Đẩy mạnh luyện tập dưỡng sinh tâm thể

Cập nhật lúc:   15:17:46 - 21/08/2018 Số lượt xem:   566 Người đăng:   Administrator
Nhân chứng điển hình phát biểu tại hội nghị kỷ niệm Ngày truyền thống DSTT Việt Nam - Ảnh: VŨ HOÀNG Nhân chứng điển hình phát biểu tại hội nghị kỷ niệm Ngày truyền thống DSTT Việt Nam - Ảnh: VŨ HOÀNG
Từ thời cổ đại, con người đã biết cách giữ gìn và tăng cường sức khỏe để phòng bệnh và chữa bệnh. Dưỡng sinh tâm thể (DSTT) là một trong rất nhiều phương pháp dưỡng sinh cổ truyền. 23 năm qua, kể từ ngày hoạt động có tổ chức, DSTT không ngừng phát triển, góp phần đẩy lùi bệnh tật, xóa đói giảm nghèo.
DSTT là một phương pháp rèn luyện phối hợp giữa tinh thần và thể xác, huy động tiềm năng của cái “tâm” con người. Theo quan sát, nghiên cứu tìm hiểu nhiều chiều và cả thực nghiệm nghiêm túc, cẩn trọng của Viện Nghiên cứu ứng dụng DSTT Việt Nam, DSTT là một phương pháp dưỡng sinh cổ truyền của phương Đông và của dân tộc ta, mà cố Trưởng môn Tôn Nữ Hoàng Hương (còn gọi là Bà Hai Hương) là người có tâm đức đã tiếp thu được và truyền lại cho cộng đồng với tâm nguyện cao cả.
 
23 năm phát triển
 
Thực tế, 23 năm qua, phương pháp tập luyện thuộc lĩnh vực năng lượng đẩy lùi bệnh tật này đã ít nhiều hỗ trợ cho y học hiện đại. Điểm mấu chốt của DSTT là “cái tâm”, là lòng tự tin ở tiềm lực của năng lượng bản thân, cùng với tấm lòng hướng thiện, yêu người, yêu đời. Tất cả tâm truyền tâm, tạo nên sự cộng hưởng năng lượng khổng lồ giúp đẩy lùi hoặc ngăn chặn nhiều bệnh tật trong thời gian ngắn, ít tốn kém cho hàng vạn trường hợp.
Hoạt động DSTT được phân chia thành 2 thời kỳ: Thời kỳ trước và sau khi thành lập Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng DSTT Việt Nam (21/8/1995), nay là Viện Nghiên cứu ứng dụng DSTT Việt Nam. Thời kỳ trước tạm gọi là “Thời hoạt động dân dã”, thời kỳ sau gọi là “Thời hoạt động trong tổ chức”.
 
Để cứu đời, Bà Hai Hương đã đi vào dân, sống cuộc đời dân dã, chia ngọt sẻ bùi, xả thân cứu bệnh với tấm lòng “Thương người như thể thương thân”. Bà như đốm lửa thiêng giữa đêm tối bão giông, đem lại niềm tin vào cái thiện, thức tỉnh những tiềm năng để người dân có thể tự cứu mình, tự vươn lên sống khỏe, sống thiện.
 
Người đứng đầu Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA) là Tổng Giám đốc, TS Vũ Thế Khanh đã nhận ra chất “vàng ròng” của DSTT, tạo mọi điều kiện để DSTT ra đời và trụ vững tại Hà Nội, để từ đây tỏa về mọi vùng miền. Ngày 21/8/1995, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng DSTT Việt Nam được thành lập.
 
Giai đoạn đầu, DSTT phát triển rực rỡ, nhiều điểm tập được mở tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc, trong lúc các tỉnh miền Nam liên tục ra đời một số CLB và sau đó trở thành Trung tâm DSTT tỉnh… DSTT tới thời điểm này đã có mặt ở hơn 40 tỉnh, thành trong cả nước và để lại dấu ấn đậm nét nhờ tính hiệu quả cao và tính nhân văn sâu sắc. Đến nay, cả nước có 28 huấn luyện viên, 449 hướng dẫn viên và 227 tình nguyện viên.
 
So với các phương pháp dưỡng sinh khác thì DSTT tập dễ nhất, nhanh nhất, nhẹ nhàng nhất, ai cũng có thể tập được. Nhiều người mắc các chứng bệnh khó chữa như vảy nến, á sừng, mẩn ngứa dị ứng, rối loạn tiền đình, đau thần kinh tọa, thần kinh liên sườn, đau đầu mất ngủ, bại liệt, liệt nửa người do tai biến mạch máu não, câm điếc, bướu cổ… đã từng điều trị ở nhiều bệnh viện đông - tây y đều không có hiệu quả hoặc ít hiệu quả, nhưng chỉ sau một thời gian tập DSTT đã thấy có kết quả rõ rệt với trên 50% thuyên giảm từ một nửa tới khỏi hẳn, khoảng 90% sức khỏe được phục hồi và giảm bệnh…
 
Ngày 20/4/2018, Viện Nghiên cứu ứng dụng DSTT Việt Nam đã trở thành thành viên của Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam.
 
Hiệu quả từ Phú Yên
 
Phú Yên là một trong những tỉnh đầu tiên phát triển phương pháp DSTT và duy trì tốt đến ngày nay. Năm 1998, CLB DSTT tỉnh Phú Yên được thành lập. Đến tháng 1/2005, CLB phát triển thành Trung tâm Nghiên cứu hướng dẫn ứng dụng luyện tập DSTT tỉnh Phú Yên.
 
Hơn 20 năm qua, việc chữa bệnh bằng DSTT tại tỉnh đã thu hút ngày càng đông người dân địa phương đến với trung tâm nói chung và các CLB DSTT nói riêng, đẩy lùi hàng chục căn bệnh. Các huấn luyện viên, hướng dẫn viên có tâm và rất nhiệt tình, đã giúp bà con đẩy lùi bệnh tật, trong đó có những người đã chạy chữa hết tiền hết bạc nhưng không có kết quả, sau khi đến với DSTT thì khỏi bệnh.
 
DSTT Phú Yên phát triển và duy trì hoạt động của 12 CLB DSTT và 20 điểm tập trên toàn tỉnh với sự tham gia của 6 huấn luyện viên, gần 100 hướng dẫn viên, tình nguyện viên. Trung bình mỗi ngày, toàn tỉnh có gần 500 người tham gia luyện tập. Nổi bật nhất là các CLB DSTT huyện Sông Hinh, thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) thu hút số người đến chữa bệnh rất đông, có cả người ở ngoài địa phương. Hay như điểm tập tại nhà anh Nguyễn Như Hà (khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên, TX Sông Cầu) cũng thu hút hơn 100 người đến tập luyện, chữa bệnh mỗi ngày…
 
Hoạt động DSTT tỉnh Phú Yên trong thời gian qua đã góp một phần không nhỏ cho việc thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Phương pháp DSTT đã góp phần giảm thiểu gánh nặng kinh phí cho người bệnh; điều này hết sức có ý nghĩa với tất cả mọi người, đặc biệt là với những bệnh nhân nghèo.
 
ĐỖ NGỌC MỸ
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hướng dẫn
ứng dụng luyện tập dưỡng sinh tâm thể tỉnh Phú Yên
Nguồn: www.baophuyen.com.vn ngày 21/8/2018
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 101
accessibility Hôm qua: 100
account_circle Trong tháng: 268.843
account_box Trong năm: 20.603
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.923