Bạc Liêu: Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội khởi sắc

Cập nhật lúc:   16:57:51 - 03/01/2018 Số lượt xem:   421 Người đăng:   Administrator
Hội đồng giám định xã hội đi khảo sát thực tế. Hội đồng giám định xã hội đi khảo sát thực tế.
Qua 05 năm tổ chức thực hiện, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp
Qua 05 năm tổ chức thực hiện, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu bước đầu đã mang lại nhiều kết quả khả quan, đóng góp thiết thực, tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh đưa ra các quyết sách đối với các dự án phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng; giúp các ngành, các cấp, có thêm cơ sở, luận cứ khoa học trong quá trình xác định, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các đề án, dự án. 

Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được Liên hiệp Hội thực hiện từ năm 2012 với 12 dự án quan trọng của tỉnh, trong đó hoàn thành 8 dự án. Còn 4 dự án chưa đủ hồ sơ, Liên hiệp Hội đề nghị chuyển sang năm sau như: Dự án “Đầu tư nhà máy xử lý nước thải thành phố Bạc Liêu” do UBND TP. Bạc Liêu làm chủ đầu tư; Dự án “Trường Tiểu học chất lượng cao thành phố Bạc Liêu” do UBND thành phố Bạc Liêu làm chủ đầu tư; Dự án “Xây dựng trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu” do trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu làm chủ đầu tư; Dự án “Đầu tư xây dựng bệnh viện y học cổ truyền” do Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu làm chủ đầu tư.

Nhận được nhiệm vụ, tùy từng lĩnh vực phản biện, Liên hiệp Hội đã tập hợp được một số chuyên gia các ngành trong và ngoài tỉnh tham gia Hội đồng phản biện, với tính chất cá nhân hoặc đại diện. Hội đồng có từ 11 - 15 người, mỗi dự án có Hội đồng phản biện riêng. Thành phần Hội đồng phản biện hầu hết đều là những chuyên gia đầu ngành, có chuyên môn sâu, trong đó có nhiều chuyên gia có học hàm, học vị GSTSKH, GSTS, TSKH, TS chuyên ngành, Thạc sĩ chuyên ngành,v.v... Qua đó vai trò, trách nhiệm của Liên hiệp Hội được các cấp, ngành nhìn nhận tích cực hơn.

Mỗi nhiệm vụ phản biện, sau khi nghiên cứu hồ sơ, Liên hiệp Hội đều tổ chức cho các chuyên gia trong Hội đồng phản biện khảo sát thực địa, nắm bắt tình hình thực tế, sau đó tổ chức các cuộc hội thảo khoa học để có xem xét, đánh giá. Căn cứ vào kết quả nhận xét đánh giá của Hội đồng phản biện, Liên hiệp Hội tổng hợp, đúc kết trình kết quả hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đến UBND tỉnh xem xét, quyết định.
 

Trong 12 nhiệm vụ, có 04 nhiệm vụ giám định xã hội, đối với các nhiệm vụ cần có kết quả kiểm định về các chỉ tiêu chất lượng & thông số kỹ thuật, Liên hiệp Hội đều mời hoặc thuê các đơn vị kiểm định uy tín trong nước thực hiện. Đặc biệt tất cả các nhiệm vụ giám định xã hội đều được Liên hiệp Hội cử đội ngũ nhân viên thực hiện điều tra xã hội tất cả các đối tượng thụ hưởng và có liên quan, từ đó có những đánh giá về tình hình an sinh xã hội một cách chuẩn xác.

 
Liên hiệp Hội Bạc Liêu thuê đơn vị kiểm định chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật.
Ngày 28/5/2015, Liên hiệp Hội Bạc Liêu tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội của tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Liên hiệp Hội Bạc Liêu và các hội thành viên tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội các chương trình, đề tài, dự án của tỉnh. Theo Quy chế hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội do UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành thì phạm vi hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Bạc Liêu và các hội thành viên tập trung vào một số lĩnh vực như: các chính sách, chương trình, dự án, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển liên quan đến giáo dục - đào tạo, y tế, phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học và công nghệ, các chính sách có liên quan đến môi trường, an sinh xã hội.

