Chuyển giao khoa học - công nghệ để tạo sản phẩm chủ lực

Cập nhật lúc:   14:39:40 - 08/08/2022 Số lượt xem:   438 Người đăng:   Administrator
Lãnh đạo các sở, ban ngành và hội đoàn thể trong tỉnh tham quan mô hình trồng dưa hoàng kim trong nhà kính tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên. Ảnh: LỆ VĂN Lãnh đạo các sở, ban ngành và hội đoàn thể trong tỉnh tham quan mô hình trồng dưa hoàng kim trong nhà kính tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên. Ảnh: LỆ VĂN
Thời gian qua, ngoài việc kêu gọi, thu hút đầu tư, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) Phú Yên còn đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao thành công KH-CN các mô hình trong sản xuất NNUD
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học 
Ông Phạm Quốc Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên (thuộc Ban quản lý Khu NNUDCNC Phú Yên), cho biết năm 2018, trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh và Ban quản lý Khu NNUDCNC Phú Yên, đơn vị đã tiếp nhận quy trình trồng và chăm sóc dưa hoàng kim trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của trung tâm. Sau thời gian thực hiện, với sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật của đơn vị chuyển giao, đến nay các kỹ sư của trung tâm đã điều chỉnh quy trình phù hợp, đáp ứng yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh và vùng phụ cận. 
Cũng theo ông Hoàng, căn cứ thỏa thuận triển khai liên kết, hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao giữa UBND tỉnh Phú Yên với UBND tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018-2020, Ban quản lý Khu NNUDCNC Phú Yên đã triển khai nhiều nội dung như trồng rau thủy canh, nhân giống sung magic, trồng khảo nghiệm gừng…Qua hai năm nghiên cứu và hoàn thiện quy trình, đến nay trung tâm đã xây dựng quy trình trồng rau sạch bằng hệ thống thủy canh hồi lưu và quy trình nhân giống, trồng sung magic. Hiện đơn vị đang chuyển giao cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây sung magic tại HTX Đồng Din (huyện Phú Hòa) và triển khai dự án “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất một số loại rau có giá trị tại khu nông nghiệp công nghệ cao và vùng phụ cận” thuộc chương trình phát triển NNUDCNC của Bộ NN-PTNT. Đến nay, trung tâm đã hoàn thiện ba quy trình gieo ươm, trồng và chăm sóc dưa lưới, dưa leo, cải bó xôi… để chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. 
Hợp tác chuyển giao 
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng ban quản lý Khu NNUDCNC Phú Yên, trong bối cảnh phát triển NNUDCNC là bước đột phá trong lộ trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự ủng hộ của các ngành, Khu NNUDCNC Phú Yên đã được đầu tư các hạng mục thiết yếu, quan trọng hình thành cơ sở hạ tầng cơ bản để thu hút đầu tư và ưu tiên công tác nghiên cứu, chuyển giao KH-CN trong sản xuất NNUDCNC. Đơn vị đã nghiên cứu và hoàn thiện các quy trình công nghệ, khảo nghiệm và chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật các mô hình như: Dưa hoàng kim, dưa leo, rau thủy canh, sung mỹ, nhộng trùng thảo, nấm mối đen, nấm hoàng đế… cho doanh nghiệp, nông dân và các HTX trong tỉnh, góp phần hình thành những vùng sản xuất lớn, theo chuỗi tạo ra các sản phẩm chủ lực, giá trị kinh tế cao. 
“Đầu tư phát triển NNUDCNC là để tăng năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản và sử dụng có hiệu quả trên diện tích đất nông nghiệp. Đây là bước phát triển tất yếu của ngành Nông nghiệp cả nước nói chung và của tỉnh Phú Yên nói riêng. Làm nông nghiệp công nghệ cao bắt đầu từ những việc rất nhỏ, như: sử dụng giống mới, hệ thống tưới tiết kiệm, sản xuất an toàn…, là mức ứng dụng thấp nhưng ở thời điểm hiện tại lại phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp của Phú Yên”, ông Hưng chia sẻ. 
Ông Ngô Quốc Dũng, nông dân xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), thường xuyên đến Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên để tìm hiểu về giống mới hoặc nhờ tư vấn về kỹ thuật canh tác, cho hay trung tâm giới thiệu nhiều giống mới, cải tiến về năng suất, chất lượng, rút ngắn thời gian canh tác; tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Đồng thời, trung tâm đã hoàn thiện các quy trình công nghệ, các mô hình rất hữu ích cho người nông dân như ông. 
Mới đây, Ban quản lý Khu NNUDCNC Phú Yên đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác và chuyển giao các kết quả nghiên cứu quy trình kỹ thuật công nghệ với Hội Nông dân, Tỉnh đoàn, Liên minh HTX tỉnh để xây dựng các mô hình trình diễn, nhân rộng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, gắn với ứng dụng các tiến bộ và KH-CN vào sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng…; xây dựng mối liên kết và hợp tác bền vững về phát triển, ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo giữa các bên để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội giữa các đơn vị. 
Theo ông Phan Đại Thắng, Phó Chủ tịch điều hành Hội Nông dân tỉnh, hiện nay quy mô sản xuất nhỏ của nông hộ khiến cho việc ứng dụng công nghệ cao khó khăn và chưa có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp vào mối liên kết giữa nghiên cứu KH-CN và chuyển giao, ứng dụng. Liên kết giữa ba nhà khoa học - doanh nghiệp - nông dân còn yếu và thiếu bền vững, số lượng doanh nghiệp trong nông nghiệp còn ít, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, trên cơ sở nghiên cứu, việc tiếp nhận và hoàn thiện các quy trình công nghệ, đẩy mạnh hợp tác, phát triển trong nghiên cứu KH-CN, nhân rộng các quy trình công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết. 
“Một trong những yếu tố quan trọng để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đó là sự hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân. Từ đó hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến, tăng cường ứng dụng KH-CN sau thu hoạch tạo ra giá trị mới cho nông sản”, ông Thắng nói.
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 3
accessibility Hôm qua: 70
account_circle Trong tháng: 274.839
account_box Trong năm: 23.462
supervisor_account Tổng truy cập: 3.163.782