Trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ lĩnh vực nông lâm thủy sản: Nơi người nông dân tiếp cận công nghệ

Cập nhật lúc:   11:12:41 - 20/08/2019 Số lượt xem:   440 Người đăng:   Administrator
Nông dân tham quan, tìm hiểu thông tin tại điểm trưng bày của Công ty CP Công nghệ tưới Khang Thịnh - Ảnh: THÁI HÀ Nông dân tham quan, tìm hiểu thông tin tại điểm trưng bày của Công ty CP Công nghệ tưới Khang Thịnh - Ảnh: THÁI HÀ
Tập trung khoảng 30 gian hàng giới thiệu sản phẩm với vài trăm công nghệ tiên tiến, sự kiện Trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ lĩnh vực nông, lâm, thủy sản do UBND tỉnh vừa tổ chức đã thực sự trở thành cầu nối để người dân tiếp cận nhà cung cấp sản phẩm tìm hiểu thông tin, từ đó đẩy mạnh chuyển giao công nghệ vào hoạt động sản xuất.
Hội tụ thiết bị, công nghệ hiện đại
 
Đến với sự kiện kết nối cung - cầu công nghệ lần này, Công ty Ryan, Tập đoàn Mỹ Lan (Trà Vinh) mang đến các máy móc hỗ trợ sản xuất, đóng gói bao bì và những sản phẩm phân bón tan chậm có kiểm soát.
 
Ông Trần Hoàng Nhi, Giám đốc kinh doanh của Công ty Ryan cho biết, công ty vừa hoàn thành hệ thống giám sát sâu rầy thông minh và sản phẩm đã được cung cấp ra thị trường. Máy có cấu tạo gồm một đèn thu hút côn trùng và bộ phận phân tích bên trong.
 
Khi ánh đèn dẫn dụ côn trùng đến, hệ thống quạt hút côn trùng vào một khoang chứa. Sau đó, các thiết bị thông minh sẽ phân loại, đếm số lượng rồi đưa ra cảnh báo sớm để người dân có kế hoạch phòng trừ sâu rầy hiệu quả. Hiện thiết bị này được một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đầu tư phục vụ ngành Nông nghiệp.
 
Ngoài hệ thống giám sát sâu rầy, Tập đoàn Mỹ Lan cũng giới thiệu loại phân tan chậm có kiểm soát. Đây là loại phân chỉ bón một lần trong suốt thời kỳ sinh trưởng và phát triển của mỗi loại cây, các chuyên gia đã tính toán để tới một giai đoạn phát triển của cây, phân sẽ tự động tan các chất dinh dưỡng cần thiết; đến khi cây thu hoạch, phân sẽ tan hoàn toàn.
 
Với sản phẩm này, người dùng vừa có thể kiểm soát được lượng phân bón, chống thất thoát, đồng thời giảm lượng khí phát thải ra môi trường...
 
Anh Võ Minh Rin, kỹ sư nông nghiệp, Phó Giám đốc Chi nhánh Nam Trung Bộ, Công ty CP Công nghệ tưới Khang Thịnh (TP Hồ Chí Minh), cho biết đến với sự kiện kết nối cung - cầu công nghệ, doanh nghiệp giới thiệu các hệ thống tưới tiêu đến từ Israel. Các công nghệ này gồm hệ thống béc tưới nhỏ giọt, tưới điều hòa nhiệt độ trong nhà màng, tưới nước kèm theo bón phân, tưới nước kèm theo tưới xả vào những mùa sương muối giúp cây trồng không bị hư hại.
 
Theo anh Rin, sử dụng các thiết bị này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, công lao động, vật tư mà quan trọng hơn là hệ thống sẽ giám sát và cho ra sản phẩm an toàn. Những sản phẩm này có thể khấu hao hoàn toàn giá trị chỉ trong 2-3 năm và tiếp tục sử dụng từ 7-15 năm. Bên cạnh đó, nhờ thiết bị này mà năng suất, chất lượng của sản phẩm cũng tăng lên. Hiện, các sản phẩm của công ty đã được sử dụng trong các trang trại của Tập đoàn Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, các khu vực trồng rau quả của Bình Thuận và Lâm Đồng.
 
Tham dự sự kiện này, Công ty CP Vino (TP Hồ Chí Minh) mang đến 64 giống rau củ quả, trong đó có 3 giống bắp lai. Các hạt giống này có điểm đặc biệt là được phủ một lớp nano và một lớp mỏng phân bón. Lớp nano giúp bảo quản hạt giống, không cho côn trùng tấn công và lớp phân bón sẽ giúp hạt giống phát triển tốt kể cả trong điều kiện không thuận lợi...
 
Kỳ vọng phát triển nông nghiệp
 
Kỹ sư Võ Minh Rin chia sẻ: Là người Phú Yên nhưng chủ yếu làm việc ở các tỉnh nên trước giờ tôi vẫn nghĩ quê mình chỉ phát triển chính về cây lúa. Tham gia sự kiện kết nối cung - cầu công nghệ, tôi nhận thấy nhiều người dân tìm thông tin về các hệ thống tưới để canh tác những mô hình sản xuất tiên tiến, trên diện tích lớn. Nhiều nông dân đã ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất và làm giàu ngay trên chính mảnh đất của họ.
 
Là một nông dân tham dự sự kiện kết nối cung - cầu công nghệ lần này, ông Nguyễn Minh Tâm ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) rất phấn khởi vì lần đầu tiên được biết đến những công nghệ sản xuất mới. Ông Tâm nói: “Tôi đến sự kiện này rất sớm và đi tham quan toàn bộ các gian hàng. Đi rồi mới thấy, người ta làm nông nghiệp tiến bộ quá, máy móc gì cũng có, hỗ trợ người làm nông đến mức tối đa. Nhờ đó, tôi nhận ra mình cũng cần phải thay đổi mới đi lên được. Tôi mong thời gian tới, nếu người dân làm nông nghiệp theo mô hình công nghệ cao thì chính quyền địa phương nên hỗ trợ về mặt đầu tư và tìm kiếm những giải pháp tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. Có như thế công sức nông dân bỏ ra mới xứng đáng và không phải thấp thỏm lo lắng đầu tư nhiều tiền rồi làm ra sản phẩm bán cho ai”.
 
Xu thế hiện đại đòi hỏi ngành Nông nghiệp, ngành KH-CN phải nỗ lực nâng cao năng lực quản lý, tăng hàm lượng KH-CN trong các sản phẩm sản xuất và dịch vụ nông nghiệp, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng KH-CN vào sản xuất, đời sống. Hoạt động trình diễn kết nối cung - cầu công nghệ lần này được kỳ vọng sẽ là cầu nối cho việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp giữa các cơ sở sản xuất và các công ty, đơn vị chuyển giao với nông dân. Qua đó, ngành nông - lâm - thủy sản Phú Yên có cơ hội bứt phá, phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
 
Nếu người dân làm nông nghiệp theo mô hình công nghệ cao thì chính quyền địa phương nên hỗ trợ về mặt đầu tư và tìm kiếm những giải pháp tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi.
 
Ông Nguyễn Minh Tâm,
nông dân xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa)
 
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 32
accessibility Hôm qua: 70
account_circle Trong tháng: 274.868
account_box Trong năm: 23.491
supervisor_account Tổng truy cập: 3.163.811