Lan tỏa mô hình canh tác bền vững

Cập nhật lúc:   16:15:46 - 26/09/2017 Số lượt xem:   632 Người đăng:   Administrator
Mô hình trồng bắp lai thích ứng với biến đổi khí hậu ở xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) mang lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: CTV Mô hình trồng bắp lai thích ứng với biến đổi khí hậu ở xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) mang lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: CTV
Phát huy hiệu quả của dự án trước, Hội Nông dân huyện Đồng Xuân vừa tổ chức hội nghị triển khai dự án
Phát huy hiệu quả của dự án trước, Hội Nông dân huyện Đồng Xuân vừa tổ chức hội nghị triển khai dự án Chuyển giao kỹ thuật canh tác bền vững cho gần 100 nông dân hai xã Xuân Quang 2, Xuân Quang 3. Mục đích là nhằm nâng cao hiệu quả việc sử dụng đất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống cho người dân hai địa phương này… 

HIỆU QUẢ THẤY RÕ

Vùng đất ven sông Kỳ Lộ thuộc xã Xuân Quang 2 những năm qua thường xuyên bị ngập lụt, gây thiệt hại rất lớn đối với các loại cây trồng, vật nuôi dẫn đến thu nhập người dân rất bấp bênh. Trước tình trạng đó, năm 2010, xã được Quỹ Môi trường toàn cầu của Liên Hiệp Quốc (GEF) tài trợ về kỹ thuật và tài chính để xây dựng mô hình thích ứng với biển đổi khí hậu tại các thôn Triêm Đức, Phước Huệ, Phú Sơn. Đó là việc lựa chọn cây trồng trong hệ thống luân canh (đậu phộng trồng vụ đông xuân - bắp trồng vụ hè thu - bắp trồng dày vụ thu đông để lấy thân và lá cho gia súc); đồng thời sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với vùng đất của dự án. Ngoài ra, dự án còn kết hợp hài hòa giữa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật với tri thức bản địa của nông dân, giữa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường. Qua 30 tháng thực hiện, dự án đạt kết quả khả quan, mang lại lợi nhuận rất cao cho người dân nơi đây. Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2 Lê Văn Hùng cho biết: “Ban đầu, chúng tôi chọn 21 hộ với hơn 19ha đất để thực hiện thí điểm mô hình. Qua thời gian làm thí điểm, kết quả cho thấy mỗi ha người dân lãi ròng gần 64 triệu đồng, vượt so với cơ cấu trước đây cũng dùng đất đó để trồng bắp vụ đông xuân và vụ hè thu là 1,36 lần”. Theo ông Hùng, thấy hiệu quả kinh tế như vậy, nhiều người dân học tập làm theo, đến nay toàn xã có gần 150 hộ dân thực hiện mô hình trên.

Ông Nguyễn Văn Tính ở thôn Phú Sơn, xã Xuân Quang 2, nói: “Nhà tôi có một mẫu đất thường ngập lụt vào mùa mưa và nắng hạn vào mùa khô nên mỗi năm chỉ trồng bắp. Từ năm 2013 đến nay, thấy nhiều hộ nằm trong dự án của GEF làm ăn hiệu quả nên tôi làm theo. Từ đó đến nay, nhờ trồng luân canh các loại cây theo mô hình, tôi kiếm được 40 triệu đồng/năm, tăng gấp nhiều lần so với trước”.

Mô hình trồng đậu phộng xen canh ở xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) góp phần ổn định cuộc sống cho người dân - Ảnh: CTV
 
NHÂN RỘNG MÔ HÌNH

Sau khi tổng kết, GEF tiếp tục tài trợ cho huyện Đồng Xuân gần 1,1 tỉ đồng để nhân rộng dự án và hai xã ven sông Kỳ Lộ là Xuân Quang 2, Xuân Quang 3 được chọn chuyển giao kỹ thuật canh tác bền vững cho người dân. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Xuân Huỳnh Văn Xuân nói: Ngoài hỗ trợ của GEF, còn có kinh phí đối ứng của hai xã, Hội Nông dân và UBND huyện Đồng Xuân nên nâng tổng giá trị của dự án lên hơn 4,2 tỉ đồng, tạo điều kiện cho gần 100 hộ thuộc hai xã tham gia.

Theo đánh giá, hiện xã Xuân Quang 2 và Xuân Quang 3 có ba hệ thống sản xuất nông nghiệp chính gồm vùng đất sản xuất cây trồng ổn định ở ven sông; vùng đất ngập nước theo mùa ven sông và vùng đất gò đồi. Vì thế, để đảm bảo an ninh lương thực cho người dân và nâng cao năng suất, cây trồng tăng thu nhập, mỗi vùng đất đều chọn cơ cấu luân canh cây trồng phù hợp theo từng vùng. Đơn cử, vùng đất sản xuất cây trồng ổn định ở ven sông phải trồng luân canh với các loại cây: thứ nhất cơ cấu hai vụ lúa đông xuân và hè thu; thứ hai là làm hai vụ màu và một vụ lúa bằng cách trồng đậu xanh hoặc đậu phộng cho vụ đông xuân, rồi trồng bắp cho vụ hè thu và làm lúa; thứ ba là làm ba vụ màu gồm trồng đậu xanh hoặc đậu phộng cho vụ đông xuân, trồng bắp cho vụ hè thu và trồng bắp cho vụ thu đông; thứ tư là làm hai vụ lúa đông xuân sớm rồi trồng đậu xanh, sau đó làm lúa vụ hè thu muộn. “Phát huy thắng lợi của dự án trước, hy vọng dự án lần này, nhiều bà con tiếp tục nắm bắt kiến thức, kỹ thuật thâm canh để áp dụng trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho địa phương”, ông Lê Văn Hùng nhấn mạnh. 
Nguồn: baophuyen.com.vn ngày 14/03/2016
 
Tin cùng chuyên mục
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 113
accessibility Hôm qua: 100
account_circle Trong tháng: 268.855
account_box Trong năm: 20.615
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.935