Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học: Nhiều dự án mang tính thực tiễn

Cập nhật lúc:   15:59:20 - 10/01/2018 Số lượt xem:   1428 Người đăng:   Administrator
Ban giám khảo chấm điểm đề tài “Thiết bị đảm bảo an toàn khi lái xe” - Ảnh: THÁI HÀ Ban giám khảo chấm điểm đề tài “Thiết bị đảm bảo an toàn khi lái xe” - Ảnh: THÁI HÀ
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học được Sở GD-ĐT Phú Yên tổ chức hàng năm đã trở thành sân chơi trí tuệ, giúp khơi nguồn đam mê sáng tạo...
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học được Sở GD-ĐT Phú Yên tổ chức hàng năm đã trở thành sân chơi trí tuệ, giúp khơi nguồn đam mê sáng tạo; đồng thời góp phần phát triển năng lực học tập của học sinh. Trong cuộc thi lần thứ 5 vừa qua, Ban giám khảo đánh giá cao những dự án giàu tính thực tiễn, gắn liền với quá trình học tập, lao động, sản xuất.

Phan Lý Hà và Nguyễn Ngọc Thiện (lớp 10 A1, Trường THPT Phan Đình Phùng, TX Sông Cầu) là nhóm tác giả của giải pháp “Chế tạo phao cứu sinh tích hợp” đạt giải nhì tại cuộc thi. Không như chiếc phao cứu sinh thông thường, chiếc phao cứu sinh tích hợp được thiết kế nhỏ gọn hình chữ U với xốp bên trong, vỏ dù bọc lại để bảo quản. Khi bung ra, phao sẽ có hình bầu dục được gắn thêm dù, võng và có các ngăn đựng đồ ăn, thức uống cũng như những vật dụng cần thiết khác. Chiếc phao được sơn 2 màu trắng đỏ, giúp nổi bật, thu hút sự chú ý khi trôi trên biển. “Chúng em sinh ra và lớn lên ở vùng biển nên thấy rất rõ sự cần thiết của những chiếc phao cứu sinh tích hợp như thế này. Với thiết kế nhỏ nhưng có nhiều công dụng, phao cứu sinh sẽ giúp người bị nạn bám trụ lâu trên biển để chờ cứu hộ”, Phan Lý Hà cho biết.

Cuộc thi năm nay, Ban giám khảo cũng rất ấn tượng với đề tài của học sinh dân tộc thiểu số đến từ các huyện miền núi. Hai em Sô Minh Trúc và So Hờ Bly (Trường THCS Kpá Kơ Lơng, huyện Sơn Hòa) đã mang đến cuộc thi dự án: “Nghiên cứu, bảo tồn và cải tiến nguồn men rượu cần dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa”. Để thực hiện dự án này, hai em đã thu thập thông tin, ghi chép kinh nghiệm dân gian về tên thuốc và quy trình làm men. Sau đó các em đi tìm cây thuốc về nghiền, trộn đều, ủ thành men cho vào khuôn, phơi nắng để cuối cùng ra sản phẩm. Dự án trên của các em Sô Minh Trúc, So Hờ Bly mang tính thực tiễn và nhân văn cao vì nó xuất phát từ mong muốn lưu giữ một sản phẩm độc đáo của đồng bào dân tộc ít người đang có dấu hiệu mai một. Dự án được Ban giám khảo trao giải ba cho những dự án thuộc khối học sinh cấp THCS.

