Kỷ niệm những năm tháng viết báo

Cập nhật lúc:   17:28:38 - 04/01/2018 Số lượt xem:   2531 Người đăng:   Administrator
Nhà báo Phùng Hoàng Anh. Ảnh: CTV Nhà báo Phùng Hoàng Anh. Ảnh: CTV
Là một người ham đọc sách từ bé, đêm đêm nằm ngủ cùng bố, tôi chứng kiến đêm nào cha cũng chong đèn đọc sách. Những cuốn sách cũ bố đọc đó, giờ tôi vẫn lưu giữ trong các tủ sách gia đình
Cập nhật ngày: 20/06/2017


PHÙNG HOÀNG ANH

Là một người ham đọc sách từ bé, đêm đêm nằm ngủ cùng bố, tôi chứng kiến đêm nào cha cũng chong đèn đọc sách. Những cuốn sách cũ bố đọc đó, giờ tôi vẫn lưu giữ trong các tủ sách gia đình như là những bảo vật và kỷ niệm một thời. Thói quen đọc sách đã ngấm dần vào tôi từ đó. Lớn lên, tôi lại sớm được tiếp cận với kho sách của bố, dần dần tôi cứ như con mọt sách, rảnh rỗi lúc nào là đọc, cứ thế nhẩn nha đọc hết cuốn này tới cuốn khác… 

Tốt nghiệp cấp 3, tôi vào học khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) kể từ đó thói quen đọc sách đã ngấm vào tôi thật sâu và từ rất lâu. Một phần đọc để học, phần nữa đọc để mở rộng hiểu biết tri thức của nhân loại. Lúc còn là sinh viên, tôi thường dành dụm tiền để mua sách, phục vụ cho việc học, mở rộng và khám phá tri thức. Kể từ lúc là sinh viên, tôi cũng bắt đầu tập tọe viết báo, gửi đi các tòa soạn theo đường bưu điện. Viết xong, gập bài viết làm tư, cho vào phong thư, rồi đi ra bưu điện mua tem dán vào bì thư, rồi thả phong thư bài viết vào thùng thư, rồi chờ đợi cái tên mình được in trên báo, chữ nhỏ ở mục Hộp thư cộng tác viên… Rồi chờ tới khi được báo đăng bài, cảm xúc khi ấy vui mừng, phấn chấn và làm cho tôi có thêm động lực để say mê viết và cộng tác với các báo cho tới tận bây giờ.

Sau này, tôi viết báo như là một thú vui tao nhã, viết để học, học để viết. Từ đó, tôi chọn cho mình một nghề kiếm sống, cốt nuôi được bản thân và gia đình, sau giờ làm của một viên chức nhà nước, có thì giờ rảnh rỗi tôi lại đọc sách và viết báo. Tôi cộng tác với nhiều tờ báo, từ báo Tỉnh tới báo Trung ương, từ miền cao nguyên Đăk Lắk, Gia Lai, Phú Yên tới các trung tâm lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các báo tôi cộng tác như báo Giáo dục và Thời đại, báo Khoa học và Đời sống, báo Du Lịch, báo Phụ nữ Việt Nam, báo Hà Nội mới, báo Sài Gòn giải phóng… Các Tạp chí Thế giới mới, Tạp chí Văn hiến, Tạp chí Nguồn sáng dân gian, Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ,… Tạp chí Văn nghệ địa phương như Nâm Nung, Gia Lai, Tản Viên Sơn… Các bài báo tôi thường viết chuyên về mảng Văn hóa, đó là các bài nghiên cứu, giới thiệu về Văn hóa làng xã, các làng Văn hiến thi thư, các món ẩm thực, các danh nhân của nhiều vùng miền, các bài Tản văn nhằm giới thiệu đến với độc giả cả nước, giúp bạn đọc có thêm những thông tin, hiểu biết về vùng, miền của nước ta nơi mà tôi đã từng đặt chân tới như Trà Cổ - Móng Cái, Đồ Sơn – Hải Phòng, Sầm Sơn – Thanh Hóa, Cửa Lò – Nghệ An, Mũi Nai – Kiên Giang, Châu Đốc – Núi Sam – An Giang…, nơi nào cũng có nhiều người tài giỏi được biên chép trong sử sách, giai thoại dân gian và cả những con người thành danh thời hiện tại. Những ngôi làng có truyền thống khoa bảng và văn học mà tôi có dịp giới thiệu với bạn đọc như làng Khê Thượng – Sơn Đà, quê hương của thi sĩ Tản Đà, Ngô Quân Miện; làng Cổ Đô, xã Cổ Đô, với nhiều vị tiến sỹ như Lưỡng Quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh từng đi sứ nhà Minh, hay Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân dưới thời Lê – Trịnh, làng Cổ Đô còn được gọi là Làng Họa sỹ với những tên tuổi lớn ghi danh trong nền Mỹ Thuật nước nhà như họa sỹ Sỹ Tốt, họa sỹ Trần Hòa, họa sỹ Giang Khích... Làng Mai Trai xã Vạn Thắng, với dòng họ Lê nhiều đời Khoa bảng, tiêu biểu là Tiến sỹ, Thượng thư, Tham tụng Lê Anh Tuấn làm quan trải các thời Chúa Trịnh Cương và Trịnh Giang, ông là bố nuôi của nữ sỹ Đoàn Thị Điểm, sau này bị chúa Trịnh Giang bức tử… Các làng trên đều thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Rồi tới các làng Cam Lâm, nơi sinh ra “Một ấp hai Vua: Phùng Hưng và Ngô Quyền”, làng Mông Phụ cùng xã Đường Lâm thị xã Sơn Tây với nhiều danh nhân như Thám hoa Giang Văn Minh, Phó thủ tướng Phan Kế Toại trong chính phủ cụ Hồ, trước đây từng làm Khâm sai đại thần triều Nguyễn, Bộ trưởng Thủy lợi Hà Kế Tấn, họa sỹ Phan Kế An… hay làng bên – Đông Sàng cùng xã có di tích nổi tiếng Chùa Mía, có thờ tượng bà Nguyễn Thị Ngọc Dong vợ chúa Trịnh, cụ Phó bảng Kiều Oánh Mậu, người có bản dịch Truyện Kiều nổi tiếng. Năm 2006 được Nhà nước công nhận là Làng cổ đầu tiên của Việt Nam, cùng với Phố cổ Hội An tạo nên những điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, trong những chuyến đi chơi, thăm bạn bè hoặc công tác, tôi có dịp tìm hiểu về nhiều vùng đất, tìm hiểu tư liệu, hỏi han các cụ già trong các thôn bản rồi về viết bài, gửi đăng báo mục Những làng xã Việt Nam nổi tiếng đăng trên Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam như làng Cát Động thị trấn Kim Bài, quê tổ của nhà văn Tô Hoài, nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo, các tiến sỹ thời phong kiến như Hà Tông Quyền… Làng Đôn Thư xã Kim Thư cùng huyện Thanh Oai, Hà Nội có Tiến sỹ Vũ Công Trấn... Có thể kể ra đây rất nhiều những bài báo như trên, vì khuôn khổ bài báo, tôi chỉ kể ví dụ để bạn đọc hình dung ra những bài báo mà tôi đã từng viết và đăng báo.

