Phản biện có giới hạn

Cập nhật lúc:   10:07:33 - 11/12/2017 Số lượt xem:   923 Người đăng:   Administrator
Phản biện có giới hạn Phản biện có giới hạn
Báo cáo “Đánh giá tình hình động đất khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2 và đề xuất biện pháp giảm nhẹ thiệt hại” mà Hội KHKT Địa vật lý Việt Nam vừa công bố có thể xem là “dư chấn
Báo cáo “Đánh giá tình hình động đất khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2 và đề xuất biện pháp giảm nhẹ thiệt hại” mà Hội KHKT Địa vật lý Việt Nam vừa công bố có thể xem là “dư chấn” mới nữa về nghiên cứu khoa học liên quan đến Sông Tranh 2.

Bởi lần đầu tiên, một phản biện gay gắt đối với thủy điện Sông Tranh 2, chỉ ra các sai lầm về cách chọn địa điểm xây dựng, về nguy cơ động đất kích thích ở cấp độ cao hơn… được đưa ra bởi một tổ chức có uy tín.

Nói “lần đầu tiên” là để liên hệ với các phản biện trước đó của nhiều nhà khoa học đã đến khảo sát trực tiếp tại khu vực xảy ra động đất, nhưng hầu như kết luận nào cũng mang tính lạc quan, cũng chỉ cảnh báo chung chung, ấy là chưa kể có phát ngôn gây phản ứng mạnh trong dư luận. “Lần đầu tiên” xét theo nghĩa đó, chứ thực ra từ lâu đã có nhiều ý kiến phản biện, các nghiên cứu độc lập và đơn lẻ được công bố trên nhiều phương tiện khác nhau, với giọng điệu và kết luận cũng rất khác nhau, khiến dư luận càng thêm lo lắng…

Tuy nhiên, báo cáo mới nhất (hôm 3/10/2012) của Hội KHKT Địa vật lý Việt Nam (VUSTA) liệu đã khiến dư luận hoàn toàn tin cậy?

Theo tường thuật từ buổi nghiệm thu, đây là nghiên cứu phản biện độc lập với sự tham gia của các nhà khoa học ở lĩnh vực địa chất, thủy điện, động lực học. Có thông tin cho hay các nhà khoa học này đã tiếp cận địa bàn ngay từ khi có những trận động đất kích thích xảy ra ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2, năm 2011. Tất nhiên, tinh thần khoa học luôn buộc các tác giả đưa ra dự báo: Để có những kết quả mang tính khẳng định, cần được tiếp tục nghiên cứu thêm.

Mọi sự trấn an hay cảnh báo nguy hiểm liên quan đến công trình thủy điện có sức chứa lên đến 730 triệu mét khối nước như Sông Tranh 2 đều cần thiết, thậm chí cấp thiết. Không cứ “cảnh báo” là lo cuống cuồng, hay “trấn an” thì đã mọi chuyện đã ổn thỏa. Vấn đề đáng quan tâm ở đây là trách nhiệm của nhà khoa học và độ tin cậy từ các kết quả nghiên cứu.

Còn nhớ, tại buổi công bố kết quả khảo sát hôm 12/9, đại diện Vụ Khoa học tự nhiên (Bộ Khoa học - Công nghệ) cho hay đề tài “Nghiên cứu động đất kích thích khu vực hồ chứa thủy điện Sông Tranh” sẽ được triển khai trong thời gian tới với việc lắp đặt 5 trạm quan trắc địa chấn để theo dõi tình hình.

Vậy là về lý thuyết, chúng ta đã không có sự hỗ trợ từ thiết bị liên quan để nghiên cứu, thẩm định, phân tích… một cách chính xác. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do khiến các cơ quan, các nhà khoa học đưa ra những kết luận, dự báo không giống nhau thậm chí trái ngược nhau trong thời gian qua.

Đề cập đến báo cáo về tình hình động đất khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2 và đề xuất biện pháp giảm nhẹ thiệt hại của Hội KHKT Địa vật lý Việt Nam, đại diện VUSTA cho rằng những kết luận này không nhất thiết là quan điểm của VUSTA! Trong điều kiện diễn biến động đất vẫn xảy ra bất thường như hiện nay, bão lũ lại cận kề, sự bất an hiển hiện khắp nơi… thì các nhà khoa học lại cho thấy thiếu sự kết hợp trong tổ chức nghiên cứu, tổ chức hội thảo đánh giá để đưa ra kết luận chung nhất, đáng tin cậy nhất.

Vậy nên, dù là phản biện độc lập của một tổ chức uy tín, thì những cảnh báo mới nhất về Sông Tranh 2 vẫn bị giới hạn của chính sự “độc lập” ấy.

                                                                                                                        Theo nguồn Vusta.vn ngày 09/10/2012
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 5
accessibility Hôm qua: 100
account_circle Trong tháng: 268.747
account_box Trong năm: 20.507
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.827