Bước đi vững chắc đến nền nông nghiệp an toàn

Cập nhật lúc:   15:14:21 - 18/03/2019 Số lượt xem:   435 Người đăng:   Administrator
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương tham quan mô hình trồng sung magic sử dụng hệ thống IoT tại Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên - Ảnh: THÁI HÀ Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương tham quan mô hình trồng sung magic sử dụng hệ thống IoT tại Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên - Ảnh: THÁI HÀ
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đánh dấu sự phát triển bùng nổ các mảng liên quan đến công nghệ và tác động tích cực đến từng ngành, từng lĩnh vực, trong đó có ngành Nông nghiệp.
Những thay đổi đó đang đặt ngành Nông nghiệp Phú Yên trước những thách thức: hoặc phải triển khai các giải pháp nông nghiệp thông minh hoặc đánh mất niềm tin của người tiêu dùng và bị bỏ lại phía sau.

Từ nông dân “công nghệ cao”
 
Trong lễ khánh thành điểm trình diễn mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ vừa diễn ra đầu năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương khẳng định: Muốn có nền nông nghiệp công nghệ cao phải có những nông dân “công nghệ cao”. Bởi, một nền nông nghiệp thông minh phải dựa trên công nghệ sản xuất hiện đại và lực lượng sản xuất tương ứng. Nếu chỉ nhập về phương tiện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tiên tiến mà đội ngũ nông dân không nắm được kỹ năng, kỹ thuật điều hành sản xuất công nghệ cao thì câu chuyện nông nghiệp công nghệ cao không thể trở thành hiện thực.
 
Hiện nay có khá nhiều khái niệm về nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, theo ông Lê Đủ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo phát triển bền vững. Công nghệ cao trong nông nghiệp bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến...), tự động hóa; công nghệ thông tin; công nghệ vật liệu mới; công nghệ sinh học; các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao; các quy trình canh tác tiên tiến, canh tác hữu cơ... cho hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị sản xuất.
 
Cũng theo ông Lê Đủ, hiện nay, nông dân không còn xa lạ với công nghệ thông tin, nhất là tầng lớp nông dân trẻ, có trình độ học vấn và cả những nông dân có nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt, những người trẻ đang nắm bắt rất nhanh về công nghệ, kỹ thuật, dám đầu tư để làm nông nghiệp. Đây sẽ là nền tảng quan trọng hình thành nên lớp nông dân chất lượng cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, nói đến công nghệ cao cũng cần phải nói đến vốn cao, kỹ thuật cao nên dù có tinh thần học hỏi nhanh nhưng hiện vẫn chưa nhiều nhà nông có đủ tiềm lực kinh tế để ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.
 
Nói về giải pháp để hình thành nên lớp nông dân “công nghệ cao”, ông Lê Đủ cho rằng: “Hiện nay, người tiêu dùng đang có nhiều lo ngại về chất lượng cũng như an toàn thực phẩm. Để xua tan nỗi lo này và góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, việc cần làm là nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp và khoa học của chuỗi sản xuất nông nghiệp, giúp sản phẩm trở nên đáng tin cậy hơn. Phú Yên có khoảng 70% dân số làm nông nghiệp, vì vậy, lực lượng sản xuất không thiếu. Vấn đề là tỉnh cần có chính sách cụ thể trong việc xây dựng hạ tầng công nghệ cao về nông nghiệp ở nông thôn, hỗ trợ vốn thu hút nông dân đến với hạ tầng này để áp dụng nó vào sản xuất nông nghiệp”.
 
Đến ứng dụng IoT vào nông nghiệp
 
Ông Trần Hữu Quyền, Giám đốc Công ty CP Công nghệ bưu chính viễn thông (VNPT technology), nhà cung cấp hệ thống IoT cho Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên cho rằng, IoT là nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và được ứng dụng trên mọi lĩnh vực. Trong đó, nông nghiệp ứng dụng IoT là việc số hóa các hoạt động sản xuất thông qua các thiết bị cảm biến, công nghệ điều hành và tự động hóa. Từ sản xuất định tính, thông qua ứng dụng IoT, nông dân có thể kiểm soát được diễn biến cây trồng, vật nuôi qua số liệu, phân tích tự động, từ đó ra các quyết định đúng và hiệu quả.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương tham quan mô hình trồng sung magic sử dụng hệ thống IoT tại Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên - Ảnh: THÁI HÀ
 
Việc ứng dụng IoT giúp rút ngắn khoảng cách không gian, thời gian giữa chuyên gia nông nghiệp và nông dân. Cụ thể, thiết bị IoT giúp kết nối với các cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, độ pH, lượng mưa... để vận hành hệ thống tưới, làm mát, chiếu sáng, màn chắn... phù hợp. Nếu có yếu tố vượt giới hạn, hệ thống sẽ gửi cảnh báo bằng tin nhắn, email đến người quản lý. IoT cũng giám sát lịch sử sản xuất như: ngày trồng và thu hoạch, hàm lượng, xuất xứ, hạn bảo quản... để ghi lại và tự động tạo QR code phục vụ truy xuất nguồn gốc. Chi phí đầu tư hệ thống IoT cho mỗi sào (500m2) dao động từ vài triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng, tùy theo yêu cầu về mức hiện đại và độ chính xác của mô hình.
 
