Nhiều ngã rẽ khi trượt lớp 10 công lập

Cập nhật lúc:   08:54:40 - 06/08/2020 Số lượt xem:   346 Người đăng:   Administrator
Học nghề điện tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Ảnh: THÚY HẰNG Học nghề điện tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Ảnh: THÚY HẰNG
Không trúng tuyển vào lớp 10 công lập không có nghĩa là “cửa” học tiếp của các em đã đóng. Bởi vẫn còn nhiều loại hình học tập khác như trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp... luôn sẵn sàng đón học sinh.
Theo Sở GD-ĐT, năm học 2020-2021, các trường THCS và THPT, THPT công lập trên địa bàn tỉnh tuyển 10.383 học sinh vào lớp 10. Trong khi đó, toàn tỉnh có hơn 12.567 học sinh THCS đăng ký dự tuyển vào lớp 10. 
Nhiều lựa chọn 
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Văn Cường, hiện nay toàn tỉnh đang đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS. Những trường hợp học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 công lập, các em có thể tham gia học tập tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường ngoài công lập và các trường cao đẳng, trung cấp. 
Nếu như các em chọn học hệ bổ túc văn hóa ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thì số môn ít hơn ở trường THPT nhưng bằng tốt nghiệp THPT có giá trị như nhau. Cụ thể các em học 7 môn bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và các môn học tự chọn như Tin học, Công nghệ… theo chương trình giáo dục thường xuyên và sách giáo khoa lớp 10 cơ bản. 
Nếu các em chọn học tại các trường cao đẳng, trung cấp thì càng thuận lợi hơn. Vì theo quy định, học sinh tốt nghiệp THCS nếu học nghề sẽ được miễn học phí 100%. Sau khi tốt nghiệp trường nghề, các em có thể đi làm ngay để có thu nhập phụ giúp gia đình; các em cũng có thể học liên thông lên bậc cao đẳng, đại học. Hiện nay, các trường cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn mở thêm những lớp học bổ túc văn hóa dành cho học sinh có nhu cầu. Các em có thể học song song 2 chương trình: văn hóa và giáo dục nghề nghiệp. Khi ra trường, các em vừa có bằng tốt nghiệp THPT vừa có chứng chỉ nghề.
Trường nghề “trải thảm” đón học sinh 
Trước đây, hầu hết phụ huynh đều nhắm vào một mục đích, con em phải vào được lớp 10 công lập để sau này tiếp tục vào đại học. Vài năm gần đây, một số người đã có cái nhìn thay đổi về hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp. Trước hết, vì bản thân các trường này đang nỗ lực cải thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phương pháp đào tạo, tạo mối liên kết với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho người học sau khi ra trường. Thứ hai, hình thức học trung cấp hiện đang có nhiều ưu điểm: học sinh được miễn học phí, ra trường dễ dàng tìm được việc làm và nếu muốn vẫn có thể thi liên thông để học lên cao đẳng, đại học. Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, nhờ thực hiện tốt chương trình 9+, các em vừa học nghề vừa học văn hóa nên học sinh tốt nghiệp THCS mạnh dạn tham gia học trung cấp rồi liên thông lên cao đẳng, đại học. 
TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung cho biết: Sau THCS đi học nghề, các em được miễn 100% học phí theo quy định, rút ngắn thời gian học, tốt nghiệp có thể đi làm ngay hoặc vừa làm vừa học liên thông. Nhà trường cam kết đảm bảo 100% học sinh, sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm. 
Còn ThS Nguyễn Hồng Phong, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên cho hay: Chính phủ có nhiều chính sách ưu đãi cho đối tượng học sinh sau THCS học nghề, cụ thể là miễn 100% học phí. Các trường hiện cũng có chính sách học bổng, giới thiệu việc làm cho các em. Ở trường nghề, người học có thể tham gia hoặc không tham gia học văn hóa. 
Ông Đào Trọng Độ tư vấn về cách chọn trường, chọn ngành nghề cho học sinh tại Chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2020. Ảnh: THÚY HẰNG

