Phấn đấu xây dựng nền hành chính kỷ cương, hiện đại, công khai, minh bạch

Cập nhật lúc:   20:23:31 - 20/09/2021 Số lượt xem:   375 Người đăng:   Administrator
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương  kiểm tra Trung tâm hành chính công của tỉnh. (Nguồn: Báo Đầu Tư) Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương kiểm tra Trung tâm hành chính công của tỉnh. (Nguồn: Báo Đầu Tư)
Nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Trong giai đoạn 2015 - 2020, công tác cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã được các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính được tập trung chỉ đạo quyết liệt, với nhiều cách làm mới. Đã thành lập, đưa vào hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh; cải cách mạnh mẽ các quy định về thủ tục hành chính (TTHC) và cách thức giải quyết hồ sơ TTHC; triển khai chủ đề Năm doanh nghiệp, Năm kỷ cương hành chính; thực hiện xin lỗi tổ chức, công dân khi giải quyết thủ tục hành chính sai sót, trễ hạn; gửi thư chúc mừng, chia buồn đến người dân... Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh ngày càng hoàn thiện, điều chỉnh một cách cơ bản các mối quan hệ xã hội và một số vấn đề thực tế phát sinh trên địa bàn tỉnh. Tập trung triển khai thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế, phù hợp với quy định của Trung ương và tình hình thực tiễn địa phương. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị hiện nay. Cơ chế quản lý tài chính của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh được đổi mới theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí quản lý hành chính, đã nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, đơn vị và cải thiện thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử được đẩy mạnh, qua đó, tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí quản lý hành chính và công khai, minh bạch hoạt động của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh. Đã tập trung lãnh đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư phát triển, góp phần mang lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan việc thành lập doanh nghiệp, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong 05 năm, đã cấp mới đăng ký cho 2.350 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký hơn 28 nghìn tỷ đồng; đến ngày 31/5/2021, tỉnh Phú Yên có 3.833 doanh nghiệp hoạt động, tăng 74,2% so với năm 2015; đã thu hút hơn 230 dự án đầu tư ngoài ngân sách, với tổng vốn đăng ký hơn 31 nghìn tỷ đồng, trong đó có 09 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 70,5 triệu USD.
Xây dựng chính quyền điện tử, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngày 10/9/2021, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 12-CTr/TU về nâng cao hiệu quả cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, Tỉnh ủy đặt ra mục tiêu là nâng cao hiệu quả công tác CCHC và các chỉ số liên quan đến CCHC; chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; xây dựng chính quyền điện tử, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; minh bạch hóa, tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động quản lý nhà nước; hình thành thói quen sử dụng dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tiến đến xây dựng nền hành chính kỷ cương, hiện đại, công khai, minh bạch. Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh; tạo điều kiện thúc đẩy, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để đạt được các mục tiêu trên, cần triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao hiệu quả công tác CCHC và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gồm: (1) Tập trung rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền tỉnh và cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp. (2) Rà soát, hệ thống hóa TTHC để công khai, minh bạch quy trình giải quyết TTHC; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công. (3) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; xây dựng chính quyền điện tử; công khai, minh bạch hoạt động của chính quyền; hình thành thói quen của người dân sử dụng dịch vụ số. (4) Phát triển các hoạt động hỗ trợ người dân, tổ chức để nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cấp chính quyền trong tỉnh. (5) Rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. (6) Nâng cao năng lực, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường tính chuyên nghiệp, kỷ cương, kỷ luật hành chính, gắn với khuyến khích đổi mới sáng tạo trong phương thức làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.
Hai là, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong xu thế hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gồm: (1) Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ quản lý, công nghệ sản xuất và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để hoạt động, phát triển hội nhập quốc tế. (2) Thực hiện tốt công tác định hướng thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và sản phẩm gắn với Đề án Chương trình OCOP tỉnh Phú Yên ra ngoài tỉnh và thị trường quốc tế. (3) Tiếp tục hoàn thiện thiết chế pháp lý và tăng cường đảm bảo an ninh trật tự cho doanh nghiệp hoạt động.
Ba là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác CCHC; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Bốn là, đảm bảo kinh phí thực hiện công tác CCHC: Bố trí 1% tổng chi thường xuyên và chi đầu tư hàng năm của tỉnh để đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ mới đáp ứng yêu cầu công tác CCHC.
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 39
accessibility Hôm qua: 100
account_circle Trong tháng: 268.781
account_box Trong năm: 20.541
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.861