Hoạt động tư vấn, phản biện, giám định của Liên hiệp Hội Bạc Liêu thời gian qua hầu hết chỉ thực hiện ở 02 hình thức phản biện và giám định. Quy mô phản biện được thực hiện thông qua hình thức hội thảo, chưa thực hiện ở mức độ góp ý, chia sẻ thông tin, cũng như thực hiện phản biện bằng hình thức dự án, đề án. Nội dung phản biện có tính bao quát từ căn cứ pháp lý, mục tiêu, quy mô, quá trình tổ chức thực hiện, sự tác động đến đời sống xã hội…, kết quả phản biện thể hiện bằng các báo cáo hội đồng, mức chi cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được thực hiện theo Thông tư số 11/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Hoạt động này được UBND tỉnh, các sở ngành liên quan, các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn đánh giá cao. Các báo cáo kết quả tư vấn, phản biện và giám định xã hội đều được tiếp nhận trân trọng và xử lý hiệu quả.

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, hoạt động này còn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Khó khăn nhất là việc mời gọi các chuyên gia tham gia Hội đồng phản biện nhất là chuyên gia giỏi ở ngoài tỉnh, chuyên gia cao cấp, chuyên gia có học hàm học vị của TW tham gia. Định mức chi cho hoạt động này còn quá ít không đủ thu hút chuyên gia. Ngoài ra, điều kiện làm việc, trang thiết bị của Liên hiệp Hội còn rất hạn hẹp, thiếu ô tô đưa đón chuyên gia, phòng họp thiếu tiện nghi, thiếu không gian làm việc, thiếu điều kiện về tư liệu, phương tiện thực địa, tra cứu thông tin để các chuyên gia nghiên cứu, tham khảo, ít nhiều đã làm ảnh hưởng chất lượng tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Để nâng cao năng lực tư vấn, phản biện và giám định xã hội, chúng tôi có ý kiến đề xuất như sau:

1. Đề nghị Liên hiệp Hội Việt Nam hàng năm cần tổ chức các hội nghị tập huấn, hướng dẫn để các Liên hiệp Hội các tỉnh, thành phố có điều kiện được tiếp thu, nắm bắt, cập nhật kịp thời những thông tin mới nhất và trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay về công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhằm không ngừng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ về tư vấn, phản biện và giám định xã hội cho các Liên hiệp hội địa phương.

2. Bổ sung, chỉnh sửa Thông tư số 11/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính nâng mức hỗ trợ kinh phí chi cho hoạt động Tư vấn, phản biện, giám định xã hội đáp ứng tình hình thực tế.

3. Liên hiệp Hội Việt Nam thường xuyên tổ chức, chỉ đạo sơ kết, tổng kết, điển hình, rút kinh nghiệm trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

4. Tỉnh cần có cơ chế, chính sách thu hút đối với đội ngũ chuyên gia làm công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội, nhất là các chuyên gia cao cấp, chuyên gia có học hàm học vị để họ tích cực, sốt sắn về địa phương làm việc.

5. Hiện nay còn một số ngành, địa phương còn chưa quan tâm, nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các đề tài, dự án, đề án. Do đó, đề nghị UBND tỉnh quán triệt đưa hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội thành quy định bắt buộc đối với các chương trình, đề án, dự án trọng tâm, trọng điểm của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi, tính hiệu quả của các chương trình, đề án, dự án được triển khai, thực hiện trên địa bàn tỉnh. 
Link 
Nguồn: vusta.vn ngày 06/02/2017
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 33
accessibility Hôm qua: 85
account_circle Trong tháng: 274.799
account_box Trong năm: 23.422
supervisor_account Tổng truy cập: 3.163.742