Cầu nối đưa vốn chính sách đến với hộ vay

Cập nhật lúc:   09:58:31 - 30/09/2022 Số lượt xem:   231 Người đăng:   Administrator
Chị Nguyễn Thị Mỹ Phương, tổ trưởng tổ TK&VV ở xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) họp tổ để triển khai các chương trình cho vay mới của NHCSXH. Ảnh: LÊ HẢO Chị Nguyễn Thị Mỹ Phương, tổ trưởng tổ TK&VV ở xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) họp tổ để triển khai các chương trình cho vay mới của NHCSXH. Ảnh: LÊ HẢO
Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách ở Phú Yên đã được triển khai đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần giúp hộ vay có điều kiện sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống. Kết quả
Nỗ lực hoàn thành công việc
Tổ TK&VV là cánh tay nối dài của NHCSXH trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội, là cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn.

Bà Bùi Thị Lặc ở thôn 3, xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) vay 80 triệu đồng vốn hộ cận nghèo để nuôi bò và trồng keo. Hai năm nay, keo phát triển tốt, bò cũng được giá. Bà Lặc nhẩm tính khi đến hạn, bà chỉ cần bán bò là dư tiền trả nợ, số còn lại có thể tiếp tục đầu tư cho cây keo. “Trước đây, gia đình tôi không có vốn làm ăn nên cuộc sống chỉ đắp đổi qua ngày. Từ khi được tổ trưởng tổ TK&VV thôn 3 giới thiệu về các chương trình tín dụng chính sách, hướng dẫn gia nhập tổ rồi làm hồ sơ vay, chúng tôi mới có điều kiện làm ăn, cải thiện kinh tế”, bà Lặc nói. 
Tổ trưởng tổ TK&VV thôn 3 mà bà Lặc nhắc đến trên đây là chị Nguyễn Thị Mỹ Phương. Nhận nhiệm vụ tổ trưởng tổ TK&VV từ năm 2012, khi đó, tổ do chị Phương quản lý chỉ có 8 hộ vay, dư nợ 300 triệu đồng. Theo chị Phương, ban đầu, vì chưa có kinh nghiệm, chị gặp khó khăn trong việc tuyên truyền hộ vay nộp lãi đúng hạn, đóng tiết kiệm đầy đủ. Đến kỳ họp giao ban, chị thường bị cán bộ ngân hàng nhắc nhở. 
“Cảm thấy rất bứt rứt khi đã nhận nhiệm vụ nhưng chưa làm tốt, tôi tự dặn mình phải kiên trì, quyết tâm, thường xuyên lui tới nhà vận động hộ vay. Dần dần số hộ vay kết nạp vào tổ nhiều hơn; ý thức trả nợ, trả lãi của họ cũng tốt hơn trước. Hiện tổ TK&VV do tôi quản lý có 59 hộ vay, dư nợ 3,1 tỉ đồng, không có nợ quá hạn cũng không có lãi tồn. Tôi xác định hoàn thành công việc của mình sẽ hỗ trợ tốt cho hộ vay nên luôn cố gắng”, chị Phương chia sẻ. 
Tại TP Tuy Hòa, bà Ngô Nữ Thu Trâm hiện là tổ trưởng tổ TK&VV ở khu phố Lương Văn Chánh (phường 5), quản lý 40 hộ vay với dư nợ gần 850 triệu đồng. Bà Trâm cho biết: Làm tổ trưởng tổ TK&VV từ năm 2005 đến nay, tôi xác định công tác vay vốn là yếu tố quan trọng để tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ và người dân phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giảm tệ nạn xã hội và tín dụng đen trên địa bàn. Do đó, tôi đã chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn, tổ chức bình xét công khai, dân chủ, đúng quy trình; tổ chức sinh hoạt tổ định kỳ, quán triệt hộ vay nộp lãi, đóng tiết kiệm, trả gốc phân kỳ. Đồng thời phổ biến kịp thời các chính sách tín dụng để hộ vay nắm bắt, đăng ký vay vốn khi có nhu cầu; hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. 
Theo bà Trâm, khi được vay vốn ưu đãi, được hướng dẫn, hỗ trợ kiến thức làm ăn, hộ vay có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Cuộc sống ổn định, chị em phấn khởi, tham gia nhiệt tình, tích cực vào các buổi sinh hoạt, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… 
Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ 
Tổ TK&VV của chị Phương, bà Trâm là 2 trong số 2.233 tổ TK&VV đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, với dư nợ bình quân hơn 1,65 tỉ đồng/tổ. Theo NHCSXH Phú Yên, tổ TK&VV hoạt động tại thôn, buôn, khu phố là nơi tập hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn NHCSXH để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống; cùng tương trợ, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh, đồng thời cùng giám sát nhau trong việc vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ ngân hàng. 
Tổ TK&VV cũng là cánh tay nối dài của NHCSXH trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội, là cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn. Tổ góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với các đối tượng thụ hưởng kịp thời, thuận lợi, đảm bảo công khai dân chủ và tiết giảm chi phí cho người vay. Việc thành lập tổ TK&VV theo địa bàn thôn, buôn, khu phố cũng giúp cho việc quản lý nguồn vốn được tốt hơn, hộ vay được thuận lợi trong việc bình xét và thực hiện các thủ tục vay vốn, thuận tiện sinh hoạt định kỳ theo quy ước hoạt động của tổ. 
Ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên cho hay chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV có vai trò quan trọng đối với hoạt động của NHCSXH. Vì vậy, công tác đánh giá xếp loại tổ TK&VV được thực hiện thường xuyên. Hiện toàn tỉnh có 2.023 tổ TK&VV được xếp loại tốt (chiếm 90,6%), 156 tổ khá (chiếm 7%), 54 tổ trung bình (chiếm 2,4%), không có tổ yếu. 
“Thời gian tới, để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ TK&VV, NHCSXH Phú Yên sẽ thường xuyên phối hợp các hội đoàn thể nhận ủy thác tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho ban quản lý tổ TK&VV; tham gia họp tổ định kỳ, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ TK&VV hoạt động yếu kém...”, ông Thục nói. 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 27
accessibility Hôm qua: 179
account_circle Trong tháng: 267.659
account_box Trong năm: 19.419
supervisor_account Tổng truy cập: 3.159.739