Phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng

Cập nhật lúc:   14:18:22 - 03/02/2020 Số lượt xem:   176 Người đăng:   Administrator
Quang cảnh lễ kỷ niệm Ngày thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Phú Yên. Ảnh: XUÂN HIẾU Quang cảnh lễ kỷ niệm Ngày thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Phú Yên. Ảnh: XUÂN HIẾU
Lịch sử nhân loại từ thời cổ đại đến nay đã chứng minh rằng các thể chế và nhà nước muốn phát triển ổn định, trường tồn thì phải đảm bảo quyền lợi của số đông người dân trong nhà nước đó; hay nói khác đi là phải đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, quyền dân chủ một cách thực tế. Quá trình hình thành và phát triển nhà nước Việt Nam từ trước đến nay đã minh chứng cho điều này và nhà nước Việt Nam hiện đại hiện nay cũng không ngoại lệ.
Hệ tư tưởng Mác-xít và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát huy quyền làm chủ của nhân dân bao giờ cũng khẳng định nhân dân là tính thứ nhất trong mọi quan hệ quyền lực. Qua 90 năm lãnh đạo xây dựng Nhà nước và xã hội, Đảng ta đã thể hiện trí tuệ và bản lĩnh chính trị, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước.
 
Từ khi thành lập Nhà nước đến nay, Đảng ta luôn lãnh đạo Nhà nước phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đến nay, các quyền dân chủ của nhân dân đã được thể hiện triệt để và tối đa trong Cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, trong các tôn chỉ và mục đích hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội.
 
Thế nhưng, để quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tối đa và triệt để như khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) của Đảng ta: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN) là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm.
 
Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.
 
Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thì cần phải làm gì và làm như thế nào?
 
Thứ nhất, Đảng, Nhà nước cần tạo lập những cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý để đảm bảo quyền làm chủ thực sự của nhân dân (bằng các văn bản pháp luật cụ thể chứ không nên nói chung chung). Chẳng hạn, tư tưởng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, tất cả đều “của dân, do dân, vì dân” thể hiện rất sâu sắc và đầy đủ bản chất của nền dân chủ XHCN. Để phát huy hơn nữa dân chủ thì phải luật hóa quyền lợi, nghĩa vụ của công dân trong việc tham gia đóng góp ý kiến, phản biện xã hội, giám sát các công việc của Đảng, Nhà nước và có chế tài xử lý những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền nhưng chậm hoặc không giải quyết lợi ích và nguyện vọng chính đáng của người dân, gây bất bình và mất ổn định chính trị - xã hội.
 
Thứ hai, Đảng cần lãnh đạo Nhà nước và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin và trách nhiệm giải trình trước nhân dân về những vấn đề liên quan trực tiếp đến nhân dân, phải dân chủ hóa thông tin bằng cách tạo lập cơ chế cung cấp thông tin cho người dân một cách minh bạch, rõ ràng, đầy đủ, chính xác. Mọi ý kiến thắc mắc của nhân dân về quyền lợi của họ và lợi ích của đất nước đều phải được các cơ quan công quyền, cá nhân có thẩm quyền giải trình đầy đủ. Nếu giải trình không đúng, không chính xác làm ảnh hưởng và vi phạm quyền lợi của công dân, lợi ích quốc gia thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải trình đó phải chịu trách nhiệm đối với sai phạm của mình. Ngoài trách nhiệm về mặt đạo đức và trách nhiệm về chính trị, hành chính thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại về vật chất, tinh thần cho nhân dân.
 
Thứ ba, phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp về bảo đảm quyền tự do, quyền con người của mọi công dân. Đây là mục tiêu bao trùm, thể hiện đầy đủ nhất tính chất của nền dân chủ và là một nguyên tắc pháp quyền quan trọng trong xây dựng, củng cố, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Để thực thi tốt mục tiêu, nguyên tắc này thì Đảng phải lãnh đạo Nhà nước: Hoàn thiện hệ thống luật pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân hướng đến thực hiện một cách thiết thực việc cho phép công dân làm tất cả những gì pháp luật không cấm, còn cơ quan công quyền thì chỉ làm những gì luật pháp cho phép. Điều này đã được khẳng định lần đầu tiên trong Hiến pháp năm 2013.
 
Với những vấn đề trọng đại, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, đến Hiến pháp mà một cá nhân, tập thể không đủ thẩm quyền quyết định hoặc còn gây tranh cãi thì phải trưng cầu ý dân để nhân dân quyết định (Điều 29 Hiến pháp năm 2013 có quy định điều này và đến năm 2015 đã có Luật Trưng cầu ý dân).
 
Thứ tư, Đảng cần lãnh đạo Nhà nước phát huy hiệu quả quyền dân chủ của nhân dân, cả dân chủ trực tiếp và gián tiếp, nhất là dân chủ trực tiếp.
 
Quyền dân chủ gián tiếp của nhân dân ở nước ta hiện nay được thực hiện thông qua bầu cử đại biểu vào các cơ quan đại diện của nhân dân ở Trung ương và địa phương, đó là Quốc hội và HĐND các cấp. Thông qua các đại biểu của nhân dân, người dân phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình và các đại biểu này có trách nhiệm phản ánh ý kiến của người dân đến các cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương, sau khi các cơ quan này trả lời thì đại biểu truyền đạt lại cho cử tri biết. Như vậy, hình thức dân chủ gián tiếp này được thực hiện qua trung gian là người đại biểu do cử tri bầu ra. Hình thức dân chủ gián tiếp này đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần tạo nên sự ổn định trong đời sống chính trị - xã hội nước ta thời gian qua.
 
Quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cần xem đây là nội dung trọng tâm phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân để từ đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tối đa quyền làm chủ của mình, tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực, tạo nên phong trào dân chủ rộng lớn trong toàn dân và toàn xã hội.
 
Dân chủ và việc phát huy tối đa dân chủ trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là nhiệm vụ mang tính sống còn của cuộc cách mạng XHCN ở nước ta. Thống nhất quan điểm “quyền lực thuộc về nhân dân” của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, để phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân, Đảng ta cần lãnh đạo Nhà nước thực hiện tốt nguyên tắc và phương châm: “tất cả mọi quyền bính đều thuộc về nhân dân”, “nhân dân là tính thứ nhất”, “nhân dân là trên hết”, “có nhân dân là có tất cả, mất nhân dân là mất tất cả”…
 
TS NGÔ KHẮC SƠN
(Học viện Chính trị khu vực III)
Nguồn: www.baophuyen.com.vn ngày 03/02/2020
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 58
accessibility Hôm qua: 85
account_circle Trong tháng: 275.132
account_box Trong năm: 23.755
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.075