Mô hình mía tưới nước và áp dụng cơ giới hóa: Cho năng suất cao

Cập nhật lúc:   16:12:26 - 26/09/2017 Số lượt xem:   619 Người đăng:   Administrator
Mía được tưới nước cho năng suất cao hơn hẳn - Ảnh: M.DUYÊN Mía được tưới nước cho năng suất cao hơn hẳn - Ảnh: M.DUYÊN
Niên vụ mía 2015-2016, Sở TN-MT phối hợp với Nhà máy đường KCP Sơn Hòa, Công Ty TNHH Sản xuất
Niên vụ mía 2015-2016, Sở TN-MT phối hợp với Nhà máy đường KCP Sơn Hòa, Công Ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hoàng Long Vina triển khai mô hình Mía tưới nước và áp dụng cơ giới hóa vào thâm canh cây mía tại xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa). Sau thu hoạch, năng suất trung bình tại mô hình đạt 85 tấn/ha, cao hơn từ 27-29 tấn/ha so với năng suất mía bình quân của toàn xã.  

MÍA TƯỚI NƯỚC

Xã Sơn Phước có diện tích trồng mía trên 85% tổng diện tích trồng cây hàng năm và là vùng nguyên liệu mía của Nhà máy đường KCP Sơn Hòa. Cây mía đã trở thành nguồn thu nhập chính cho người dân trong xã, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ trên địa bàn xã. Ông Ra Lan Thu, Chủ tịch UBND xã Sơn Phước, cho biết: Niên vụ mía 2015-2016, toàn xã đưa vào sản xuất gần 2.000ha mía, trong đó có 15ha dùng làm mô hình mía tưới nước. Đồng thời, mô hình cũng đưa máy trồng mía, làm đất vào sản xuất, giúp giảm chi phí, sức lao động cho người dân. Mô hình thực hiện thí điểm với 8 hộ dân, sử dụng giống mía KK3, K95-156, K95-84.

Ông Lý Văn Thành, Trưởng vùng nguyên liệu của Nhà máy đường KCP Sơn Hòa, cho hay: Mía là cây trồng cạn nhưng lại rất cần nước. Nước chiếm trên 70% khối lượng cây mía thu hoạch. Ruộng mía được cung cấp đủ nước, cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao. Ngược lại, ruộng mía thiếu nước, khô hạn thì cây phát triển kém, năng suất thấp, có khi chỉ bằng phân nửa ruộng có tưới. Tưới nước cho mía vào mùa khô là một biện pháp hữu hiệu, giúp tăng thời gian sinh trưởng, góp phần nâng cao năng suất mía. Từ trước tới nay, người dân huyện Sơn Hòa nói chung và người dân xã Sơn Phước nói riêng quen với việc trồng mía không tưới nước hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Trong những năm gần đây, nắng nóng kéo dài và hạn hán ngày càng nghiêm trọng hơn; nếu bà con không thay đổi dần thói quen sản xuất thì năng suất mía sẽ ngày càng giảm. Khi triển khai mô hình này, nhà máy cùng Sở TN-MT muốn thay đổi thói quen canh tác cũ để người trồng mía nhanh thích ứng với những biến đổi của khí hậu hiện nay. Để chủ động nguồn nước tưới cho người dân tham gia mô hình, nhà máy đã đầu tư 60 triệu đồng đào hồ rộng 100m2, cung cấp nước tưới đủ cho 15ha mía. Đồng thời, nhà máy cũng hỗ trợ kinh phí để người dân tự đào hồ có điều kiện duy trì phương thức canh tác mới.

CHO NĂNG SUẤT CAO

Thực tế triển khai cho thấy nước tưới quyết định năng suất cây mía. Theo UBND xã Sơn Phước, trong 8 hộ tham gia mô hình, những hộ gần hồ, có điều kiện kéo nước về ruộng thì năng suất mía đạt từ 98-124 tấn/ha. Những hộ ở xa, bị hạn chế nguồn nước tưới thì năng suất chỉ đạt từ 75-80 tấn/ha.

Ông Phạm Ngọc Huệ ở thôn Tân Bình, cho biết: Gia đình tôi có 15ha đất trồng mía. Tôi sử dụng gần 2ha tham gia mô hình, năng suất sau thu hoạch đạt tới 124 tấn/ha, cao nhất từ trước tới nay. Kết quả này có được là nhờ nguồn nước tưới ổn định cung cấp cho cây mía trong suốt quá trình cây sinh trưởng và phát triển. Ngay khi triển khai mô hình, được Nhà máy đường KCP Sơn Hòa hỗ trợ 40 triệu đồng, gia đình tôi đã đào một hồ nhỏ có diện tích gần 1 sào. Lượng nước trong hồ đủ tưới liên tục cho 3ha mía. Tôi cũng đầu tư 2 máy bơm và hơn 1.000m đường ống dẫn nước. Nhờ có nước đầy đủ nên ruộng mô hình cho năng suất cao hơn ruộng ít nước tưới tới 44 tấn/ha. Niên vụ mía 2015-2016, sau thu hoạch, cây mía cho thu nhập gần 1 tỉ đồng. Còn ông Bùi Ngọc Trưởng ở thôn Hòn Ông, tham gia mô hình với diện tích 2,15ha, năng suất đạt 98 tấn/ha. Có được năng suất cao như vậy, ngoài việc tưới nước cho mía, gia đình ông còn áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Ông Trưởng cho biết: Gia đình tôi cũng tự đào hồ, mua máy bơm để tưới nước cho mía. Bên cạnh đó, gia đình còn đầu tư 250 triệu đồng mua máy về cày đất, phun thuốc, bỏ phân và kéo hàng trồng mía. Đưa cơ giới hóa vào sản xuất giúp tiết kiệm chi phí đầu vào được hơn 1 triệu đồng/ha.

Theo ông Nguyễn Phúc Trí, chuyên viên giám sát nông vụ của Nhà máy đường KCP Sơn Hòa, kết quả sau thu hoạch của niên vụ mía 2015-2016 cho thấy mía tưới nước ở ruộng mô hình đạt năng suất bình quân 85 tấn/ha, cao hơn từ 27-29 tấn/ha so với ruộng đại trà của xã. Đồng thời khi đưa máy móc vào sản xuất, người dân còn tiết kiệm được thời gian và chi phí. Cụ thể, mỗi hecta làm thủ công mất 12 triệu đồng chi phí và thời gian kéo dài 3 ngày còn làm máy hết 11 triệu đồng và chỉ mất 1 ngày làm.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, người nông dân là đối tượng dễ bị tác động. Nhiệm vụ này đặt ra cho công tác xóa đói giảm nghèo là phải thay đổi tập quán canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Xuất phát từ đó, khi thực hiện hỗ trợ xã nghèo Sơn Phước, Sở TN-MT đã phối hợp với Nhà máy đường KCP Sơn Hòa, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hoàng Long Vina triển khai mô hình thâm canh cây mía nhằm hình thành thói quen tưới nước cho mía và áp dụng cơ giới hóa; từ đó giúp nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập cho người dân.

Ông Nguyễn Như Thức, Giám đốc Sở TN-MT 

Nguồn: baophuyen.com.vn ngày 08/06/2016
Tin cùng chuyên mục
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 28
accessibility Hôm qua: 70
account_circle Trong tháng: 274.864
account_box Trong năm: 23.487
supervisor_account Tổng truy cập: 3.163.807