Báo Anh ca ngợi cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam

Cập nhật lúc:   09:04:52 - 27/04/2020 Số lượt xem:   169 Người đăng:   Administrator
Hành khách được đo thân nhiệt trước khi vào ga Hà Nội - Ảnh: TTXVN Hành khách được đo thân nhiệt trước khi vào ga Hà Nội - Ảnh: TTXVN
* Truyền thông Pháp đánh giá cao cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam
Kể từ ngày 23/4, Việt Nam đã bắt đầu nới lỏng "giãn cách xã hội" (cách ly xã hội), các biện pháp hiện vẫn đang được duy trì ở nhiều quốc gia Đông Nam Á trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, từng bước đưa cuộc sống hàng ngày tại các thành phố lớn dần trở lại bình thường.
 
Theo thông báo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, dù một số loại hình dịch vụ không thiết yếu vẫn phải đóng cửa, nhưng cho đến nay, không có tỉnh nào của Việt Nam nằm trong nhóm "nguy cơ cao”.
 
Theo bài viết đăng trên tờ Telegraph của Anh ra ngày 23/4, dù chưa có báo cáo chính thức song có thể nói cuộc chiến chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của một đất nước với 95 triệu dân là "câu chuyện thành công," khi Việt Nam chỉ có 268 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 (cập nhật của Bộ Y tế Việt Nam đến sáng 25/4 là 270 ca) và không có trường hợp tử vong nào.
 
Với đường biên giới có hơn 1.000km giáp Trung Quốc, nơi khởi phát dịch COVID-19, và điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh nhờ những biện pháp kịp thời và hiệu quả.
 
Cũng giống như một số quốc gia châu Á khác, phản ứng nhanh chóng của Việt Nam, dựa vào một kế hoạch đối phó với dịch bệnh được chuẩn bị kỹ lưỡng như từng được đưa ra ngay sau các đợt dịch có tỉ lệ lây nhiễm cao như SARS (Hội chứng viêm đường hô hấp cấp hồi năm 2002-2003) và dịch cúm A/H5N1 tại Việt Nam.
 
Theo báo trên, chiến lược của Việt Nam tập trung vào sự kết hợp giữa xét nghiệm sàng lọc và theo dõi lịch sử dịch tễ nghiêm ngặt để kịp thời khoanh vùng tại chỗ các nhóm đối tượng nghi ngờ, tránh nguy cơ dịch lan rộng.
 
Sau những trường hợp đầu tiên được ghi nhận hồi tháng 1/2020, với việc nhanh chóng cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc, với hơn 10.000 nhân khẩu, Việt Nam đã sớm đưa ra quyết định cách ly 14 ngày đối với tất cả những người trở về Việt Nam từ những nước và vùng lãnh thổ có nguy cơ cao.
 
Cũng kể từ đầu tháng 2/2020, tất cả các trường phổ thông, đại học đồng loạt đóng cửa.
 
Việt Nam đã duy trì được 22 ngày liên tục không có ca nhiễm mới sau thành công điều trị khỏi 16 ca mắc COVID-19.
 
Sau ca mắc thứ 17 ghi nhận vào ngày 6/3 từ London (Anh) trở về, Việt Nam đã theo dõi nghiêm ngặt và cách ly tất cả hành khách từ nước trở về, đồng thời dừng việc miễn thị thực cho Vương quốc Anh và một số nước châu Âu trước khi phong tỏa toàn bộ các đường biên giới.
 
Cùng với nhiều biện pháp phòng chống dịch được tuyên truyền rộng rãi như rửa tay, đeo khẩu trang, vệ sinh môi trường... vũ điệu rửa tay "Ghen Cô Vi" của Việt Nam không chỉ tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, mà còn khiến thế giới phấn khích và thán phục.
 
Vũ điệu này, sau đó đã được phát trên truyền thông của nhiều nước như Mỹ, Pháp, Đức và được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) chia sẻ.
 
* Theo phóng viên TTXVN tại Paris, hàng loạt tờ báo lớn của Pháp trong tuần qua như Le Monde, Ouest-France và Les Echos đã có bài viết về cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 tại Việt Nam, đánh giá rằng Việt Nam là "một trường hợp ngoại lệ" và khó có nước nào "có thể làm tốt hơn”.
 
Tờ Ouest-France cho biết đất nước Việt Nam - với 96 triệu dân và đường biên giới dài 1.000km với Trung Quốc - đã không được nhắc đến nhiều khi cuộc khủng hoảng COVID-19 bùng phát. Nhưng điều gây ngạc nhiên cho thế giới là tình hình 3 tháng sau đó. Tính đến ngày 24/4, Việt Nam chỉ có tổng cộng 270 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và không có ca tử vong nào.
 
Tờ Ouest-France đã nêu ra 3 nguyên nhân dẫn đến sự thành công của Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam có "cách ứng phó mạnh mẽ và nhanh chóng". Các trường học tại Việt Nam đã đóng cửa kể từ ngày 20/1 khi nghỉ Tết Nguyên đán, trong khi ở Pháp, phải đến ngày 18/3 chính phủ mới áp dụng biện pháp này.
 
Biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đóng cửa vào đầu tháng 2 vừa qua, trong khi Pháp chỉ áp dụng quyết định của châu Âu đóng cửa khu vực Schengen (tự do đi lại giữa các nước châu Âu mà không cần thị thực) vào ngày 17/3.
 
Ủy ban liên bộ xử lý khủng hoảng đã ra đời ngày 30/1, trong khi Hội đồng khoa học Pháp chỉ được thành lập vào ngày 11/3. Các biện pháp cấm tập hợp trên 20 người, sau đó trên 10 người và quyết định đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu cũng được thực hiện rất sớm.
 
Thứ hai, Việt Nam "nhắm đúng mục tiêu". Người Việt Nam chấp nhận cách ly tuyệt đối tất cả các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm virus, theo một quy trình được thiết lập trơn tru. Những ca dương tính được coi là F0 và đưa vào chữa trị trong bệnh viện.
 
Những người đã tiếp xúc với F0 được gọi là F1, được xét nghiệm và cách ly tại các doanh trại quân đội hoặc tại bệnh viện. Các ca F2 được yêu cầu tự cách ly tại nhà riêng trong hai tuần. Nếu F1 dương tính sẽ trở thành F0, và như vậy F2 sẽ trở thành F1.
 
Hiện tại, khoảng 70.000 người đang cách ly, trong đó có hàng trăm người nước ngoài.
 
Việc nhắm mục tiêu này cũng dựa trên công nghệ mới: Kể từ ngày 10/3, mọi công dân Việt Nam đều phải khai báo y tế trực tuyến. Một ứng dụng để theo dấu các cuộc tiếp xúc cũng đang được phát triển. Pháp mới đây cũng quyết định kiểm soát các chuỗi lây nhiễm, bằng cách xét nghiệm và cách ly những người có kết quả dương tính, nhưng chỉ thực sự bắt đầu từ ngày 11/5.
 
Chiến lược này đã được thử nghiệm trong những tuần đầu tiên của đại dịch khi các ca nhiễm bệnh vẫn còn có thể được xác định trong các ổ dịch Contamine-Montjoie và Oise, nhưng sau đó đã bị bỏ rơi khi dịch bệnh bùng phát mạnh.
 
Thứ ba, Việt Nam đã "mở rộng liệu pháp nhắm mục tiêu khi cần thiết”. Không chỉ các cá nhân, mà toàn bộ khu phố hay một làng xã cũng bị cách ly khi tình hình bắt buộc. Từ ngày 1/4 cả nước thực hiện cách ly toàn xã hội: bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, hạn chế ra khỏi nhà và cấm tất cả các cuộc tụ họp.
 
Với tựa đề "Cuộc tổng tiến công mùa xuân thành công của Việt Nam chống dịch COVID-19", bài báo trên tờ Le Monde nhận định hiện Việt Nam đang thành công trong việc chặn đứng chủng virus corona mới. Đó là kết quả của một chính sách hiệu quả: nhận diện và theo dõi những người và những nhóm bị lây nhiễm, hoặc có nguy cơ lây nhiễm. Bên cạnh đó, việc giám sát giãn cách xã hội cũng được thực hiện rất nghiêm ngặt, những ai vi phạm quy định sẽ bị xử lý mạnh tay.
 
Cụ thể, gần đây một công dân không đeo khẩu trang và còn đánh cán bộ của một chốt kiểm soát phòng chống dịch, đã bị kết án 9 tháng tù.
 
Bác bỏ sự nghi ngờ về độ tin cậy của các con số thống kê tại Việt Nam, tờ Le Monde cũng trích dẫn lời của một người Pháp gốc Việt đã mắc bệnh và được điều trị tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết với các mạng xã hội được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam, chính phủ khó có thể che giấu một dịch bệnh quy mô lớn như vậy.
 
Tờ Le Monde cũng nhắc lại việc Chính phủ Việt Nam mới đây đã tặng 550.000 khẩu trang cho 5 nước châu Âu là Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Anh, cũng như 800.000 khẩu trang cho hai nước láng giềng Lào và Campuchia. Mỹ vừa mua 450.000 bộ quần áo bảo hộ của DuPont Hazmat - được Việt Nam huy động nhân công sản xuất khẩn cấp để giúp chống dịch.
 
Trong khi đó, tờ Les Echos đánh giá chiến lược thắng lợi của Việt Nam là dựa trên nhận thức sớm về mối đe dọa và sự cách ly nghiêm ngặt những người nhiễm bệnh.
 
Theo tờ báo, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã lựa chọn một chiến lược "chi phí thấp”. Không có xét nghiệm sàng lọc quy mô lớn đắt tiền, nhưng ngành y tế đã cố gắng xác định nhanh chóng và cách ly khẩn cấp những người nhiễm virus, cũng như theo dõi chặt chẽ những người đã tiếp xúc với họ. Ứng dụng di động NCOVI đã được ra mắt vào ngày 10/3, để khuyến khích mọi người báo cáo tình trạng sức khỏe của họ và được theo dõi trong trường hợp tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh.
 
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)
Nguồn: Báo Phú Yên ngày 25/4/2020
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 90
accessibility Hôm qua: 93
account_circle Trong tháng: 268.732
account_box Trong năm: 20.492
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.812