Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương

Cập nhật lúc:   09:16:11 - 03/07/2020 Số lượt xem:   289 Người đăng:   Administrator
Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị. Ảnh VGP Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị. Ảnh VGP
Ngày 2/7, Chính phủ tổ chức Hội nghị với các địa phương để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Phú Yên có đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Chí Hiến; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế; lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương của tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm 2020, các bộ, ngành, cơ quan đã phối hợp chặt chẽ, điều hành khá ăn ý, nhịp nhàng, chấp hành nghiêm những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để sử dụng các biện pháp, công cụ liên quan, cả vi mô và vĩ mô. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giảm dần từ mức cao là 6,54% về mức 4,19% trong 6 tháng đầu năm. Từ đó, có thể nhận định, khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu đề ra là khả thi.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bên cạnh các điểm sáng tích cực, nền kinh tế cũng bộc lộ những điểm yếu, như: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính chung 6 tháng giảm 0,8% so với cùng kỳ 2019, khách quốc tế đến Việt Nam giảm sâu. Tính chung 6 tháng, cả nước có 62 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 7,3% về số doanh nghiệp, 19% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.  
Từ thực tế đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đưa ra các giải pháp ngắn gọn, dễ hiểu, dễ vận dụng để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. “Không chỉ phòng thủ dịch bệnh, mà phải tiến công để phát triển”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Phú Yên

Theo đánh giá tại Hội nghị, 6 tháng đầu năm 2020, xảy ra đại dịch Covid-19, gây ra sự sụt giảm kinh tế toàn cầu trên quy mô lớn nhất trong 150 năm qua. Là một nước hội nhập quốc tế sâu rộng, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tác động với tốc độ tăng trưởng GDP quý II tăng 0,36%, trong 6 tháng đầu năm tăng 1,81%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua đối với nước ta nhưng so với khu vực và thế giới thì lại là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi dịch bệnh, thiết lập trạng thái bình thường mới.
Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Xuất siêu đạt mức 4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu khu vực trong nước đạt khá cao, lên đến 11,7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 850,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 33% GDP. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,71%.
Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2020 giảm 5,8% so với quý trước; 6 tháng đầu năm ước giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Khách quốc tế đến nước ta ước đạt 3.744.500 lượt người, giảm 55,8% so với cùng kỳ.
Cả nước có hơn 62.000 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký là 697,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 507.200 lao động, giảm 7,3% về số doanh nghiệp, giảm 19% về vốn đăng ký và giảm 21,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng, có 25.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Tại Hội nghị, Chính phủ và các địa phương sẽ thảo luận các kịch bản, các giải pháp để thực hiện “mục tiêu kép” trong nửa chặng đường còn lại của năm 2020, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, không để đổ gãy nền kinh tế.
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 29
accessibility Hôm qua: 92
account_circle Trong tháng: 275.275
account_box Trong năm: 23.898
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.218