Trong tháng: 275.302
account_box Trong năm: 23.925
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.245