Làm thế nào để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động GS, PBXH theo Quyết định 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị là nội dung quan trọng của hội thảo chuyên đề về công tác này vừa được Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp tổ chức, thu hút nhiều ý kiến của các đại biểu tham dự.
Nhiệm vụ khó, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cấp, ngành
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Đinh Thị Thu Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, qua 10 năm thực hiện Quyết định 217, hoạt động GS, PBXH của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã từng bước đi vào nền nếp; nội dung, phương thức ngày càng có sự đổi mới, hướng trọng tâm vào những vấn đề Nhân dân quan tâm, có liên quan mật thiết đến đời sống người dân. Thông qua hoạt động GS, PBXH, chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng được thể hiện rõ nét, góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện dân chủ, tăng đồng thuận xã hội, niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy, việc thực hiện Quyết định 217 ở một số địa phương, lãnh đạo MTTQ chưa thể hiện được bản lĩnh dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm… Càng xuống cấp dưới, công tác GS, PBXH càng khó khăn, lúng túng; chưa có nhiều phát hiện sau giám sát mà mới chỉ dừng ở nêu ý kiến. Trong đó, nhiều kiến nghị còn chung chung, không nêu rõ cơ quan thực hiện, giải quyết kiến nghị, chưa có cơ sở đánh giá, theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân…
Hiện nay, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong việc phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công tác GS, PBXH ngày càng cao hơn, nhất là trong bối cảnh có nhiều văn bản quy định về GS, PBXH trong tình hình mới được ban hành. Đồng chí Đinh Thị Thu Thanh cho rằng, đây là một nhiệm vụ khó, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cấp, ngành và cần có sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm cao của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.
|
Người dân tham gia ý kiến tại hội nghị phản biện xã hội dự thảo Quyết định ban hành quy chế quản lý kiến trúc đô thị TX Đông Hòa. Ảnh: THÚY HẰNG |
Cần đi vào chiều sâu, phát huy hiệu quả thiết thực
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội trong thời gian tới, tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, các đại biểu cũng đã đề xuất bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới và phát huy hiệu quả hơn nữa công tác giám sát và phản biện xã hội.
Dước góc nhìn của mình, ông Phan Xuân Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phải lựa chọn đa dạng các hình thức GS, PBXH phù hợp với điều kiện thực tế; phát huy tính công khai, minh bạch, đặc biệt là nắm bắt dư luận, tập hợp được ý kiến, kiến nghị của hội viên, Nhân dân trong hoạt động GS, PBXH.
Ông Nguyễn Lương Sinh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Tuy Hòa đề xuất MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đặc biệt đối với lĩnh vực đất đai, quy hoạch, đền bù giải tỏa mặt bằng... Các vụ việc mà MTTQ đã kiến nghị phải được giám sát quá trình giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền để góp phần xây dựng chính quyền, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
|
Theo bà Trần Thị Vân Anh, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ tỉnh, đơn vị có vai trò tham mưu cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh thực hiện nhiệm vụ GS, PBXH, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch, xác định rõ nội dung, hình thức GS, PBXH, một yếu tố rất quan trọng quyết định chất lượng các ý kiến PBXH là phải có đội ngũ chuyên gia. Hiện nay, các chuyên gia tham gia công tác này chưa nhiều, chưa đa dạng ở các lĩnh vực. Trong đó, một trong những nguyên nhân chưa thu hút được chuyên gia là do kinh phí hỗ trợ chưa tương xứng khi các chuyên gia, nhà khoa học tham gia hoạt động GS, PBXH.
Từ những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện công tác GS, PBXH, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh yêu cầu MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức GS, PBXH theo hướng chủ động, thực hiện sớm, từ cơ sở, dân chủ, khách quan, mang tính xây dựng; có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng giám sát theo chuyên đề, tập trung vào những chủ trương, chính sách lớn, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc... Công khai, minh bạch kết quả giám sát, phản biện xã hội theo quy định.
“Qua tham vấn những vấn đề về lý luận, kinh nghiệm thực tế và những khó khăn của các đơn vị và địa phương trình bày tại hội thảo, thời gian tới, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tiếp tục đề xuất nhiệm vụ, lập kế hoạch về công tác GS, PBXH để đảm bảo công tác này có hiệu quả cao hơn”, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn nói.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Đinh Thị Thu Thanh đánh giá cao những ý kiến tham luận, ghi nhận các ý kiến đề xuất, kiến nghị của các đại biểu, đồng thời nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị. Theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Quyết định 217 đã làm phong phú hơn hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp, khi phát huy quyền GS, PBXH của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân. Có thể nói, đây là cơ sở chính trị quan trọng để MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện quyền, trách nhiệm GS, PBXH, qua đó góp phần phản ánh tâm tư, thái độ, nguyện vọng của quần chúng nhân dân đối với những chủ trương, đường lối của Đảng; về kết quả hành động, thái độ ứng xử của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị. Việc các địa phương thực hiện tốt quyết định trên sẽ góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao đời sống của người dân.