Nâng cao năng lực sáng tạo của nhân dân

Cập nhật lúc:   14:56:14 - 23/05/2019 Số lượt xem:   1174 Người đăng:   Administrator
Tác giả giới thiệu mô hình “Hệ thống bơm nước tự động sử dụng biến tần” tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ V - Ảnh: THÁI HÀ Tác giả giới thiệu mô hình “Hệ thống bơm nước tự động sử dụng biến tần” tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ V - Ảnh: THÁI HÀ
Với chủ đề “Khoa học và công nghệ (KH-CN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”, vừa qua, các đại biểu tham dự tọa đàm hưởng ứng Ngày KH-CN Việt Nam 18/5 đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm phát huy năng lực sáng tạo của nhân dân cũng như vai trò của đội ngũ trí thức KH-CN trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Những năm qua, Liên hiệp các hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, góp phần tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ cho các tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, phát triển KH-CN; động viên người dân tham gia hoạt động sáng tạo KH-CN; tôn vinh trí thức…
 
Cụ thể, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội và các hội thành viên (phản biện độc lập từ 3-5 dự án quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội mỗi năm) đã góp phần củng cố các luận cứ khoa học trong công tác tham mưu cho Ðảng và chính quyền địa phương về các chương trình, dự án lớn của tỉnh. Liên hiệp hội cũng quan tâm tổ chức và hướng dẫn phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của cán bộ, công nhân, viên chức, sinh viên, học sinh, nhân dân lao động bằng việc tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật 2 năm một lần; Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng hàng năm…
 
Sau 7 lần tổ chức, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật đã thu hút hơn 300 giải pháp dự thi và hầu hết được trao giải; Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cũng nhận được hơn 300 giải pháp ở tất cả các trường trên 9 huyện, thị xã, thành phố. Qua các cuộc thi, hội thi, Liên hiệp hội đã tạo cơ hội cho các tác giả có giải pháp dự thi thể hiện khả năng sáng tạo của mình cũng như thu hút được nhiều đối tượng thuộc mọi tầng lớp nhân dân tham gia.
 
Bất kỳ giai đoạn nào, khoa học - kỹ thuật và trí thức cũng đều đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và toàn nhân loại. Từ xưa, cha ông chúng ta đã khẳng định “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” và điều này càng được thể hiện rõ nét trong thời kỳ hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Ngày nay, khi KH-CN phát triển như vũ bão; trí tuệ, năng lực sáng tạo của con người trở thành nguồn lực quan trọng quyết định hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước thì năng lực sáng tạo của người dân và đội ngũ trí thức lại càng quan trọng hơn.
 
Vì vậy, ông Lê Văn Hữu, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho rằng thời gian tới, một mặt, Liên hiệp hội cần có giải pháp để nâng cao chất lượng các cuộc thi, hội thi sáng tạo kỹ thuật; tập hợp đội ngũ chuyên gia để hỗ trợ, hoàn thiện các giải pháp, sản phẩm dự thi, phấn đấu đạt giải cao toàn quốc và khu vực; mặt khác, cần tham mưu cơ chế, chính sách để nhân rộng các giải pháp, thương mại hóa các sản phẩm có giá trị vào sản xuất và đời sống cũng như kịp thời tôn vinh trí thức tiêu biểu, điển hình lao động sáng tạo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp KH-CN của tỉnh.
 
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Liên hiệp hội cho rằng, các hội thi, cuộc thi do Liên hiệp hội chủ trì tổ chức giúp làm phong phú thêm phong trào sáng tạo của người dân và cho thấy tiềm năng nghiên cứu sáng tạo KH-CN của người dân không phải nhỏ. Thế nhưng, việc phát huy hơn nữa tiềm năng sáng tạo, cũng như ứng dụng những nghiên cứu sáng tạo này vào cuộc sống vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, Liên hiệp hội cần nhiều ý kiến tham mưu của các nhà làm khoa học trong việc làm thế nào để tạo điều kiện, cơ hội và môi trường cho người dân, nhà khoa học hoạt động; giải pháp để đẩy nhanh ứng dụng các kết quả nghiên cứu, sáng tạo kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống… Qua đó tạo ra môi trường động viên, khích lệ và nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học của người dân tỉnh nhà. 
 
ÔNG LÊ VĂN CỰU, GIÁM ĐỐC SỞ KH-CN: Đẩy mạnh ứng dụng KH-CN vào thực tiễn 
 
Nếu như trước đây KH-CN thường dùng khẩu hiệu “gắn với kinh tế - xã hội”, thì hiện nay, KH-CN đã tập trung vào hoàn thiện cơ chế, chính sách theo yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội để giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn của các ngành, lĩnh vực.
 