Nghề viết đòi hỏi người viết phải yêu nghề mới có thể duy trì được lâu, vì mỗi bài báo được đăng, nhuận bút chẳng đáng là bao, nhưng niềm vui lớn nhất là có thêm độc giả biết đến mình, cho mình thêm những niềm vui về tinh thần qua giao lưu, có thêm bạn viết khắp trong Nam, ngoài Bắc. Chính những người bạn viết được biết sau những trang viết ấy là niềm vui, niềm cổ vũ lớn lao cho những đam mê này. Nhờ vào công việc viết báo, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian mà tôi có vinh dự và đã được Kết nạp vào Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cùng với Tổng Biên tập Tạp chí Trí thức Phú Yên - Thạc sỹ Nguyễn Hoài Sơn – một người con đất Tổ, nhưng lập nghiệp và cống hiến cho mảnh đất Phú Yên này. Cách đây ít năm, tôi gặp anh trong một buổi Lễ vinh danh trang trọng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám do Tạp chí Trí thức và Phát triển tổ chức, anh cùng đồng nghiệp ra thủ đô Hà Nội nhận Danh hiệu Vinh danh Trí thức tiêu biểu “Vì sự nghiệp Phát triển cộng đồng”, tôi và nhà báo Hoàng Hà Thế nhận đồng giải Ba của cuộc thi viết Trí thức tiêu biểu Vì sự nghiệp phát triển cộng đồng tại Văn Miếu – Hà Nội. Từ đây, tôi có thêm những người đồng nghiệp làm báo ở Phú Yên, chính họ là những chiếc cầu nối giữa những bài báo của tôi đến với độc giả Phú Yên. Qua Tạp chí Trí thức Phú Yên đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích và giúp tôi hiểu thêm về một vùng đất trù phú, sự phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục của một tỉnh ở miền Trung Tây Nguyên. Từ đó, tiếp thêm cho tôi tình yêu đất và người Phú Yên, càng thêm yêu quý dải đất Việt Nam cong cong hình chữ S, dáng hình giống như chiếc đàn bầu, như hình cánh cung dương lên giữa vùng biển trời bao la, xanh ngắt màu nước biển Đông mà đất Phú Yên là một phần tiếp giáp ấy. Thân thương lắm, đất và người Phú Yên. Nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 (1925-2017) là người viết được cộng tác với Tạp chí Trí thức Phú Yên, xin gửi tới các bạn đồng nghiệp, quý độc giả của Tạp chí lời chúc Sức khỏe – Hạnh phúc và Thành công 
Link 
Hà Nội, những ngày tháng 6, năm 2017 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 104
accessibility Hôm qua: 92
account_circle Trong tháng: 275.350
account_box Trong năm: 23.973
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.293