Đánh giá cao những kết quả đạt được, NGƯT Ngô Ngọc Thư, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi nói: Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật là một hoạt động trải nghiệm bổ ích, thiết thực, gắn liền giữa lý thuyết với thực hành và thực tiễn lao động sản xuất. Hoạt động nghiên cứu sẽ giúp học sinh yêu thích khoa học để biến ước mơ, ý tưởng khoa học thành các sản phẩm. Tôi đánh giá rất cao những dự án tham gia cuộc thi lần này. Tuy nhiên, trong rất nhiều dự án, vẫn có một vài sản phẩm chưa sát với đối tượng tham gia là học sinh. Vì vậy, tùy vào hoàn cảnh thực tế tại địa phương mà giáo viên cần hướng các em vào những lĩnh vực phù hợp lứa tuổi; không nên chọn những dự án quá tầm học sinh hoặc khó triển khai trong thực tế.
Sô Minh Trúc (phải) và So Hờ BLy với sản phẩm men rượu cần của dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa - Ảnh: THÁI HÀ
Chia sẻ cảm xúc khi tham quan các khu trưng bày sản phẩm dự thi, TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng: Phần lớn đề tài, dự án có nội dung và phương pháp nghiên cứu phù hợp, thực hiện tiến trình nghiên cứu, ghi chép nhật trình và trình bày báo cáo khoa học theo đúng yêu cầu của một công trình khoa học. Những đề tài tham gia cuộc thi đã giải quyết hiệu quả những vấn đề đặt ra trong cuộc sống, nhất là những đề tài, dự án gắn liền với học tập, lao động, sản xuất. Trong đó nổi bật là các dự án: Robot làm vườn, Tổng hợp nano đồng CuSO4 từ lá bồ ngót, Hệ thống điều khiển ánh sáng tự động tiết kiệm năng lượng, Hệ thống đóng, ngắt mạch điện từ xa an toàn tiện dụng... Tôi mong muốn, từ cuộc thi cấp tỉnh sẽ có nhiều dự án đạt giải cao trong cuộc thi cấp toàn quốc và phong trào nghiên cứu khoa học, sáng tạo ở cấp trung học sẽ được tiếp tục phát triển.

Cuộc thi lần thứ 5 quy tụ 59 dự án (tăng hơn 5 dự án so với cuộc thi lần thứ 4) với sự tham gia của các trường THPT, THCS thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh. Đây cũng là năm đầu tiên có 100% phòng GD-ĐT tham gia. Tuy nhiên, theo ông Ngô Ngọc Thư, để cuộc thi ngày càng phát triển, các nhà trường cần tích cực tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh hiểu rõ ý nghĩa, mục tiêu của cuộc thi. Bên cạnh đó, bản thân các em học sinh cần nỗ lực hơn, cũng như các trường có dự án đạt giải cần đẩy mạnh đầu tư để tiếp tục gặt hái những giải cao hơn ở những cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế.
 
ÔNG DƯƠNG BÌNH LUYỆN, TRƯỞNG PHÒNG GIÁO DỤC TRUNG HỌC, PHÓ BAN TỔ CHỨC CUỘC THI: Các dự án có tính đồng đều và được đầu tư công phu 
 
Cuộc thi năm nay, các đề tài, dự án được đánh giá ở nhiều góc độ: vấn đề nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, đáp ứng nhu cầu hoặc giải quyết vấn đề, sự sáng tạo, trình bày, thuyết trình… Ngoài tăng về số lượng, chất lượng, các dự án năm nay cũng được đầu tư bài bản, chứa nhiều hàm lượng khoa học, rải đều ở các lĩnh vực dự thi; đồng thời cũng là năm học đầu tiên có thí sinh tham gia ở lĩnh vực mới, nổi bật là các dự án phục vụ trực tiếp đời sống và sản xuất.

Cuộc thi là sân chơi, là cơ hội để các học sinh tiếp xúc với môi trường sáng tạo một cách chủ động, được gặp gỡ bạn bè có cùng ý tưởng để qua đó khơi dậy và lan tỏa tinh thần sáng tạo. Những dự án được giải cao trong cuộc thi sẽ tiếp tục tham gia các cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế và là cơ hội để các em nâng cao năng lực nghiên cứu, mở mang tầm mắt, qua đó có những thành tựu phục vụ cho đời sống, xã hội.

GIÁO VIÊN NGUYỄN NGỌC QUÝ, TRƯỜNG THPT LÊ THÀNH PHƯƠNG, THÀNH VIÊN BAN GIÁM KHẢO: Các dự án ngày càng “chất” 

 
Trước khi chấm chung khảo, ban giám khảo gồm 7 người đã có những ngày làm việc trước đó để đọc và kiểm tra trên văn bản mà các em gửi đến. Ngoài việc đọc các đề tài, dự án bằng văn bản, chúng tôi còn tra cứu trên mạng để xem các giải pháp này có trùng hợp không, qua đó đánh giá tính mới, tính sáng tạo. Tất nhiên, mỗi giám khảo sẽ căn cứ trên quy định của cuộc thi để chấm độc lập tùy theo chuyên môn của mình. Để khách quan và công bằng, sau khi chấm độc lập, 7 giám khảo sẽ ngồi lại để thống nhất.

