Đảm bảo kiến thức cho học sinh sau thời gian nghỉ phòng chống dịch COVID-19

Cập nhật lúc:   15:39:38 - 12/03/2020 Số lượt xem:   225 Người đăng:   Administrator
Trường THCS và THPT Nguyễn Viết Xuân (huyện Tuy An) dạy trực tuyến cho học sinh của trường. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG Trường THCS và THPT Nguyễn Viết Xuân (huyện Tuy An) dạy trực tuyến cho học sinh của trường. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, học sinh tiếp tục nghỉ học để phòng, chống dịch. Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Ngô Ngọc Thư về phương án tổ chức dạy học trong thời gian tới, nhằm đảm bảo kiến thức cho học sinh và chương trình năm học.
* Để đảm bảo kiến thức cho học sinh trong khoảng thời gian nghỉ học dài hạn như hiện nay, ngành Giáo dục Phú Yên có giải pháp nào, thưa ông?
 
- Tình trạng học sinh nghỉ học khá lâu so với mọi năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của các em. Đối với học sinh tiểu học, THCS từ Tết đến nay đã nghỉ 6 tuần, còn học sinh THPT nghỉ 5 tuần và hiện đang tiếp tục nghỉ để phòng, chống dịch COVID-19. Với thời gian nghỉ học như thế, trong khi khai giảng năm học từ 5/9 nên nếu cho học sinh đi học lại đến hết tháng 6 thì vẫn không đủ thời gian chuyển tải chương trình.
 
Vì thế, Sở GD-ĐT đã và đang hướng dẫn các trường học trên địa bàn tỉnh dạy học linh hoạt, đảm bảo chất lượng, hiệu quả nhưng không cắt xén chương trình, nhất là học sinh lớp 9 và lớp 12 để các em an tâm bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT quốc gia đúng tiến độ, có chất lượng. Sở GD-ĐT căn cứ theo Công văn 4612, khung thời gian năm học điều chỉnh của Bộ GD-ĐT để sắp xếp chương trình học phù hợp với tình hình thực tế.
 
* Ông có thể nói rõ hơn việc điều chỉnh chương trình của Sở GD-ĐT đối với các trường học như thế nào?
 
- Thứ nhất, từng trường tổ chức rà soát chương trình, quỹ thời gian còn lại từng môn học, từng lớp học. Trên cơ sở đó sắp xếp, bố trí lại khung chương trình, phân phối lại chương trình môn học sao cho đảm bảo tinh gọn trong quỹ thời gian cho phép. Phân công giáo viên biên soạn bài học, bài giảng rút gọn theo chủ đề/chuyên đề/chương… bao gồm tóm tắt lý thuyết, bài tập mẫu, những điểm chính… của kiến thức kèm theo bài tập đề nghị, hướng dẫn tự học (theo hướng dẫn tại Công văn 4612). Thứ hai, các trường tổ chức dạy học trực tuyến - online (khuyến khích tùy theo điều kiện công nghệ) hoặc dạy học offline (thông qua các bài giảng được ghi hình video, các slide powerpoint, văn bản giấy, file mềm…).
 
Giáo viên có thể sử dụng Email, Zalo, điện thoại thông minh để tương tác với học sinh, hướng dẫn học sinh nghiên cứu, làm bài tập. Bài tập giao cho học sinh sẽ được tính điểm, nếu cả lớp hoàn thành được chương trình thì có thể công nhận như học trực tiếp tại lớp. Thậm chí, các giáo viên có thể lựa chọn một số nội dung trọng tâm, một số bài tập, bài giảng quan trọng đã được ghi hình, quay video của các giáo viên trong toàn quốc gửi cho học sinh của mình qua trang web của trường, qua facebook, trang cá nhân cho học sinh.
 
Để các hình thức dạy học trên đi vào nề nếp và được đánh giá, kiểm tra hoàn thành chương trình, sắp tới đây, Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT sẽ có công văn hướng dẫn quy trình, cách thức chung. Lưu ý, từng tổ chuyên môn nên có thảo luận kỹ để sử dụng cách thức dạy học phát triển năng lực người học theo hướng dẫn tiệm cận Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã hướng dẫn từ đầu năm học. Do vậy, khi ghi hình bài giảng nên có giáo viên trong tổ cùng dự để có sự phản biện, chỗ nào không hay, không phù hợp thì điều chỉnh. Việc làm này được xem như sinh hoạt chuyên môn cuối năm học.
 
* Các giải pháp trên sẽ áp dụng dạy cho tất cả các cấp học hay chỉ ở cấp học cụ thể nào?
 
- Giải pháp mà Sở GD-ĐT đưa ra được áp dụng cho học sinh toàn cấp THCS và THPT. Riêng học sinh lớp 9 và lớp 12, sẽ ưu tiên hơn, dành nhiều thời gian học trực tiếp với thầy cô hơn. Sau khi các em đi học trở lại, các trường sẽ bố trí thời gian, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng như bố trí giáo viên có kinh nghiệm để đảm bảo kiến thức cho học sinh thi THPT quốc gia.
 
* Nếu dạy học như ông vừa nói, ngành Giáo dục sẽ tính toán như thế nào để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy, thưa ông?
 
- Trước mắt ngành Giáo dục sẽ vận động, khuyến khích giáo viên giảng dạy trong thời gian này, có thể trừ giờ vào thời gian định chuẩn từng giáo viên. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, chúng tôi sẽ lượng hóa giờ công lao động của giáo viên theo quy định của ngành Giáo dục và Luật Lao động hiện hành để có đề xuất với cơ quan chức năng. Bởi, trước khi tổ chức dạy theo hình thức nói trên, các giáo viên phải đầu tư công sức soạn giáo án, nghiên cứu bài, giảng dạy, ghi hình, thậm chí đầu tư công nghệ, thiết bị…
 
* Xin cảm ơn ông!
 
TRUNG HIẾU (thực hiện)
Nguồn: www.baophuyen.com.vn ngày 11/3/2020
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 58
accessibility Hôm qua: 85
account_circle Trong tháng: 275.132
account_box Trong năm: 23.755
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.075