Kỳ họp thứ 10 (Quốc hội khóa XIV): Tập trung thảo luận dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) và Luật Biên phòng Việt Nam

Cập nhật lúc:   10:06:44 - 22/10/2020 Số lượt xem:   279 Người đăng:   Administrator
ĐBQH Phan Anh Khoa phát biểu tham luận. Ảnh: XUÂN HIẾU ĐBQH Phan Anh Khoa phát biểu tham luận. Ảnh: XUÂN HIẾU
Ngày 21/10, Kỳ họp thứ 10 (Quốc hội khóa XIV) tiếp tục ngày làm việc thứ hai bằng hình thức trực tuyến. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp.
Trong phiên làm việc sáng, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật, như về điều kiện đăng ký thường trú, về điều khoản thi hành... 
Theo đó có hơn 20 ý kiến thảo luận và tranh luận về các quy định liên quan đến khái niệm thường trú, tạm trú, nơi cư trú, nơi tạm trú; điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú; xóa đăng ký thường trú… Đa số ý kiến của các ĐBQH nhất trí thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021 như đề xuất của Chính phủ; thống nhất với “Phương án 1”: “Tiếp tục quy định về thời hạn đăng ký tạm trú tối đa 2 năm”; duy trì “Sổ hộ khẩu”, “Sổ tạm trú” đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31/12/2022. 
Trong phiên họp chiều, dưới sự chủ trì của đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội nghe thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN). Những nội dung của dự thảo Luật BPVN tiếp tục xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này, gồm: Tên gọi, khái niệm “Biên phòng” và phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật; chính sách của Nhà nước về biên phòng; nhiệm vụ biên phòng; lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; các hành vi bị nghiêm cấm; nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân; phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; hợp tác quốc tế về biên phòng; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng (BĐBP); hình thức quản lý, bảo vệ biên giới; biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới; trang bị của BĐBP; bảo đảm về biên phòng và chế độ, chính sách về biên phòng; bố cục của dự thảo luật; trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, MTTQ, HĐND, UBND các cấp… 
Ý kiến thảo luận của các ĐBQH tập trung ở những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật BPVN. Đại tá Phan Anh Khoa, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh (Đoàn ĐBQH Phú Yên) phát biểu, đồng thuận cao về Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Luật BPVN. “Dự thảo Luật BPVN đã có sự chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, đã thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013, không có sự chồng chéo, không tạo lỗ hổng trong hệ thống luật pháp; có sự kế thừa và phát triển Pháp lệnh BĐBP, đồng thời có sự chỉnh lý, tiếp thu ý kiến góp ý của ĐBQH”, đại tá Phan Anh Khoa nhìn nhận và cho rằng: Dự thảo Luật BPVN đảm bảo đầy đủ 3 yếu tố cơ bản của một dự án luật. Đó là đã cụ thể hóa đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; bảo đảm tính pháp lý của một dự án luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam; bảo đảm tính kế thừa và phát triển, yêu cầu khách quan về chức năng, nhiệm vụ và hiệu quả thực tiễn trong 61 năm qua và có tính khả thi cao. Về nhiệm vụ của lực lượng BĐBP được quy định trong dự án Luật BPVN, đại tá Phan Anh Khoa nêu: Thực tế từ khi thành lập đến nay các cơ quan hữu quan đã tiến hành tổ chức, nghiên cứu và 2 lần tổng kết thực tiễn công tác biên phòng; Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nghị quyết (có 5 nghị quyết chuyên đề) và một kết luận về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng BĐBP. Quốc hội và Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật đều xác định: BĐBP là lực lượng nòng cốt chuyên trách (chủ trì) phối hợp với công an, các cơ quan và chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới và các cửa khẩu. “Về cơ sở lý luận và thực tiễn đã khẳng định lực lượng BĐBP đã và đang thực hiện tốt chức năng chủ trì duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Do vậy, Quốc hội không nên thay đổi chức năng của BĐBP, nhằm bảo đảm tính ổn định lâu dài, đồng bộ của hệ thống luật pháp nước ta, ổn định chức năng, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang theo quy định của pháp luật, như xác định tại điều 12, 13 và một số điều luật tại Dự án Luật BPVN là phù hợp”, đại tá Phan Anh Khoa đề nghị. 
Hôm nay (22/10), kỳ họp thứ 10 tiếp tục ngày làm việc thứ 3 bằng hình thức trực tuyến.
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 68
accessibility Hôm qua: 92
account_circle Trong tháng: 275.314
account_box Trong năm: 23.937
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.257