Đưa Phú Yên tiến bước, phát triển bền vững

Cập nhật lúc:   08:03:30 - 01/04/2021 Số lượt xem:   359 Người đăng:   Administrator
TP Tuy Hòa - trung tâm tỉnh lỵ của Phú Yên đang được đầu tư xây dựng để trở thành đô thị loại I. Ảnh: NGỌC THẮNG TP Tuy Hòa - trung tâm tỉnh lỵ của Phú Yên đang được đầu tư xây dựng để trở thành đô thị loại I. Ảnh: NGỌC THẮNG
Nếu lấy những mốc thời điểm lịch sử để làm thước đo các chặng đường trong quá trình phát triển, có thể thấy những thành quả đạt được hôm nay là vô cùng lớn lao từ sự chung sức chung lòng, nỗ lực của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. 46 năm sau ngày giải phóng Phú Yên (1/4/1975-1/4/2021), Đảng bộ và nhân dân Phú Yên tiếp tục hành trình xây dựng cuộc sống mới, ấm no, hạnh phúc.
Ngược dòng thời gian, chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động trước những hy sinh to lớn của lớp cha anh để giành được độc lập, tự do. Trong hành trình ấy, có biết bao người đã ngã xuống cho cuộc sống hòa bình hôm nay. 
Những con số biết nói 
Gặp các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, cũng như những người đã trải qua thời cuộc, quá trình phát triển của tỉnh từ những ngày sau giải phóng đến nay, họ đều cảm nhận một sự thay da đổi thịt, bước tiến dài trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí Đào Tấn Lộc, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên khóa XIV, XV, nhớ lại: Lấy mốc thời gian từ giai đoạn đất nước đổi mới và chia tách tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa vào năm 1989, Phú Yên lúc đó vô cùng khó khăn, hạ tầng kỹ thuật hầu như không có gì. Thu ngân sách chỉ dựa vào thuế nông nghiệp và thủy lợi phí. Năm đầu tiên sau khi tái lập tỉnh chỉ thu được gần 30 tỉ đồng, vốn đầu tư do Trung ương hỗ trợ chỉ 7 tỉ đồng... Từ xuất phát điểm đó mới thấy những thành quả mà quân dân tỉnh ta làm được trong 30 năm qua là rất đáng trân trọng, tự hào. 
Hơn 30 năm tiếp theo sau ngày tái lập tỉnh, bằng sự chung sức đồng lòng, toàn đảng, toàn dân Phú Yên ra sức chung tay xây dựng cuộc sống mới. Từ một nền kinh tế thuần nông, sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 80% cơ cấu kinh tế những năm mới chia tách, đến nay cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có bước chuyển dịch tích cực theo hướng CNH-HĐH. Các khu công nghiệp tập trung và điểm công nghiệp - TTCN ở các địa phương hình thành; một số sản phẩm công nghiệp của tỉnh có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước như: đường, tinh bột sắn, dược phẩm, hàng may mặc, sản phẩm thủy sản... Các ngành dịch vụ phát triển cả về quy mô và chất lượng, nhất là dịch vụ du lịch. Hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nước, thông tin liên lạc được đầu tư khá đồng bộ; bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới, khởi sắc. Các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao được quan tâm, đầu tư đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống. 
Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, tiếp tục khẳng định những chỉ tiêu cơ bản vượt kế hoạch, đáng phấn khởi. Nền kinh tế phát triển với mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng GRPD bình quân hàng năm đạt 7%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục dịch chuyển đúng hướng, tăng tỉ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; ngành nông - lâm - thủy sản phát triển theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. GRPD bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 52,9 triệu đồng, gấp 1,6 lần so với cách đây 5 năm. 
Tuy vẫn còn một số khó khăn nhất định, song vị thế của Phú Yên trong khu vực và cả nước ngày càng được nâng lên, tạo ra thế và lực mới cho công cuộc phát triển trong những năm đến. Ông Nguyễn Văn Hưng, người dân xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, cảm nhận: “Trước đây, người dân chỉ lo cái ăn, cái mặc; bây giờ đời sống không ngừng nâng cao, con cháu được học hành, sức khỏe cộng đồng được quan tâm, người người khởi nghiệp, làm giàu. Phú Yên đang trở thành điểm đến thu hút du khách”. 
Chặng đường phát triển mới 
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu tổng quát: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện, hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng văn hóa, con người Phú Yên phát triển toàn diện; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân; khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, trọng tâm là về kinh tế biển, gắn với ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh để phát triển nhanh, bền vững; phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thiện nền tảng, hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế chủ lực, để đến năm 2030, Phú Yên có ngành dịch vụ, nông nghiệp và công nghiệp phát triển mạnh. 
Theo đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Phú Yên có những lợi thế cần được phát huy tối đa, trở thành động lực trong chiến lược phát triển, đó là kinh tế biển. Là một trong 28 tỉnh ven biển, Phú Yên có lợi thế về vị trí địa lý khi nối liền các trục bắc - nam và đông - tây, có chiều dài 189km bờ biển, cơ sở hạ tầng cơ bản… là điều kiện tốt để phát triển kinh tế biển. 
Để thực hiện tốt các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm và chiến lược phát triển, theo đồng chí Phạm Đại Dương cần dựa trên các nền móng và trụ cột cơ bản, đó là: Tăng cường công tác đối ngoại, liên kết vùng, thu hút kinh nghiệm, nguồn lực và công nghệ; tinh gọn bộ máy chính quyền, phát huy hiệu quả, hiệu lực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện; phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường; đảm bảo quốc phòng - an ninh. Ba trụ cột chính là: Xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện; phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; khuyến khích hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể và các mô hình kinh tế tập thể... 
Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển”; sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng bộ, quân và dân, Phú Yên quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, cùng cả nước thực hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 - thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam; khát vọng xây dựng và phát triển một Phú Yên phú cường, yên bình, ở đó, mỗi người dân được phát triển toàn diện, có cuộc sống hạnh phúc, không có ai bị bỏ lại phía sau.
Trong kỷ nguyên của “Biển và đại dương”, kinh tế biển là động lực, là cơ hội để các địa phương ven biển như Phú Yên vươn lên phát triển đột phá, trở thành tỉnh phát triển mạnh các ngành nghề của kinh tế biển như du lịch, nuôi trồng, đánh bắt, vận tải… 
                                                       Đồng chí Phạm Đại Dương,
                                            Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
TRẦN QUỚI
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 9
accessibility Hôm qua: 106
account_circle Trong tháng: 275.361
account_box Trong năm: 23.984
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.304