Thiết lập hệ thống chặt chẽ để vừa chống dịch vừa cứu bệnh nhân

Cập nhật lúc:   09:38:59 - 26/07/2021 Số lượt xem:   288 Người đăng:   Administrator
Nhân viên Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên tiếp nhận và sàng lọc một trường hợp cấp cứu. ẢNH: YÊN LAN Nhân viên Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên tiếp nhận và sàng lọc một trường hợp cấp cứu. ẢNH: YÊN LAN
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nếu thiết lập được một hệ thống chặt chẽ tại Khoa Cấp cứu hồi sức, các bệnh viện sẽ vừa chống được COVID-19 xâm nhập, vừa không bỏ sót những trường hợp có thể bị nguy hiểm đến tính mạng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa cảnh báo: Biến thể Delta của SARS-CoV-2 sẽ trở thành biến thể chủ đạo, gây ra phần lớn các ca bệnh COVID-19 trên toàn thế giới chỉ trong vài tháng tới. 
Theo WHO, ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh hơn các biến thể không thuộc nhóm danh sách biến thể gây lo ngại. Biến thể Delta đã lây lan tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kết quả phân tích chuỗi gen SARS-CoV-2 cho thấy chỉ trong 4 tuần tính đến ngày 20/7, tỉ lệ các mẫu phân tích là biến thể Delta đã tăng đến 75% ở nhiều quốc gia. 
Chủ động ứng phó với tình huống nghiêm trọng 
Tại Việt Nam, bản tin sáng 25/7 của Bộ Y tế cho biết vừa phát hiện thêm 3.979 ca nhiễm SARS-CoV-2, riêng TP Hồ Chí Minh có 2.328 ca. Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận 94.913 ca nhiễm, trong đó có 92.735 ca nhiễm trong nước. Trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4 đến nay), Việt Nam ghi nhận 91.165 ca nhiễm trong nước, trong đó có hơn 14.800 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Cả nước hiện có 130 bệnh nhân nặng đang điều trị hồi sức tích cực (ICU), 17 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO. 
Tại Phú Yên, sau hơn một tháng kể từ ngày đầu tiên phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng, tính đến sáng 25/7, toàn tỉnh đã phát hiện 1.098 ca mắc COVID-19, trong đó có 247 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, 8 ca tử vong liên quan đến COVID-19. Đáng chú ý, số bệnh nhân nặng - nguy kịch đã tăng lên 11 người, gồm 4 ca thở máy xâm lấn (trong đó có 2 ca lọc máu liên tục) và 7 ca thở máy không xâm lấn. Ngoài ra còn có 19 bệnh nhân viêm phổi nặng. 
Để chủ động ứng phó với tình hình dịch COVID-19 đang gia tăng về số lượng, tốc độ và mức độ lây truyền, tăng số bệnh nhân nặng ở nhiều địa phương, đặc biệt là ứng phó với tình huống nghiêm trọng hơn, Bộ Y tế vừa yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tất cả bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện hạng 2 tối thiểu phải có hệ thống oxy trung tâm, thiết bị và nhân lực để thực hiện được kỹ thuật thở oxy qua mặt nạ, thở oxy dòng cao HFNC. Khoa Hồi sức tích cực của các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh từ hạng 1 trở lên bố trí tối thiểu 50 giường và sẵn sàng mở rộng 100 giường, với hệ thống oxy trung tâm, đào tạo nhân lực có trình độ để thực hiện các kỹ thuật hồi sức cấp cứu nâng cao (thở máy xâm nhập, ECMO, lọc máu…) để tiếp nhận, cấp cứu điều trị bệnh nhân nặng - nguy kịch. 
