Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng phó dịch bệnh Covid-19

Cập nhật lúc:   16:17:38 - 13/03/2020 Số lượt xem:   257 Người đăng:   Administrator
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Phú Yên Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Phú Yên
Chiều 12-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường. Tại điểm cầu Phú Yên có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tham dự.
Hội nghị này nhằm thúc đẩy sản xuất, khắc phục khó khăn đáp ứng đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm trong mọi hoàn cảnh; khống chế, không để phát sinh dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay, sự bùng phát của dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới. Tại Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp trong nước cũng phải đối diện những thách thức như: Tác động biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng đến ngành trồng trọt và nuôi thuỷ sản; tình hình dịch tả heo Châu Phi tuy có giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên vẫn gây khó khăn cho việc tái đàn. Thống kê tổng đàn heo hiện nay khoảng 24 triệu con, giảm khoảng 7 triệu con so với năm 2018 (31 triệu con). Ngoài ra, cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát do tổng đàn tăng nhanh;...

Tuy nhiên, theo đánh giá tại hội nghị, dù chịu tác động khá mạnh bởi dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của ngành Nông nghiệp vẫn đạt 5,34 tỉ USD, giảm 2,8% so cùng kỳ 2019, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng nông lâm thủy sản ước khoảng 4,3 tỉ USD, giảm 6,7% so cùng kỳ 2019. Thặng dư thương mại 2 tháng đạt 1,02 tỉ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ.

Tỉnh Phú Yên có 09 sản phẩm chủ lực là gạo, sắn, mía, hạt điều, bò, gỗ, cá ngừ, tôm hùm, tôm thẻ. Trong đó, ngoài xuất khẩu chính ngạch đến thị trường trên thế giới, một số sản phẩm chủ lực xuất khẩu còn theo hình thức tiểu ngạch, nhất là tôm hùm. Tại thời điểm hiện nay, ngoài sản phẩm tôm hùm đang gặp khó khăn về tiêu thụ, một số sản phẩm khác cũng bị ảnh hưởng như sắn và các sản phẩm từ sắn, dưa hấu…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ Trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, bước sang năm 2020, ngành Nông nghiệp đối mặt nhiều khó khăn. Vì vậy, để ổn định phát triển kinh tế nông nghiệp, trong điều kiện hiện nay, toàn ngành Nông nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp triển khai đồng thời các giải pháp: Thực hiện tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế vùng trên cơ sở tăng tỷ trọng nuôi trồng thủy sản và cây ăn quả; ưu tiên nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến.

Về thị trường tiêu thụ, Bộ NN-PTNT chủ động phối hợp Bộ Công thương, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước triển khai hiệu quả công tác xúc tiến phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng; tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ trong nước thông qua hệ thống kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và nông dân.
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 101
accessibility Hôm qua: 100
account_circle Trong tháng: 268.843
account_box Trong năm: 20.603
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.923