Đây là lần thứ ba tôi tham gia làm thành viên ban giám khảo cuộc thi. Mỗi đợt thi qua, tôi thấy các em trở nên nhạy bén hơn, trưởng thành hơn, khả năng sáng tạo của các em cũng tăng lên. Điều này một mặt khiến ban giám khảo, ban tổ chức thấy vui; mặt khác cũng tạo ra một áp lực khi trực tiếp chấm khá nhiều giải pháp có sự đầu tư công phu, kỹ lưỡng, hàm lượng khoa học cao để lựa chọn giải pháp tối ưu nhất. Trách nhiệm của thành viên ban giám khảo là dù cho đứng giữa rất nhiều giải pháp chất lượng càng cần phải công tâm, khách quan để đưa ra được kết quả chính xác, thuyết phục.

GIÁO VIÊN TRẦN HOÀN VŨ, TRƯỜNG THPT TRẦN PHÚ: Học sinh là người làm chủ ý tưởng và thực hiện dự án 

 
Tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật lần thứ 5 (2017-2018), tôi hướng dẫn học sinh thực hiện dự án Máy gieo hạt đa năng 4 hàng. Trước đó, tôi cũng đã có nhiều năm hỗ trợ cho các em phát triển ý tưởng và hoàn thiện dự án. Qua đó, tôi nhận thấy, trong việc hình thành một giải pháp để dự thi, vai trò của người thầy chỉ là hướng dẫn để các em có thể biến ý tưởng của mình thành hiện thực.

Cụ thể như, với dự án Máy gieo hạt đa năng 4 hàng, ý tưởng là của học sinh được hình thành từ quá trình các em lao động, giúp gia đình công việc nhà nông. Việc thực hiện ý tưởng cũng được học sinh hoàn thành cơ bản trước đó. Các em đã tìm mua các loại máy móc, thiết bị cần thiết, lên sơ đồ mô hình sau đó lắp ráp, chỉnh sửa. Ở những bộ phận nào khó tìm, khó làm, tôi sẽ hướng dẫn, hỗ trợ các em làm.

Tôi thấy rất vui vì những ý tưởng của các em khi thành sản phẩm đều phục vụ cho cuộc sống. Hoạt động này không chỉ thỏa đam mê, mà còn giúp các em có ý thức tận dụng những vật phế phẩm để làm ra các loại công cụ phục vụ cho cuộc sống.

Năm nay, Trường THPT Trần Phú có 2 dự án dự thi đều xuất phát từ tinh thần sáng tạo, ham học hỏi của các em học sinh. Là giáo viên hướng dẫn các em hoàn thành các dự án, tôi thấy vui và tự hào khi được đồng hành cùng các em.

EM NGUYỄN CÔNG HUY, HỌC SINH TRƯỜNG THCS PHAN LƯU THANH: Cơ hội giúp học sinh phát triển năng lực nghiên cứu, sáng tạo

Đây là lần đầu tiên tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học nên em rất hồi hộp. Bởi ngoài phần chấm điểm trên văn bản, ban giám khảo sẽ đến tận nơi để tổ chức chấm qua phần trưng bày sản phẩm, thuyết trình và trả lời câu hỏi trực tiếp.

Năm nay, em tham gia cuộc thi với giải pháp dùng lõi (cùi) trái bắp làm chất đốt. Ý tưởng này xuất phát từ việc thấy người dân quê em trồng rất nhiều bắp nhưng khi sử dụng xong phần hạt, phần lõi bị bỏ đi rất lãng phí. Từ đó, em nhờ thầy hướng dẫn để có thể đưa ra giải pháp sử dụng lõi bắp làm chất đốt. Tham gia cuộc thi lần này em thấy rất vui vì được gặp gỡ nhiều bạn bè có cùng đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật; được học hỏi để có thêm những sáng kiến khác. Đặc biệt, em được làm quen với việc trình bày một vấn đề trước đông người, điều này giúp em tự tin hơn. Năm sau em sẽ tiếp tục tham gia.

 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 62
accessibility Hôm qua: 85
account_circle Trong tháng: 275.136
account_box Trong năm: 23.759
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.079