Ông Trần Hữu Quyền cho biết: “Là doanh nghiệp thuộc Tập đoàn VNPT, được bộ KH-CN chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao, sứ mệnh của công ty là trở thành đơn vị chủ lực trong lĩnh vực công nghệ công nghiệp, bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin. Chúng tôi luôn nỗ lực nghiên cứu, thiết kế, phát triển và sản xuất các sản phẩm công nghệ, xây dựng các hệ sinh thái ứng dụng công nghệ cao vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Trước khi mang hệ thống IoT đến Phú Yên, chúng tôi đã chuyển giao hệ thống IoT cho người dân ở các tỉnh Bắc Ninh (nuôi gà, trồng dưa lưới), Lâm Đồng, Tiền Giang, Huế (về bảo vệ môi trường), Kiên Giang (triển khai thành phố thông minh)… và thu được những phản hồi tốt.
 
Ví dụ như những trang trại gà ở Bắc Ninh thường lên đến hàng chục nghìn con nên khi có người vào cho ăn, có người đến gần cả đàn gà sẽ giật mình làm hư trứng. Nhằm khắc phục điều này, IoT sẽ tạo âm thanh nền để gà quen thuộc với âm thanh này, khi có người lạ đến thì gà không giật mình. Ngoài ra, IoT giúp kiểm soát khí thải, kiểm soát thức ăn và nhiều yếu tố khác tạo môi trường tốt nhất để đàn gà phát triển”.
 
Trong khó khăn sẽ tìm thấy cơ hội
 
Theo bà Đặng Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ, chi phí đầu tư cho hệ thống IoT trong nông nghiệp hiện nay khá cao. Đây được xem là một thách thức với những hộ dân sản xuất nhỏ lẻ, ít vốn nhưng cũng đồng thời mở ra cơ hội để phát triển một nền nông nghiệp tiên tiến, cho ra các sản phẩm vượt ra ngoài biên giới quốc gia.
 
Hệ thống IoT cho dưa lưới và sung magic áp dụng tại Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ mới chỉ là phiên bản demo, giá thành còn cao. Tuy nhiên, theo tính toán của công ty và trung tâm thì mặc dù chi phí đầu tư cao (do dưa lưới có quy trình trồng phức tạp) nhưng chỉ 1-2 vụ là có thể thu hồi vốn. Đổi lại, IoT giúp tiết kiệm nhân công, chi phí, vật liệu, kiểm soát chính xác lượng dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng theo từng giai đoạn tăng trưởng cũng như sự biến động của môi trường tự nhiên tác động lên quá trình sinh trưởng của cây trồng, giảm thiểu tối đa tác động của các yếu tố khách quan đến chất lượng cũng như sản lượng.
 
Cũng theo ông Quyền, thông qua hợp tác lần này, hai bên sẽ xây dựng và liên tục hoàn thiện, tối ưu các mô hình, quy trình trồng trọt để chuyển giao, đưa vào áp dụng thực tế giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng nông sản cung cấp ra thị trường trong nước, hướng đến thị trường thế giới. “Chúng tôi là doanh nghiệp nhà nước, không bằng mọi giá để bán công nghệ với giá cao mà sẽ tối ưu hóa công nghệ để tiết kiệm, phù hợp với người dân, để mọi người đều có thể tiếp cận với công nghệ này và cùng tạo nên một nền nông nghiệp uy tín, phát triển bền vững”, ông Quyền nói. 
 
Nông sản là một trong những sản phẩm kinh tế chủ lực của Phú Yên. Tuy nhiên, hiện nay, không chỉ thị trường thế giới mà thị trường trong nước cũng rất khắt khe, đòi hỏi sản phẩm muốn tiêu thụ được phải ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Theo xu thế đó, Công ty CP Công nghệ bưu chính viễn thông đã làm việc với Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ đưa vào ứng dụng hệ thống IoT trong mô hình trồng dưa lưới và sung magic. Đây là mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp được thực hiện lần đầu tiên tại Phú Yên. Từ hiệu quả của mô hình này, các doanh nghiệp, hộ gia đình có thể thấy được lợi ích mà công nghệ này mang lại, từ đó mạnh dạn đầu tư nhân rộng, xây dựng một nền nông nghiệp Phú Yên tiên tiến, hiệu quả.
 
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương
 
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 13
accessibility Hôm qua: 70
account_circle Trong tháng: 274.849
account_box Trong năm: 23.472
supervisor_account Tổng truy cập: 3.163.792