Hành lang pháp lý bảo vệ trẻ em cần phải là “ngôi nhà” an toàn, kiên cố và vững chắc (*)

Cập nhật lúc:   09:29:32 - 28/05/2020 Số lượt xem:   1181 Người đăng:   Administrator
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền phát biểu tại phiên thảo luận chiều 27/5. Ảnh: TRẦN QUỚI ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền phát biểu tại phiên thảo luận chiều 27/5. Ảnh: TRẦN QUỚI
LTS: Ngày 27/5, Quốc hội thảo luận về Kết quả báo cáo giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn ĐBQH Phú Yên) đã tham gia thảo luận. Báo Phú Yên trân trọng trích đăng bài phát biểu trên.
Tại buổi đối thoại với lãnh đạo tỉnh Phú Yên trong khuôn khổ chương trình Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em theo Quyết định 1235 của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã nhận được câu hỏi của trẻ em nêu: Hành lang pháp lý bảo vệ trẻ em trước vấn nạn xâm hại được xây dựng trên nền tảng nào? Vì chúng cháu nhận thấy, nó không đảm bảo cho sự vững chắc của một ngôi nhà bảo vệ trẻ với đầy đủ các kết cấu: nền móng, trụ cột và mái che. Hơn hết, nó cần được bao phủ an toàn bằng tình yêu thương và trách nhiệm đối với trẻ. 
Từ góc nhìn của trẻ đã đặt ra cho chúng ta một vấn đề ngược lại: Phải chăng, hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (PCXHTE) nhìn vào thì nghĩ là đủ nhưng tính răn đe vẫn chưa đủ mạnh mẽ. Hay nói cách khác hành lang pháp lý bảo vệ trẻ chỉ mới mang mô hình của một “ngôi nhà” chứ chưa hẳn là một ngôi nhà an toàn, kiên cố và vững chắc. 
Tôi cho rằng xây dựng chính sách, pháp luật về PCXHTE phải như xây một “ngôi nhà” an toàn bảo vệ trẻ, cần phải bắt đầu từ việc xây dựng nền móng: đó là đầu tư nguồn lực, quy định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân đối với trẻ và đặc biệt là nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về công tác này; tiếp tới là xây dựng 3 trụ cột cơ bản: nhóm chính sách pháp luật về chăm sóc giáo dục trẻ, hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và PCXHTE; cuối cùng là mái nhà: đó là những quy định pháp luật về quyền và bổn phận của trẻ, là yêu cầu bảo vệ trẻ em ở 3 cấp độ: ngăn ngừa, hỗ trợ và can thiệp. Trong đó, yếu tố xây dựng nền móng là nền tảng. Bởi khi nền móng ấy lung lay, thì nó sẽ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất an toàn đối với trẻ. 
Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đang tham gia vào guồng máy vận hành chung cũng đều có mối liên hệ đặc thù riêng của mình đối với trẻ em... Ngoài cha mẹ, thì từ người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương cho đến giáo viên, nhân viên y tế, công an, cán bộ trẻ em... đều có vai trò quan trọng trong việc xác định, phòng ngừa và giải quyết mối nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của trẻ. Tuy nhiên, đã có rất nhiều vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra trong gia đình, trường học, cộng đồng suốt một thời gian dài, thậm chí tái diễn nhiều lần, tính chất hành vi nghiêm trọng, phức tạp vẫn không ai biết, không ai hay, hoặc vì lý do nào đó mà chìm trong im lặng. Có không ít vụ việc trẻ em bị xâm hại, sau khi báo chí đưa tin thì lãnh đạo địa phương mới biết. Sự lỏng lẻo của nền móng còn thể hiện ở chỗ, PCXHTE là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng trong việc phối hợp thực hiện các văn bản, chính sách pháp luật liên quan, là vai trò giám sát, phản biện quan trọng không thể thiếu của các hội đoàn thể, nhưng thực tế sự phối hợp giữa các cơ quan này lại thiếu chặt chẽ, rời rạc. Thậm chí có nơi còn mặc định, liên quan trẻ em là ngành LĐ-TB-XH, xâm hại trẻ em thì ngành Công an phải chịu trách nhiệm. 
Và điều bất cập nhất, đó chính là đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, vì chưa có tính chính danh. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cán bộ cấp xã hiện nay không quy định chức danh công chức làm công tác trẻ em. 
Hầu hết cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã chủ yếu kiêm nhiệm với khối lượng công việc quá tải, một số địa phương bố trí người hoạt động không chuyên trách gồm ba mảng công việc: Dân số - Gia đình và Trẻ em chịu sự quản lý chuyên môn của ba đầu mối cấp trên. Tôi cho rằng, phải có cơ chế, chính sách hoàn thiện hệ thống tổ chức cán bộ làm công tác trẻ em cấp huyện, cấp xã phải ngang tầm với nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra hiện nay. 
Về nguồn lực, nếu nói ngân sách nhà nước và cơ chế tài chính dành cho công tác trẻ em hiện nay đã được đảm bảo, đủ đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra thì xin khẳng định luôn, đó chỉ là một câu chuyện cổ tích! 
Chỉ nói riêng đến công tác PCXHTE, muốn làm hiệu quả thì không thể trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước, bởi nguồn kinh phí cho công tác này không được bố trí. Các chương trình, kế hoạch, đề án theo từng giai đoạn thì nhiều nhưng kinh phí để thực hiện lại chẳng có bao nhiêu, với tỉnh khó khăn thì còn eo hẹp hơn. Dù không muốn so sánh khập khiễng, nhưng nếu liên tưởng về hình ảnh, giữa những dự án nghìn tỉ từ nguồn đầu tư công đang đắp chiếu và hình ảnh trẻ em với manh áo mỏng toang trong ngôi nhà xập xệ không đủ che mưa che nắng, có nguy cơ bị xâm hại, tôi thấy rất xót xa. 
Tôi rất đồng ý với các kiến nghị và nhóm giải pháp đã nêu trong báo cáo giám sát cũng như dự thảo nghị quyết giám sát của Quốc hội. Nội dung này đã được thể hiện một phần trong Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện Quyền trẻ em và bảo vệ trẻ vừa được ký ngày 26/5. Tôi cũng tin rằng việc ưu tiên các nhóm giải pháp về thể chế, chính sách mang tính nền tảng, sẽ tạo nên nền móng cho ngôi nhà bảo vệ trẻ em vững chắc, hiện hữu. 
Xin đừng vẽ cho trẻ “ngôi nhà cổ tích” long lanh giữa một môi trường còn quá nhiều cạm bẫy. Đối với trẻ, đã hứa thì phải làm, thương yêu thì phải hành động, bảo vệ thì phải mạnh mẽ. Và có lẽ, việc nghiên cứu xây dựng Luật PCXHTE cần phải được Quốc hội và Chính phủ quan tâm trong tương lai gần.
 
-------------------------------
(*) Tít bài do tòa soạn đặt
Nguồn: Báo Phú Yên ngày 28/5/2020
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 74
accessibility Hôm qua: 103
account_circle Trong tháng: 274.755
account_box Trong năm: 23.378
supervisor_account Tổng truy cập: 3.163.698