Phản biện xã hội để tạo sự đồng thuận trong nhân dân

Cập nhật lúc:   09:03:29 - 25/03/2024 Số lượt xem:   681 Người đăng:   Admin
Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn (bìa phải) cùng các chuyên gia tư vấn phản biện xã hội và lãnh đạo huyện Tuy An trao đổi với người dân xã An Hòa Hải (huyện Tuy An). Ảnh: THÚY HẰNG Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn (bìa phải) cùng các chuyên gia tư vấn phản biện xã hội và lãnh đạo huyện Tuy An trao đổi với người dân xã An Hòa Hải (huyện Tuy An). Ảnh: THÚY HẰNG
Tuyến đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên, đoạn kết nối huyện Tuy An - TP Tuy Hòa (giai đoạn 1) đi qua địa bàn 5 xã, gồm An Phú (TP Tuy Hòa), An Ninh Đông, An Hòa Hải, An Mỹ, An Chấn (huyện Tuy An) có chiều dài tuyến hơn 14km. Dự kiến diện tích đất bị thu hồi phục vụ dự án hơn 82ha; khoảng 1.500 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng từ dự án. 
Để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, Ủy ban MTTQ tỉnh vừa tổ chức hội nghị phản biện xã hội tại các xã chịu ảnh hưởng bởi dự án này để người dân tham gia góp ý kiến. 
Lắng nghe phản ánh của dân 
Đây là dự án trọng điểm của tỉnh, góp phần hoàn chỉnh tuyến đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên, đảm bảo quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tương xứng định hướng phát triển tuyến đường bộ ven biển Việt Nam (Quyết định 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ). 
Đây cũng là trục giao thông chính kết nối giao thông liên vùng, gắn kết các chùm đô thị, khu công nghiệp, khu dự án lớn với hệ thống cảng biển, sân bay và kết nối các loại hình giao thông khác; tạo điều kiện thuận lợi trong việc khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên biển và vùng ven biển, tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước, an sinh xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của khu vực nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng. Vì vậy, tại các hội nghị phản biện tổ chức tại xã, người dân 5 xã mà dự án đi qua đều đồng tình, nhất trícao khi tỉnh thực hiện dự án này. 
Tuy nhiên, do tuyến đường đi qua nhiều khu dân cư, đất sản xuất, đường dân sinh, địa hình không đồng đều (nơi cao, nơi trũng)… nên người dân các xã đề nghị chủ đầu tư hạn chế đến mức thấp nhất việc ảnh hưởng đến đất ở và đất sản xuất. 
An Hòa Hải là xã có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng nhất bởi tuyến đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên, đoạn kết nối huyện Tuy An - TP Tuy Hòa (giai đoạn 1) với hơn 520 hộ, gần 700 thửa, 45ha đất bị thu hồi. Tại hội nghị phản biện xã hội, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đã thông tin đến người dân về sự cần thiết của dự án cũng như những tác động của dự án đến đời sống bà con. 16 ý kiến tham gia phản biện xã hội của người dân nơi đây phần lớn tập trung vào công tác giải tỏa, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp cho những hộ dân bị giải tỏa nhà, mất đất sản xuất... 
Ông Bùi Văn Đủ ở thôn Đồng Môn, xã An Hòa Hải nêu: Người dân chúng tôi ủng hộ cao việc tỉnh thực hiện Dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh. Chúng tôi chỉ mong muốn trong quá trình triển khai dự án, Nhà nước cần xem xét hỗ trợ, đền bù cho người dân có đất nằm trọn trong dự án để bà con ổn định cuộc sống. 
Chẳng hạn đối với các hộ dân đã quen mưu sinh, kiếm sống bằng nghề kinh doanh, buôn bán thì khi di dời đến nơi ở mới cần bố tríở những khu vực thuận lợi về giao thông, đông dân cư để họ tiếp tục kinh doanh, buôn bán. 
Người dân sinh sống bằng các nghề có tính truyền thống gia đình (mưu sinh ven đầm, nuôi trồng thủy hải sản) hay chăn nuôi, trồng trọt cũng cần bố trí tái định cư phù hợp, tránh tình trạng bố trí không hợp lý, theo kiểu người ở vùng chăn nuôi, trồng trọt sang tái định cư vùng ven biển thì không thể duy trì sinh kế. 
Theo quy hoạch của dự án, khoảng 170 hộ dân ở 2 thôn Chính Nghĩa, Xuân Dục (TP Tuy Hòa) bị ảnh hưởng nhà ở, đất sản xuất nên các ý kiến tại hội nghị phản biện xã hội tại đây tập trung vào việc quy hoạch tuyến đường, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. 
Ông Nguyễn Ngọc Diệp, Trưởng thôn Xuân Dục, xã An Phú (TP Tuy Hòa) nêu: “Toàn thôn Xuân Dục có khoảng 25 hộ dân bị ảnh hưởng nhà ở, trong khi nếu tuyến đường chạy thẳng phía cánh đồng thì sẽ không ảnh hưởng nhà ở của dân, đường lại đẹp không bị cong. Chúng tôi không hiểu tại sao đường lại bị cong ngay tại địa bàn thôn làm ảnh hưởng đến nhà ở của dân, đề nghị các đơn vị xem xét lại chỗ này”. 
Thực tế cho thấy, thu hồi đất là một trong những vấn đề nóng, gây nhiều bức xúc, tranh chấp khiếu kiện nhất hiện nay. Vì vậy, bà con các xã bị ảnh hưởng bởi dự án đề nghị, việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cần triển khai trước khi có quyết định thu hồi đất và cần được thực hiện một cách công khai, có giám sát theo đúng quy định về giá, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân. Đồng thời, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất cũng phải bảo đảm khách quan, dân chủ, kịp thời, nhằm tránh xảy ra các tranh chấp dai dẳng kéo dài...
Ông Trần Ngọc Chân 80 tuổi, ở thôn Xuân Dục, xã An Phú (TP Tuy Hòa) bày tỏ nỗi niềm khi gia đình bị trúng toàn bộ nhà và đất sản xuất bởi tuyến đường đi qua. Ảnh: THÚY HẰNG

