Ấn Độ nghiên cứu phát triển 30 loại vắcxin phòng COVID-19

Cập nhật lúc:   08:00:55 - 07/05/2020 Số lượt xem:   396 Người đăng:   Administrator
Ảnh minh họa - Nguồn: AFP/TTXVN Ảnh minh họa - Nguồn: AFP/TTXVN
Trong một thông báo ngày 6/5, một nhóm các nhà nghiên cứu y khoa của Ấn Độ cho biết nước này "đang trong giai đoạn phát triển hơn 30 loại vắcxin", trong đó một số ít đã ở giai đoạn thử nghiệm.
Giới chuyên gia nhấn mạnh sự phát triển này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. 
Theo số liệu thống kê mới nhất, Ấn Độ đã ghi nhận 49.391 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 1.694 ca tử vong. 
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chính phủ nước này đã ban bố lệnh phong tỏa trong cả nước từ ngày 25/3 vừa qua. 
Trong thông báo tối 5/5, Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ cho biết Thủ tướng Narendra Modi đã xem xét chi tiết về những dự án phát triển vắcxin phòng bệnh COVID-19 cũng như các biện pháp phát hiện, chẩn đoán và thử nghiệm thuốc. 
Hiện có 3 tiêu chí đang được áp dụng trong nghiên cứu phát triển thuốc điều trị COVID-19 ở nước này. Trước tiên, Ấn Độ sẽ tận dụng các loại thuốc hiện có. Ít nhất 4 loại thuốc đang được tổng hợp và kiểm tra trong danh mục này. 
Bên cạnh đó, nước này cũng nghiên cứu phát triển thêm các loại dược phẩm và các hoạt chất mới cũng như thử nghiệm tính hiệu quả trong các phòng thí nghiệm. Ngoài ra, các thành phần thảo mộc và các loại thảo dược cũng đang được tiến hành kiểm tra để xác định đặc tính chống virus. 
Trong công tác chẩn đoán và xét nghiệm COVID-19, một số tổ chức nghiên cứu hàn lâm và các công ty khởi nghiệp đã phát triển các phương thức thử nghiệm mới, bao gồm cả phương pháp phản ứng tổng hợp chuỗi phiên mã ngược (RT-PCR) và phát hiện kháng thể. 
Trong khi đó, các nhà khoa học ở TP Braunschweig của Đức đã phát hiện các kháng thể có thể ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào, qua đó có thể hy vọng sớm sản xuất thuốc điều trị hiệu quả virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. 
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu trên báo Braunschweig, nhà virus học Luka Cicin-Sain thuộc Trung tâm Nghiên cứu nhiễm trùng Braunschweig Helmholtz (HZI) cho biết việc phát hiện kháng thể ngăn chặn virus xâm nhập tế bào là bước đột phá hướng tới bào chế thành công thuốc chống virus SARS-CoV-2. 
Các nhà khoa học từ nhiều đơn vị nghiên cứu đã tiến hành phân tích khoảng 6.000 kháng thể nhân tạo khác nhau và đã tìm được hơn 750 kháng thể liên kết với virus gây COVID-19, điều kiện tiên quyết để chống mầm bệnh thành công. 
Theo chuyên gia Stefan Dzigel thuộc Đại học Kỹ thuật Braunschweig, trái với tiêm chủng vaccine, trong đó bệnh nhân được tiêm một phần mầm bệnh để tự hình thành kháng thể và từ đó tăng cường khả năng miễn dịch, mục tiêu của nhóm nghiên cứu ở Braunschweig là hướng tới bào chế một loại thuốc để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 thể nặng, nguyên tắc được gọi là "miễn dịch thụ động." 
Theo kế hoạch, các nhà nghiên cứu sẽ chọn lọc tìm ra những kháng thể tốt nhất cho tới giữa tháng 6 tới và sau đó sẽ trải qua các bước thử nghiệm để tiến tới những bệnh nhân đầu tiên có thể được điều trị bằng liệu pháp kháng thể vào mùa thu tới. 
Trong diễn biến khác, Công ty công nghệ sinh học lớn nhất Úc CSL ngày 6/5 thông báo sẽ bắt đầu thử nghiệm một sản phẩm kháng thể điều trị cho người mắc bệnh COVID-19, qua đó tham gia cuộc đua toàn cầu tìm ra cách chữa trị bệnh dịch nguy hiểm đến nay đã cướp đi sinh mạng của gần 260.000 người trên thế giới. 
Trong thông báo, CSL cho biết sản phẩm thử nghiệm được điều chế từ huyết tương của những bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh và tập trung vào các kháng thể chống virus. CSL sẽ thử nghiệm điều trị cho những ca bệnh nặng. 
Bộ trưởng Y tế Úc Greg Hunt nhấn mạnh CSL sẽ là một trong những cơ sở đầu tiên trên thế giới bắt đầu phát triển "một globulin miễn dịch (immunoglobulin) đối với COVID-19 có thể chữa trị các ca bệnh nặng”. 
Globulin miễn dịch là các kháng thể chống virus có trong các tế bào máu của những người đã khỏi bệnh sau khi nhiễm virus. Để sản xuất đủ globulin miễn dịch điều trị cho khoảng 50-100 bệnh nhân nặng được điều trị thử nghiệm, CSL cần huyết tương của khoảng 800 người. 
Số huyết tương này sẽ do Hội Chữ thập đỏ Úc thu thập. Nếu thử nghiệm lâm sàng thành công, CSL sẽ đăng ký sản phẩm này dưới tên COVID-19 Immunoglobulin với cơ quan quản lý các sản phẩm chữa bệnh của Úc để được phân phối trong nước.
 
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)
Nguồn: Báo Phú Yên ngày 06/5/2020
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 15
accessibility Hôm qua: 100
account_circle Trong tháng: 268.757
account_box Trong năm: 20.517
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.837