Nâng cao vai trò giám sát và phản biện xã hội của Hội Phụ nữ

Cập nhật lúc:   15:58:21 - 15/01/2019 Số lượt xem:   2401 Người đăng:   Administrator
Hội LHPN tỉnh giám sát Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tại huyện Đông Hòa - Ảnh: NGỌC QUỲNH Hội LHPN tỉnh giám sát Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tại huyện Đông Hòa - Ảnh: NGỌC QUỲNH
Giám sát và phản biện xã hội (GS-PBXH) là một trong những nhiệm vụ quan trọng giúp Hội LHPN các cấp nâng cao vai trò, vị thế; thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ.
Hội thực hiện tốt công tác này còn tạo điều kiện để các cấp, các ngành kịp thời điều chỉnh, sửa đổi bổ sung hoàn chỉnh những vấn đề thực tiễn đặt ra. Từ đó giúp phụ nữ có cơ hội thụ hưởng các chính sách, đảm bảo bình đẳng giới (BĐG) và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
 
Giám sát các chính sách liên quan đến phụ nữ
 
Thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế GS-PBXH của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; hàng năm, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh xây dựng kế hoạch, thành lập Đoàn giám sát chủ trì giám sát các chính sách có liên quan đến tổ chức Hội và phụ nữ.
 
Năm 2015, Hội LHPN tỉnh tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị định 56/2012/NĐ-CP ngày 16/7/2012 của Chính phủ quy định trách nhiệm của bộ, ngành, UBND các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội LHPN tham gia quản lý nhà nước.
 
Năm 2016, cán bộ Hội tham gia cùng Đoàn HĐND tỉnh giám sát, kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, nhất là quá trình hiệp thương, tỉ lệ phụ nữ trong quy trình giới thiệu, hiệp thương, cơ cấu thành phần ở từng cụm, tổ bầu cử; năm 2017, giám sát Nghị định 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ “Quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số”.
 
Năm 2018, Hội LHPN tỉnh tổ chức giám sát trực tiếp việc thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình và giám sát gián tiếp qua báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố tiêu chí đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
 
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh còn chỉ đạo các cấp Hội chủ động xây dựng kế hoạch chủ trì giám sát và phối hợp với Ủy ban MTTQ cùng cấp tổ chức giám sát một số chính sách thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; về hỗ trợ đất ở cho hộ nghèo; các chính sách trợ giúp xã hội đối với phụ nữ đơn thân nghèo đang nuôi con theo quy định tại khoản 4, Điều 5 Nghị định 136/2013/NĐ-CP, ngày 21/10/2013 của Chính phủ; việc cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ phụ nữ khuyết tật hưởng trợ cấp theo Nghị định 28-NĐ/CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ...
 
Sau các đợt giám sát, Hội LHPN tỉnh đều có báo cáo kết quả giám sát và văn bản kiến nghị gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và được các cơ quan, đơn vị tiếp thu, giải quyết, tổ chức đối thoại, phản biện và trả lời bằng văn bản về một số vấn đề còn tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện chế độ chính sách tại các địa phương, đơn vị.
 
Tích cực góp ý PBXH
 
Thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; thời gian qua các cấp Hội LHPN Phú Yên luôn quan tâm nghiên cứu, căn cứ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn trong quá trình nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến PBXH đối với các dự thảo đề án, kế hoạch, văn bản của các cấp, các ngành đề nghị phản biện và tham gia ý kiến.
 
Những nội dung thường được các cấp Hội quan tâm phản biện như: BĐG trong lao động, việc làm, tỉ lệ và chất lượng nữ lãnh đạo, quản lý; bảo đảm quyền bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của lao động nam và nữ trong công việc và trong gia đình...
 
Các cấp Hội đã tổ chức nhiều hình thức tham gia góp ý văn kiện Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, các dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Giáo dục (sửa đổi), điều chỉnh bổ sung, thay đổi một số nội dung Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2020, kế hoạch triển khai đề án Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2021 và tầm nhìn đến năm 2030.
 
Bên cạnh đó, với vai trò là thành viên các hội đồng, ban chỉ đạo, ban điều hành của tỉnh, lãnh đạo Hội LHPN các cấp đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu tham gia góp ý các dự thảo văn bản, nhiều ý kiến đóng góp xác đáng được tiếp thu, ghi nhận.
 
Có thể nói, công tác GS-PBXH của các cấp Hội LHPN tỉnh trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả nhất định. Qua đó từng bước nâng cao vị trí, vai trò trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của tổ chức Hội. Đồng thời, Hội cũng chủ động nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị các biện pháp, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, gia đình và BĐG.
 
Thời gian tới, các cấp Hội sẽ tích cực đẩy mạnh hiệu quả công tác này để thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho phụ nữ tỉnh nhà.
 
Trần Thị Binh
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh
Nguồn: www.baophuyen.com.vn ngày 15/01/2019
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 53
accessibility Hôm qua: 70
account_circle Trong tháng: 274.889
account_box Trong năm: 23.512
supervisor_account Tổng truy cập: 3.163.832