Hiện đại hóa hành chính: Từng bước xây dựng chính quyền điện tử

Cập nhật lúc:   08:36:09 - 30/10/2020 Số lượt xem:   282 Người đăng:   Administrator
Bộ phận “một cửa” huyện Tây Hòa ứng dụng CNTT giải quyết thủ tục cho công dân. Ảnh: THÙY THẢO Bộ phận “một cửa” huyện Tây Hòa ứng dụng CNTT giải quyết thủ tục cho công dân. Ảnh: THÙY THẢO
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30c của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được triển khai một cách đồng bộ từ cấp tỉnh đến chính quyền cơ sở, từng bước xây dựng chính quyền điện tử. Nhận thức về ứng dụng CNTT của lãnh đạo và cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước từng bước được nâng cao.
Những kết quả tích cực 
Việc ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT của tỉnh; hạ tầng CNTT, hệ thống phần mềm quản lý, dữ liệu chuyên ngành, phát triển nguồn nhân lực CNTT của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh; cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp… đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Đó là, làm thay đổi nhận thức của lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức về phương thức làm việc, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ cải cách theo quy định, tạo môi trường làm việc điện tử hiện đại, tiết kiệm chi phí, thời gian, góp phần tích cực trong việc cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả công việc. Đồng thời giúp cho việc điều hành, xử lý công việc của các cơ quan được nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian, chi phí tiến tới xóa bỏ việc lạm dụng giấy tờ trong hoạt động hành chính. 
Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa Lê Ngọc Tính cho biết: “Công tác ứng dụng CNTT được huyện chú trọng. Hầu hết các văn bản đều được các bộ phận thực hiện trên môi trường mạng. Bộ phận “một cửa” của huyện được trang bị hệ thống máy móc để giải quyết thủ tục cho công dân một cách nhanh chóng…”. 
Theo ông Trần Thanh Hưng, Giám đốc Sở TT-TT, đến nay, 100% các sở, ban ngành và UBND cấp huyện và UBND cấp xã đều đã có mạng lan và internet. Tỉnh triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến, tỉ lệ hồ sơ giải quyết qua hệ thống đến nay đạt 100%. Các đơn vị, cá nhân công chức, viên chức và người lao động đã sử dụng hiệu quả thư điện tử công vụ trong trao đổi công việc của cơ quan nhà nước, đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng. Trục liên thông văn bản tỉnh tại địa chỉ http://truclienthong.phuyen.gov.vn cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn, kỹ thuật theo quy định của Bộ TT-TT và đã kết nối thông suốt với Trục liên thông văn bản quốc gia. 
Chị Bùi Thị Thúy Hà, chủ cửa hàng tạp hóa Hòa Tiên (thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An), cho biết: “Tôi buôn bán nên rất bận. Nhờ có CNTT mà ở nhà tôi cũng có thể tham gia đăng ký giải quyết thủ tục cần thiết qua mạng hoặc lên bộ phận “một cửa” của huyện bấm số điện tử rồi đúng giờ quay lại giải quyết thủ tục hành chính”. 
Tiếp tục khắc phục những khó khăn 
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế, trong thời gian qua, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh cơ bản hoạt động ổn định tại địa chỉ http://congdichvucong.phuyen.gov.vn, vừa thực hiện chức năng cổng vừa thực hiện chức năng một cửa điện tử, đáp ứng việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 và trả kết quả trên hệ thống, giúp công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Cổng/Trang thông tin điện tử tỉnh, của các sở, ban ngành và địa phương hoạt động ổn định 24/7, an toàn an ninh thông tin, công khai thông tin chỉ đạo điều hành của các cấp lãnh đạo và nhu cầu được tiếp cận thông tin của doanh nghiệp, người dân; công khai tình hình giải quyết thủ tục hành chính của toàn tỉnh và từng sở, ban ngành, địa phương để người dân, doanh nghiệp theo dõi, giám sát. Việc triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO được triển khai đạt chất lượng… 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn cần tiếp tục khắc phục để ngày càng hoàn thiện Chính quyền điện tử. Đó là, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa được chia sẻ, sử dụng cho các mục tiêu quản lý nhà nước chung của tỉnh như: Cơ sở dữ liệu đăng ký kinh doanh, bảo hiểm xã hội, thuế, giấy phép lái xe, tư pháp… Một số cơ sở dữ liệu nền tảng dùng để triển khai Chính quyền điện tử, cải cách hành chính không được ban hành, đưa vào sử dụng kịp thời như: Cơ sở dữ liệu công dân quốc gia, đất đai… Hướng dẫn về lưu trữ điện tử, sử dụng chữ ký số, thể thức trình bày ký số, chứng thực điện tử chưa ban hành kịp thời nên hạn chế việc triển khai thực hiện văn bản điện tử ký số trong các cơ quan nhà nước. 
Theo UBND tỉnh, việc triển khai áp dụng CNTT vào công việc chưa được các cơ quan triển khai triệt để; nhiều cơ quan chỉ đưa CNTT vào để giải quyết theo quy trình nghiệp vụ hiện tại chứ chưa áp dụng CNTT để thay đổi, cải tiến quy trình hiện tại. Hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã triển khai hoạt động, nhưng chưa liên thông được với phần mềm của ngành dọc như: Thuế, hải quan, giao thông, bảo hiểm, tư pháp… Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 vẫn còn một số đơn vị chưa thật sự quan tâm triển khai xây dựng… 
UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện Chính quyền điện tử; kịp thời triển khai các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ về tạo lập, quản lý và chia sẻ dữ liệu, xác thực định danh điện tử, lưu trữ điện tử, ứng dụng CNTT. Đồng thời hoàn thiện, xây dựng các cơ sở dữ liệu nền và ứng dụng chuyên ngành để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và tái sử dụng khi người dân nộp hồ sơ một cửa, tiến đến không yêu cầu người dân nộp các giấy tờ đã có trong cơ sở dữ liệu. Trong đó tập trung vào các cơ sở dữ liệu: doanh nghiệp, bản đồ nền và đất đai, quy hoạch, nhà ở, giao thông, học bạ điện tử, bệnh án điện tử, lao động, người có công, đối tượng chính sách….
 
            Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 26
accessibility Hôm qua: 100
account_circle Trong tháng: 268.768
account_box Trong năm: 20.528
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.848