Đầu tư, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

Cập nhật lúc:   09:56:50 - 02/12/2020 Số lượt xem:   318 Người đăng:   Administrator
Qua gần 5 năm tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đến nay Phú Yên đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn chậm và chưa đạt mục tiêu đề ra. Phóng viên Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT xung quanh vấn đề này.
* Thời gian qua, việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp ở Phú Yên có một số chuyển biến tích cực. Ông có thể cho biết những kết quả đã đạt được?
- Qua gần 5 năm thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Phú Yên đã đạt được kết quả bước đầu hết sức phấn khởi. Tăng trưởng của ngành bình quân 3,9%/năm, cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đến năm 2020, tỉ trọng thủy sản Phú Yên chiếm khoảng 38,1%, tỉ trọng nông - lâm nghiệp giảm còn 61,9% trong cơ cấu nội bộ ngành.
Lĩnh vực trồng trọt được cơ cấu lại theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển các vùng nguyên liệu cho chế biến công nghiệp. Năng suất nhiều loại cây trồng chủ lực của tỉnh tiếp tục tăng, sản lượng lương thực có hạt hơn 400.000 tấn/năm.
Tỉnh đã hỗ trợ chuyển đổi hơn 1.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn; lai tạo và nhân giống thành công nhiều giống cây nông nghiệp có ưu thế. Ngoài ra, tỉnh cũng đã xây dựng và phát triển một số mô hình mới trong trong trồng cây ăn quả như sầu riêng, bưởi, cam, quýt... ở huyện Sông Hinh bước đầu mang lại hiệu quả.
Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, quy mô tập trung, an toàn dịch bệnh. Hiện trên địa bàn tỉnh có 163 trang trại chăn nuôi, trong đó có 64 trang trại nuôi heo với khoảng 63.000 con, có 3 cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn dịch bệnh, 18 cơ sở an toàn vệ sinh thực phẩm và 4 cơ sở đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tỉnh chú trọng, nhiều mô hình phát triển rừng theo hướng bền vững được triển khai và nhân rộng. 
Những năm gần đây, mỗi năm Phú Yên trồng rừng sản xuất từ 5.000-6000ha, có hơn 1.800ha rừng trồng kinh doanh cây gỗ lớn, đã có 9.500ha rừng sản xuất được cấp chứng chỉ FSC; đến năm 2020 tỉ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 45%, tăng 6% so với năm 2015. Nổi bật, năm 2019 HTX Lâm nghiệp công nghệ cao Phú Yên được thành lập, đây là mô hình HTX lâm nghiệp quy mô cấp tỉnh theo ngành hàng đầu tiên tại Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp bền vững. 
Các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản tiếp tục được tỉnh quan tâm triển khai, tạo điều kiện để ngư dân bám biển sản xuất kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trong nuôi trồng thủy sản, tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất theo hướng an toàn sinh học, VietGAP; hình thành một số vùng nuôi và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.
Đến năm 2020, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt khoảng 85 triệu đồng (tăng 1,3 lần so với năm 2015), giá trị sản phẩm thu được trên 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản khoảng 1 tỉ đồng (tăng 1,5 lần so với năm 2015)...
* Quá trình triển khai tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; các mô hình sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp... Vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?
- Mặc dù các cấp, ngành và địa phương có nhiều nỗ lực, tuy nhiên việc triển khai tái cơ cấu ngành Nông nghiệp ở Phú Yên vẫn chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đã đề ra. Sản xuất nông nghiệp cơ bản vẫn còn theo phương thức canh tác truyền thống, manh mún nhỏ lẻ; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, nông nghiệp công nghệ cao còn chiếm tỉ trọng thấp. 
Việc nghiên cứu xây dựng, nhân rộng các mô hình mới, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp còn ít, trong khi đó dự án Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao triển khai chậm, chưa thể hiện được vai trò hạt nhân phổ biến, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. 
Công tác quản lý, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản chưa được tốt, nên xảy ra phổ biến tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát, trái phép ở một số địa phương. Công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều bất cập, yếu kém, quản lý đất rừng còn lỏng lẻo; tình trạng lấn chiếm, xâm phạm đất rừng còn nhiều...
* Theo ông, tỉnh cần làm gì để nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững trong thời gian tới?
- Ngành Nông nghiệp Phú Yên đang xây dựng chiến lược, mục tiêu phát triển nông - lâm - ngư nghiệp bền vững, theo hướng gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, giá trị gia tăng bình quân khoảng 3,5-4%/năm. Đồng thời từng bước hình thành nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng các thương hiệu sản phẩm hàng hóa chủ lực, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển giống cây trồng, vật nuôi có giá trị cao. 
Ngành Nông nghiệp Phú Yên đang triển khai kế hoạch duy trì ổn định, từng bước giảm diện tích một số cây trồng chủ lực để phù hợp với quy hoạch, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh hình thành cánh đồng lớn, phát triển một số vùng chuyên canh cây ăn quả, cây dược liệu, rau, hoa... tại một số địa phương có điều kiện thuận lợi. Có chính sách hỗ trợ người dân, nhất là ở các địa phương miền núi đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ, đảm bảo nguồn nước phục vụ trồng trọt, sản xuất. 
Mô hình nuôi tôm Green House của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc. Ảnh: ANH NGỌC

Ngành Nông nghiệp Phú Yên cũng đang tập trung nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo hướng chăn nuôi hữu cơ, sinh thái, bảo đảm vệ sinh môi trường; khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh. Phát triển rừng theo hướng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, khuyến khích phát triển rừng trồng cây gỗ lớn, gỗ quý và lâm sản ngoài gỗ, nhất là các loại cây dược liệu. 
Phú Yên còn tập trung phát triển kinh tế biển, cơ cấu lại sản xuất thủy sản theo hướng giảm tỉ trọng khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ, đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị bảo quản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch; đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở phục vụ ngành thủy sản, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là cá ngừ đại dương. Tỉnh cũng ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, công nghệ cao, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi; ưu tiên phát triển nuôi biển công nghiệp ở vùng biển hở... 
* Xin cảm ơn ông!
Qua gần 5 năm thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Phú Yên đã đạt được kết quả bước đầu hết sức phấn khởi. Tăng trưởng của ngành bình quân 3,9%/năm, cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đến năm 2020, tỉ trọng thủy sản Phú Yên chiếm khoảng 38,1%, tỉ trọng nông - lâm nghiệp giảm còn 61,9% trong cơ cấu nội bộ ngành.
 
ANH NGỌC (thực hiện)
Nguồn: Báo Phú Yên ngày 01/12/2020
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 102
accessibility Hôm qua: 100
account_circle Trong tháng: 268.844
account_box Trong năm: 20.604
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.924