Hội thành viên Hội thành viên

Xoài tượng tiến vua ở Phú Yên: Cần được nghiên cứu nhân giống và bảo tồn

Cập nhật lúc:   09:07:02 - 15/06/2020 Số lượt xem:   2680 Người đăng:   Administrator
Cụm 20 cây xoài hơn 220 năm tuổi ở chùa Đá Trắng được Hội đồng Cây di sản Việt Nam công nhận là Cây di sản vào năm 2013. Ảnh: MINH NGUYỆT Cụm 20 cây xoài hơn 220 năm tuổi ở chùa Đá Trắng được Hội đồng Cây di sản Việt Nam công nhận là Cây di sản vào năm 2013. Ảnh: MINH NGUYỆT
Theo sách Đại Nam thực lục, chính sử của triều Nguyễn còn ghi chép lại, mảnh đất Phú Yên là nơi có giống xoài tượng quả to, vị ngọt và thơm được dùng để tiến vua nhà Nguyễn trong những dịp lễ Tết. Đó chính là những cây xoài còn nằm trong khuôn viên chùa Đá Trắng đã có tuổi đời trên hai thế kỷ, những cây xoài này ngày nay đã già cỗi và ít đậu quả, do đó cần phải nghiên cứu nhân giống để bảo tồn giống xoài quý này.
Khi nghiên cứu về Mộc bản triều Nguyễn ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Đà Lạt và những tư liệu Hán Nôm ở Phú Yên, chúng tôi phát hiện những ghi chép của chính sử đối với quả xoài tượng ở Phú Yên chuyên dùng để tiến vua và được dùng để làm lễ vật cúng trong các ngày lễ Tết, đặc biệt là Tết Vạn thọ và Tết Đoan dương. 
Dưới triều vua Minh Mạng, triều đình có quy định các phẩm vật dâng cúng trong các ngày lễ Tết. Theo đó, tỉnh Phú Yên hàng năm được yêu cầu dâng lên vua từ 1.000 đến 2.000 quả. Sách Đại Nam thực lục cho biết, vào ngày Tết Đoan dương (tức Tết Đoan ngọ năm Minh Mạng năm thứ 15 [1834], vua Minh Mạng chuẩn cho tỉnh Phú Yên được vận chuyển xoài tượng theo đường Thủy: Tiết Đoan dương. Lệ trước, hằng năm cứ đến tiết “Vạn thọ và tiết Đoan dương, đều dâng của mới. Các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên hái tiến xoài tượng, là của thổ ngơi các hạt ấy, do đường bộ đem dâng. Vua nghĩ: đệ theo đường ngựa trạm như thế vất vả, nhọc nhằn. Chuẩn cho: Từ nay, đến kỳ tiến, tỉnh Quảng Nam gần kinh kỳ vẫn theo lệ cũ, còn Bình Định và Phú Yên thì cho đi đường thủy để đỡ sức người”. 
Về chất lượng của quả xoài thì được mẹ của vua Thiệu Trị rất khen và hài lòng, ấy thế mà vua nói những thứ quả khác của miền Bắc như vải hay nhãn thì không thể sánh kịp. Hơn nữa quả xoài hình thù tựa như đào tiên, lại có thể ứng với tuổi thọ, nên là thứ quả được dâng lên để mừng thọ. Đại Nam thực lục cho biết:“Trước hôm tiết Thánh thọ 3 ngày, vua thân đến cung Từ Thọ, mừng sức khoẻ và hầu tiệc yến. Theo lệ trước, đến ngày khánh tiết, các địa phương đem phẩm vật ở địa phương mình vào dâng. Năm ấy, các quan tỉnh Phú Yên Lê Quốc Trinh và Nguyễn Văn Lý đưa dâng quả xoài. Vua nói: “Đào tiên dâng tuổi thọ, là thứ quả ứng điềm tốt! Xưa nay các thứ quả ở Bắc Kỳ, cho vải là thứ nhất, nhãn là thứ nhì; đến như xoài thì hình trạng giống quả đào, vị nó ngọt và thơm, vải và nhãn không thể sánh kịp. Ngày khánh tiết, được thứ quả quý này cũng là ít có!”. Vua liền thân bưng xoài dâng lên. Thánh từ khen và bằng lòng”. 
Cũng vào năm Minh Mạng năm thứ 16 [1835] nhân dịp Tết Đoan dương vì vận chuyển đến bị trễ nên quan tỉnh ấy bị trách phạt 3 tháng lương. Kể từ đây, lệnh cúng tiến quả xoài đã được triều đình ban hành và giao cho tỉnh Phú Yên đảm nhiệm, bất kể là ngày Tết hay ngày thường nếu xoài chín thì vận chuyển vào cung với định lệ 600 quả, còn gặp lúc còn xanh thì đợi Tết Đoan dương mang vào sau. “Tiết Đoan dương. Ngày hôm ấy, tỉnh Phú Yên kính dâng sản vật thổ ngơi là 1.000 quả xoài tượng. Chiều hôm mới đến không kịp dâng tiến. Lại dâng 1.000 quả vào lễ Thường tân, đều do đường bộ tải đến, làm nhọc chạy trạm hơn nữa. (Theo lệ vận tải phải đi đường thủy). Bèn phạt quan tỉnh 3 tháng lương. Sắc cho từ nay, hằng năm, gặp tiết Vạn thọ, nếu xoài tượng đã chín già rồi, thì chuẩn cho chuyển đệ bằng đường bộ, hạn 600 quả; nếu còn xanh và non thì đợi đến tiết Đoan dương đem đến đủ số, không nên cống bù vào lần khác. Đến như dâng của mới vào ngày thường thì do đường thủy vận tải, một chuyến 1.000 quả hoặc 2.000 quả cũng được. Việc này được ghi làm lệnh”. 
Qua những ghi chép của chính sử, có thể nhận thấy triều Nguyễn rất coi trọng quả xoài tượng này. Hơn nữa, nó là đặc sản quý hiếm của địa phương được sánh ngang với quả đào tiên, biểu tượng cho điềm lành, may mắn và trường cửu. Chẳng thế mà ngày nay những cây xoài với hơn 200 năm tuổi vẫn còn sánh cùng tuế nguyệt và tỏa bóng mát xuống sân chùa để cho bao nhiêu con người đến vãn cảnh chùa được chiêm ngưỡng cây di sản. 
Ngày nay, những cây xoài đã được xếp hạng là cây di sản, không những về tuổi thọ lâu dài, mà quan trọng hơn là cần phải nghiên cứu, nhân giống để gìn giữ bộ gen của cây quý, sau đó tiến hành nhân giống đại trà và đem trồng rộng rãi, góp phần đưa cây xoài tượng Phú Yên trở về thời hoàng kim của nó.
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 50
accessibility Hôm qua: 179
account_circle Trong tháng: 267.682
account_box Trong năm: 19.442
supervisor_account Tổng truy cập: 3.159.762