Bên cạnh đó, bộ yêu cầu các bệnh viện được phân công phụ trách khu vực nhanh chóng thiết lập Trung tâm Cấp cứu để tiếp nhận bệnh nhân nặng - nguy kịch khi vượt quá năng lực của các bệnh viện; các bệnh viện tuyến Trung ương củng cố, mở rộng Khoa Hồi sức tích cực để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị người bệnh nặng - nguy kịch khi vượt quá năng lực tuyến dưới; đào tạo, thiết lập nhiều đội, nhóm có đủ năng lực hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, ECMO, lọc máu… để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương. Đồng thời, bộ đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát và bảo đảm khả năng cung cấp oxy y tế, tuyệt đối không để tình trạng thiếu oxy y tế trong cấp cứu, điều trị. 
Vừa chống COVID-19 vừa cứu được bệnh nhân 
Khi dịch bệnh chưa được khống chế, số bệnh nhân COVID-19 nặng tăng; và có cả những trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 nhưng nguy kịch do bệnh không lây nhiễm, phải nhập viện cấp cứu. Để ngăn chặn SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ sở khám chữa bệnh, công tác sàng lọc, phân luồng là hết sức quan trọng. 
Để sàng lọc nhanh, các cơ sở khám chữa bệnh sử dụng test nhanh kháng nguyên, song phương pháp này không có nhiều công dụng trong việc chẩn đoán. Đã có bệnh nhân test nhanh kháng nguyên âm tính nhưng xét nghiệm PCR cho kết quả dương tính. Trong trường hợp bệnh nhân đã nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng, lại chưa khai thác được yếu tố dịch tễ, nếu “tin” kết quả test nhanh kháng nguyên thì rất có thể sẽ để cho SARS-CoV-2 “lọt” vào bệnh viện, nhất là với bệnh nhân cấp cứu, hồi sức cấp cứu - những người có tình trạng rất đặc biệt. 
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nếu thiết lập được một hệ thống chặt chẽ tại Khoa Cấp cứu hồi sức, các bệnh viện sẽ vừa chống được COVID-19 xâm nhập, vừa không bỏ sót những trường hợp có thể bị nguy hiểm đến tính mạng. 
ThS Hoàng Khắc Toàn (Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho rằng cần thiết lập một khu vực hồi sức tại Khoa Cấp cứu để hồi sức bệnh nhân nặng và chờ kết quả xét nghiệm PCR. Nhân viên y tế tiếp đón, sàng lọc tại Khoa Cấp cứu sẽ làm việc theo ca, mặc trang phục phòng hộ suốt quá trình ứng trực. Khi có bệnh nhân nặng - nguy kịch, nhân viên y tế này là người xử trí đầu tiên. “Tình trạng nguy hiểm nhất là ngừng tuần hoàn, cần ép tim ngoài lồng ngực và cấp cứu ngừng tuần hoàn, nhân viên y tế mặc trang phục phòng hộ là người xử trí đầu tiên, và tất cả y bác sĩ tiến hành cấp cứu phải sử dụng đầy đủ phương tiện phòng hộ thì mới tham gia cấp cứu, nếu bệnh nhân chưa được test nhanh hoặc xét nghiệm PCR. Vì y bác sĩ, ngoài cấp cứu cho bệnh nhân đó còn chăm sóc, điều trị cho nhiều bệnh nhân khác. Nếu không may bị lây nhiễm SARS-CoV-2 từ bệnh nhân đó thì sẽ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Bên cạnh đó, trong lúc cấp cứu có nhiều thủ thuật tạo khí dung, nếu y bác sĩ không phòng hộ đầy đủ thì có thể sẽ bị lây nhiễm”, ThS Hoàng Khắc Toàn nói. 
Ngoài ra, công tác giám sát việc tuân thủ 5K trong bệnh viện cũng rất quan trọng. Nhân viên y tế thường xuyên nhắc nhở bệnh nhân, người nhà bệnh nhân thực hiện 5K. 
Phòng chống đại dịch COVID-19 là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Nếu mỗi người đều có ý thức thì sẽ hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng nói chung, trong cơ sở y tế nói riêng. 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 36
accessibility Hôm qua: 85
account_circle Trong tháng: 274.802
account_box Trong năm: 23.425
supervisor_account Tổng truy cập: 3.163.745