Nhiều phụ huynh nghĩ rằng, cố gắng giành một suất vào lớp 10 công lập để con mình có thể tiếp tục vào đại học và cơ hội nghề nghiệp sẽ tươi sáng hơn. Tuy nhiên, thực tế tuyển dụng nhưng năm gần đây cho thấy, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học vẫn không tìm được việc làm, trong khi học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng dễ dàng tìm được việc làm, thậm chí nhiều doanh nghiệp đến tận cơ sở đào tạo để tuyển dụng với mức thu nhập từ 4-10 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Tấn Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vina Nha Trang, cho hay: “Cái mà doanh nghiệp cần ở người lao động là năng lực làm việc, chứ không dựa vào bằng cấp. Vậy nên, doanh nghiệp luôn chủ động “bắt tay” với các cơ sở đào tạo nghề để tìm kiếm những lao động giỏi kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp”.
Đẩy mạnh phân luồng 
Tâm lý khiến phụ huynh và học sinh e dè khi học trung cấp là vì cho rằng tấm bằng trung cấp không có giá trị. Tuy nhiên, theo các nhà tuyển dụng đây là một tâm lý sai lầm. Vì hiện nay, các doanh nghiệp không còn quá coi trọng bằng cấp mà chỉ dựa vào hiệu quả công việc. Và xã hội đang cần thợ nhiều hơn thầy. Chính điều này góp phần đả thông tư tưởng cho phụ huynh, học sinh. 
Minh chứng cho điều này là ngay sau khi kết thúc năm học 2019-2020, nhiều học sinh trên địa bàn tỉnh hoàn thành chương trình THCS đã mạnh dạn nộp đơn vào học trung cấp tại các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Em Võ Quốc Việt, học sinh Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Tuy Hòa) cho biết: Em thích học nghề. Với lại học nghề sẽ mau kiếm được việc làm nên em chọn học, chứ không tiếp tục học lớp 10”. Tương tự, em Thái Văn Triển, học sinh Trường THCS Trần Hào (huyện Phú Hòa) cũng chọn học trung cấp, chứ không tiếp tục vào lớp 10 như nhiều bạn bè khác. Triển cho hay: “Em nghĩ tiếp tục vào THPT hay học nghề đều là học. Nhưng học nghề vừa giảm được chi phí học tập vừa rút ngắn được thời gian lập nghiệp nên em chọn học”. 
Đến thời điểm này, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung đã nhận được hơn 200 hồ sơ đăng ký xét tuyển của học sinh vừa hoàn thành chương trình THCS; còn Trường cao đẳng Nghề Phú Yên cũng đã có khoảng 150 hồ sơ đăng ký. 
Học sinh tốt nghiệp THCS học nghề May thời trang tại Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung. Ảnh: THÚY HẰNG

Để đạt được mục tiêu phân luồng học sinh sau THCS, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu các đơn vị trường học thực hiện công tác hướng nghiệp không chỉ cho học sinh lớp 9 mà phải hướng nghiệp cho cả phụ huynh. “Tôi cho rằng việc trước hết là phải nâng cao công tác tuyên truyền, vận động để học sinh, phụ huynh học sinh nói riêng, xã hội nói chung chuyển dần nhận thức từ việc học để có bằng cấp sang học để có nghề nghiệp. Để thay đổi tư duy của phụ huynh và học sinh thì chương trình đào tạo phải phù hợp với thị trường lao động, trong quá trình dạy học phải có sự đổi mới, phối hợp doanh nghiệp trong đào tạo nghề”, TS Phạm Văn Cường nói.
Tại Chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2020 do Báo Tuổi Trẻ vừa tổ chức tại Phú Yên, ông Đào Trọng Độ, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH) thông tin: Hiện nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành nghề kỹ thuật rất cao với mức lương từ 8-10 triệu đồng/ tháng. Doanh nghiệp luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để lao động phát triển kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu công việc. Vì vậy, ở ngành nghề nào, vị trí nào cũng có cơ hội phát triển như nhau nên phụ huynh, học sinh đừng có tâm lý e ngại rằng học trung cấp, cao đẳng không được trọng dụng hoặc không có cơ hội thăng tiến.
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 84
accessibility Hôm qua: 92
account_circle Trong tháng: 275.330
account_box Trong năm: 23.953
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.273