Khánh Hòa: Ngổn ngang Khu kinh tế Vân Phong

Cập nhật lúc:   09:37:50 - 10/12/2017 Số lượt xem:   84 Người đăng:   Administrator
Cọc sắt và cọc bêtông chất thành đống, gỉ sét Cọc sắt và cọc bêtông chất thành đống, gỉ sét
Sau khi ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong quyết định thu hồi hai dự án “khủng”: cảng trung chuyển container quốc tế và căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí, số phận của khu kinh tế này đang là một d
Cập nhật ngày: 27/06/2013
Sau khi ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong quyết định thu hồi hai dự án “khủng”: cảng trung chuyển container quốc tế và căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí, số phận của khu kinh tế này đang là một dấu hỏi lớn. 

Tại công trường thi công cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong những ngày gần đây, một bãi đất rộng lớn hàng chục hecta với hàng nghìn cọc thép, cọc bêtông khổng lồ nằm ngổn ngang, gỉ sét.

Ngay tại công trường, vẫn còn trên 500 cọc mới nhập về đang còn bọc nhựa chất thành đống. Gần 100 cọc thép đóng xuống biển hồi năm 2010 bị lỗi dư trên mặt nước 2-10 m đã được cắt và giằng lại thành một khối để tăng sức chịu đựng với sóng gió ở đây. Những đoạn cọc sắt thừa vứt lăn lóc sát mép biển như những đống sắt vụn.

Văn phòng làm việc của liên danh nhà thầu là Công ty Kỹ thuật và xây dựng SK và Tổng công ty Xây dựng đường thủy VN ngay cổng công trường vắng tanh. Khu nhà ở cho công nhân và bảo vệ công trường bị dột nát, được ngư dân tận dụng làm nơi chứa ngư cụ và phơi cá. Anh Trần Văn Hóa, một người dân ở khu vực này, cho biết lâu lắm rồi không thấy công nhân hay người quản lý đến công trường.

Ông Hoàng Đình Phi, phó Ban quản lý khu kinh tế Vân Phong, thừa nhận tình hình đầu tư vào Vân Phong chưa đem lại hiệu quả như mong đợi, nhiều dự án còn lại triển khai rất chậm. “Những khó khăn trong thu hút đầu tư cũng như việc triển khai thực hiện các dự án chủ yếu là do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu” - ông Phi nói.

Trước mắt, theo ông Phi, địa phương này và ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong sẽ áp dụng một loạt giải pháp để hỗ trợ nhà đầu tư. Trong đó, tập trung giải quyết thủ tục để sớm khởi công những dự án đang triển khai, tháo gỡ khó khăn cho những dự án đã đi vào hoạt động để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất. Ngoài ra, địa phương này cũng đang nghiên cứu cải tiến các hình thức xúc tiến đầu tư để tìm kiếm, mời gọi các nhà đầu tư có năng lực tham gia thực hiện các dự án trong khu kinh tế.

Ông Bùi Mau, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Khánh Hòa, cho rằng UBND tỉnh Khánh Hòa cần sớm gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng hoặc tổ chức hội nghị giới thiệu tiềm năng của cảng Vân Phong, giới thiệu những chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư đổ vốn vào dự án cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong. Sau thất bại của Vinalines, UBND tỉnh Khánh Hòa đang xúc tiến cho cảng Rotterdam (Hà Lan) đầu tư. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thông tin từ nhà đầu tư này.

Ngoài ra, Khánh Hòa cần sớm trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch đặc khu hành chính kinh tế Vân Phong để có những chính sách đặc biệt dành cho nhà đầu tư vào cảng biển này. “Những chính sách nào thuộc thẩm quyền của tỉnh thì Khánh Hòa quyết, nếu không thuộc thẩm quyền phải kiến nghị lên cấp cao hơn để làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư” - ông Mau nói.

Theo ông Mau, quan điểm vẫn là nhà đầu tư nào không làm được thì cứ thu hồi giấy phép, để những nhà đầu tư có năng lực hơn vào làm. Tuy nhiên, UBND tỉnh Khánh Hòa cần hướng đến nhà đầu tư nước ngoài, vì hiện nay nhà đầu tư trong nước không đủ năng lực thực hiện công trình này.

Khu kinh tế Vân Phong được thành lập năm 2006 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có diện tích 150.000ha, thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), được định hướng phát triển trở thành khu kinh tế tổng hợp, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo.

Đến nay Khu kinh tế Vân Phong thu hút 126 dự án đầu tư, gồm 97 dự án trong nước và 29 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 12,5 tỉ USD. Hiện đã có 55 dự án đi vào hoạt động (có 21 dự án đã hoạt động trước khi thành lập khu kinh tế) với tổng vốn thực hiện 571 triệu USD. Theo ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong, nhiều dự án tiến hành khởi công rồi để đó hoặc triển khai rất chậm. Từ năm 2010 đến tháng 6-2013, ban quản lý khu kinh tế này đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 10 dự án, với tổng vốn đăng ký 2,225 tỉ USD. 

 
Nguồn: Vusta.vn ngày 27/06/2013
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 19
accessibility Hôm qua: 106
account_circle Trong tháng: 275.371
account_box Trong năm: 23.994
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.314