Thực thi dân chủ 
Có mặt tại hội nghị phản biện ở xã An Hòa Hải, ông Huỳnh Gia Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Tuy An đã lắng nghe, ghi nhận và chia sẻ một số thắc mắc của người dân liên quan đến trách nhiệm của lãnh đạo huyện Tuy An. 
Ông Hoàng cho rằng phản biện xã hội lấy ý kiến của người dân về tính cần thiết, cấp thiết của dự án, về sự đồng thuận hay không đồng thuận cũng như nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đối với các xã trên địa bàn huyện có dự án đi qua, UBND huyện Tuy An sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư. 
Địa phương cũng nắm chắc từng đối tượng, từng hộ gia đình liên quan tới giải phóng mặt bằng cũng như hỗ trợ tái định cư để phân công chi bộ, mặt trận và các đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân tự giác thực hiện vì lợi ích chung của tỉnh. 
Muốn đạt được sự đồng thuận thì phải có đối thoại, tranh luận trong xã hội. Phản biện không phải là phản đối, phản bác quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách mà là đưa ra những cách hiểu đúng, những giải pháp hiệu quả mang tính thuyết phục. 
Đây cũng là một phương thức thực thi dân chủđể các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý kiến, thảo luận, kiến nghị những nội dung, giải pháp vào những dự thảo văn bản, nghị quyết, chính sách, pháp luật, quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước. Tuyến đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên là dự án trọng điểm của tỉnh nên Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức phản biện xã hội tại các xã mà tuyến đường đi qua nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội. 
Tất cả ý kiến góp ý từ các chuyên gia, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và Nhân dân được Ủy ban MTTQ tỉnh tổng hợp để chuyển đến các cơ quan có liên quan để góp phần hoàn thiện dự án, đảm bảo quyền và lợi ích của Nhân dân. 
Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn cho hay: Hiện thực hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, công tác phản biện xã hội trong nhiều năm qua đã trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm của MTTQ. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội, chọn những vấn đề nổi cộm, thiết thực mà Nhân dân quan tâm để tiến hành giám sát, phản biện. 
Hoạt động này đã tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, các chủtrương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của đất nước và địa phương, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với cấp ủy, chính quyền; xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.  
 
Sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương cũng như các đơn vị liên quan đang cho thấy quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị với Dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên, đoạn kết nối huyện Tuy An - TP Tuy Hòa (giai đoạn 1). Bước đầu, các tầng lớp nhân dân có dự án đi qua đã đồng thuận, do nhận thức được tầm quan trọng của tuyến đường.
 
Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn,
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh
THÚY HNG
Nguồn: Báo Phú Yên

 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 41
accessibility Hôm qua: 74
account_circle Trong tháng: 258.903
account_box Trong năm: 1.236
supervisor_account Tổng truy cập: 3.185.608