Cầu nối đưa tiến bộ kỹ thuật vào đời sống

Cập nhật lúc:   16:01:12 - 25/03/2019 Số lượt xem:   807 Người đăng:   Administrator
Nông dân phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng hoa và rau, mang lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: PV Nông dân phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng hoa và rau, mang lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: PV
Việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã và đang góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích sản xuất, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.
Đảm nhiệm vai trò đầu mối chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phát triển các hoạt động dịch vụ khoa học công nghệ (KH-CN), Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (gọi tắt là trung tâm) đã phối hợp tốt với các ngành liên quan để đưa tiến bộ kỹ thuật đến người dân.
 
Phối hợp tốt
 
Theo ông Lê Văn Cựu, Giám đốc Sở KH-CN, năm 2018, một trong những hoạt động nổi bật của Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ là đã làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng kỹ thuật tiến bộ, phát triển các hoạt động dịch vụ KH-CN… tạo động lực phát triển kinh tế địa phương.
 
Cụ thể, năm vừa qua, trung tâm đã hợp tác, phát triển lĩnh vực KH-CN với Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa; ký kết hợp tác với Khu du lịch Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) để giới thiệu và quảng bá các sản phẩm KH-CN của tỉnh Phú Yên; ký kết với Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp Sông Hàn, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, Hội Doanh nghiệp tỉnh để triển khai chương trình ươm tạo doanh nghiệp KH-CN, kết nối thị trường và đầu tư doanh nghiệp KH-CN.
 
Ngoài ra, trung tâm cũng đã mở 20 lớp tập huấn, phổ biến tiến bộ KH-CN cho 1.025 lượt người ở 9 huyện, thị xã, thành phố; tuyên truyền, phổ biến 8 tiến bộ kỹ thuật về trồng chuối cấy mô, trồng dưa lưới trong nhà màng, trồng và nhân giống keo lai, trồng nấm ăn và nấm dược liệu, trồng hoa lily và hoa cúc, trồng cây ba kích tím và trồng cây sa nhân tím dưới tán rừng, trồng cây dược liệu cà gai leo; triển khai xây dựng các mô hình trình diễn các giống cây trồng, vật nuôi mới, các giải pháp canh tác mới… nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân, hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả và bền vững.
 
Đánh giá cao những kết quả đạt được từ công tác phối hợp, ông Lưu Dũng Hà, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Tuy Hòa, cho biết: “Trung tâm đã phối hợp tốt với Hội Nông dân thành phố trong việc phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật đến người dân, qua đó giúp cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua những hoạt động này, nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cũng như phương pháp thâm canh mới đã được bà con nông dân tiếp nhận và ứng dụng vào sản xuất”.
 
Đưa tiến bộ kỹ thuật vào đời sống
 
Từ những nỗ lực chuyển giao công nghệ của trung tâm, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đã được người dân tiếp nhận và triển khai hiệu quả.
 
Từ năm 2011-2015, dự án Ứng dụng KH-CN xây dựng mô hình sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu theo hướng công nghiệp được trung tâm tiếp nhận và chuyển giao hiệu quả đến người dân. Đến nay, mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu đã được người dân triển khai trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố. Hiện tại, các hộ mô hình phân tán trong dân đều đã làm chủ được công nghệ nuôi trồng các loại nấm sò, nấm rơm, nấm linh chi, nấm mộc nhĩ.
 
Năm 2019, trung tâm triển khai thực hiện 2 dự án cấp Nhà nước chuyển tiếp năm 2018. Trong đó, dự án nhân giống và sản xuất chuối theo hướng công nghiệp đã triển khai xây dựng được mô hình trồng chuối thâm canh tại các huyện Tuy An, Sông Hinh, Sơn Hòa với diện tích 14,5ha. Dự án sản xuất cây bắp và chế biến thức ăn gia súc bằng phương pháp ủ chua đã xây dựng được mô hình trồng cây bắp 11,1ha tại các xã An Dân, An Định và thị trấn Chí Thạnh. Cây bắp mang lại thu nhập gấp 1,5-2 lần cho người dân so với trồng lúa ở vùng không chủ động nước tưới. Hiện các hộ dân trồng bắp đang liên kết với Công ty CP Phát triển công nghệ sinh học Phú Yên chế biến cây bắp ủ chua với công suất 4.000 tấn sản phẩm/năm.
 
Ông Đỗ Văn Sáu, nông dân ở thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An), chia sẻ: “Ban đầu, các cán bộ kỹ thuật trung tâm mang giống bắp lai về địa phương tổ chức hội thảo để mời hộ dân tham gia mô hình nhưng tôi không dám thử. Tuy nhiên, sau đó thấy nhiều người trồng bắp có thu nhập ổn định tôi cũng tham gia. Trồng rồi mới biết, các cán bộ kỹ thuật đã chuyển giao giống bắp tốt, ít sâu bệnh, năng suất cao. Nếu chăm sóc đúng quy trình, cây bắp có thể cho trọng lượng từ 1-1,5kg”.
 
Đánh giá cao những nỗ lực của trung tâm, ông Lê Văn Cựu, Giám đốc Sở KH-CN nói: “Những năm qua, trung tâm đã đạt được một số kết quả ứng dụng, chuyển giao công nghệ như: công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật; công nghệ vi sinh trong sản xuất chế phẩm sinh học, sản xuất giống nấm ăn, nấm dược liệu; công nghệ trồng chuối cấy mô, trồng dưa lưới trong nhà màng, trồng sung magic... Nhìn chung, các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tại địa phương”.
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 90
accessibility Hôm qua: 93
account_circle Trong tháng: 268.732
account_box Trong năm: 20.492
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.812