Nhờ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm mà thời gian qua, nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học ứng dụng vào cuộc sống. Đặc biệt, Phú Yên hiện có một số công nghệ đi đầu cả nước như sản xuất phân bón bằng phương pháp tạo hạt tháp cao, nuôi tôm hùm trong bể xi măng, nuôi tôm hùm ngoài khơi giúp giảm ô nhiễm trong đầm…
 
Vì KH-CN không chỉ phục vụ một ngành mà phục vụ cho tất cả các ngành nên chúng tôi vẫn trăn trở làm thế nào để KH-CN trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, chúng tôi đã hướng hoạt động KH-CN vào các ngành trọng tâm và hiện có khoảng 70% đề tài, dự án KH-CN mang tính thực tiễn, phục vụ đời sống - xã hội.
 
Để kết quả nghiên cứu KH-CN đi vào đời sống, hiện Sở KH-CN đang làm công tác tham mưu cho UBND tỉnh trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp với mục tiêu năm 2020 có 70 doanh nghiệp tham gia các dự án đổi mới sáng tạo, có 5 doanh nghiệp KH-CN.
 
ÔNG TRẦN VĂN THU, CHỦ TỊCH HỘI LÀM VƯỜN: KH-CN phải giải quyết triệt để những bức xúc của xã hội 
 
Mỗi năm đến Ngày KH-CN Việt Nam 18/5, tôi lại xem giới KH-CN đã làm được những gì để KH-CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội như mọi người vẫn nói.
 
Tôi không phủ nhận, thời gian qua, ngành KH-CN đã kế thừa được thành tựu của những năm trước và đã có những nỗ lực, đổi mới đáng mừng. Nhưng bên cạnh thành tựu đạt được, theo tôi, KH-CN cần phải nhìn thấy những tồn tại, vướng mắc và hướng đến những vấn đề bức xúc trong xã hội để xử lý. Cụ thể như việc xử lý rác thải chẳng hạn.
 
Nếu như chỉ thu gom rác từ các nơi sau đó tiến hành chôn lấp ở một nơi khác thì theo tôi là chưa xử lý rác thải một cách khoa học. Làm như vậy chẳng khác nào mang ô nhiễm vùng này đến một vùng khác và làm thu hẹp diện tích đất sạch. Tương tự như việc nuôi bò.
 
Các sở, ban ngành cứ thấy bò ngoại nhập chất lượng cao là ồ ạt khuyến khích người dân nuôi nhưng không nghĩ đến việc ứng dụng kỹ thuật như thế nào để phát triển đàn bò vàng có chất lượng cao trên vùng đất Phú Yên…
 
Vì vậy, theo tôi, đã làm khoa học thì phải có tầm nhìn, phải làm chu đáo, tới nơi tới chốn. Có như thế, lợi ích về kinh tế - xã hội mà KH-CN mang lại mới bền vững.
 
ÔNG TRẦN VĂN ĐỊNH, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐÔNG Y PHÚ YÊN: Bảo tồn, phát huy giá trị của cây thuốc nam 
 
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu, thậm chí những người trong ngành Y cũng đã nhiều lần đề cập đến việc người Việt Nam sống trên cả rừng cây thuốc, vị thuốc vô cùng quý giá nhưng chưa tận dụng hết tiềm năng. Vì vậy, hiện nay thầy thuốc đông y phải sử dụng 80% thuốc nhập từ Trung Quốc và chỉ có 20% cây thuốc có nguồn gốc trong nước. Đáng lo ngại là trong 80% thuốc nhập về, việc kiểm soát chất lượng rất khó khăn nên các thầy thuốc điều trị cho người bệnh đều chùn tay.
 
Hiện chỉ một vài địa phương quan tâm quy hoạch và triển khai nuôi trồng một số cây, con dược liệu có hiệu quả chữa bệnh. Riêng Phú Yên, trước giờ chỉ có một số doanh nghiệp trồng và bảo tồn cây thuốc nam vì lợi ích kinh tế. Vì vậy, tôi mong muốn, Sở KH-CN đặt hàng để Hội Đông y thực hiện việc bảo tồn các cây dược liệu, để từ đó sử dụng và phát huy giá trị của cây thuốc nam phục vụ điều trị bệnh cho nhân dân.
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 78
accessibility Hôm qua: 93
account_circle Trong tháng: 268.720
account_box Trong năm: 20.480
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.800