Đổi mới và minh bạch trong đầu tư cho khoa học

Cập nhật lúc:   09:24:46 - 14/01/2021 Số lượt xem:   1083 Người đăng:   Administrator
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng Bộ KH&CN về những thành tích đã đạt được trong năm 2020. Ảnh: Mỹ Hạnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng Bộ KH&CN về những thành tích đã đạt được trong năm 2020. Ảnh: Mỹ Hạnh
Trên con đường tạo ra những cái mới và đưa nhiều kết quả nghiên cứu có ý nghĩa thiết thực vào đời sống kinh tế xã hội của đất nước, ngành KH&CN cần có những cơ chế tài chính mới để có thể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN cũng như đặt niềm tin vào khoa học nước nhà.
Vấn đề đó đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ra tại phiên họp tổng kết công tác hoạt động năm 2020 và phương hướng hoạt động năm 2021 của Bộ KH&CN vào ngày 6/1/2021. Trên ghế chủ tọa điều hành phiên họp quan trọng này cùng Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trong những năm qua, vai trò và đóng góp của KH&CN đã thể hiện rõ trong đời sống xã hội của Việt Nam, qua đó, những ý tưởng mới về đổi mới sáng tạo đã dần đi vào thực tiễn. “Điều quan trọng hàng đầu là việc đổi mới hệ thống đổi mới sáng tạo của đất nước với vai trò doanh nghiệp là trung tâm đã được khởi động, các đề tài nghiên cứu cũng có nét đổi mới, các doanh nghiệp thực sự đã là chủ thể trong đổi mới KH&CN. Khi nhìn vào từ những tòa nhà chọc trời ở TP HCM được người Việt Nam thiết kế, thi công, những cầu lớn, những công trình lớn cho đến những công nghệ rất đơn giản trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta sẽ thấy năng lực KH&CN của đất nước tăng rất nhanh”. Tuy nhiên, không thể bằng lòng với những gì đạt được, ngành KH&CN cần có được những đổi mới hơn nữa để có thể góp phần tạo ra những đột phá và để doanh nghiệp thực sự là trung tâm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Những đổi mới cần thiết
“Chúng ta đã có những đổi mới rất tốt về công tác quản lý KH&CN, có những bước cải tiến liên tục theo hướng minh bạch hơn, phần nào bớt được sự đầu tư dàn trải, đã rất nhanh nhạy tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, những nhiệm vụ lớn và các nhiệm vụ đột xuất như vaccine…”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam điểm lại một số công việc đã làm được của Bộ KH&CN trong hơn 10 năm qua. Với một quãng thời gian đủ dài để nhìn lại những thay đổi từ tư duy quản lý đến chính sách thiết thực, tạo điều kiện cho các nhà khoa học phát huy tài năng và khuyến khích hợp tác, chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp, có thể thấy ngành KH&CN đã có nhiều bước tiến rõ rệt.
Những đổi mới đó được mở màn bằng việc thí điểm cơ chế quỹ, đánh giá kết quả nghiên cứu bằng công bố quốc tế cũng như áp dụng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở nghiên cứu công lập…, Bộ KH&CN đã góp phần đem lại những thay đổi thực sự trong cộng đồng khoa học Việt Nam. Luồng gió mới của các chính sách tiên tiến không chỉ góp phần minh bạch hóa các hoạt động đầu tư cho khoa học, tránh được các chuyện trùng lặp đề tài trong mà còn thúc đẩy chất lượng nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu nghĩ đến việc cần phải đo đếm các đề tài khoa học bằng các công bố quốc tế, các bằng phát minh sáng chế hoặc chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. Trong một cuộc trao đổi năm 2019, GS. TS Phạm Thành Huy, khi còn làm việc tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đã đưa ra nhận xét, “trong vài ba năm gần đây, tôi thấy đã bắt đầu có nhiều doanh nghiệp vào trường, liên hệ với các nhà khoa học để chủ động trao đổi về những nhu cầu công nghệ”.
Mặt khác, các chương trình KH&CN do Bộ KH&CN quản lý như Chương trình trọng điểm cấp nhà nước, Chương trình sản phẩm quốc gia, chương trình công nghệ cao… cũng bắt đầu khuyến khích các dự án sản xuất thử nghiệm, các đề tài có sự tham gia của doanh nghiệp… Nếu trước đây, không có nhiều nhà khoa học chọn làm các dự án sản xuất thử nghiệm vì rất khó tìm được doanh nghiệp cùng bỏ kinh phí đối ứng triển khai và chấp nhận rủi ro thì sau này, số lượng các dự án đã bắt đầu tăng lên, giáo sư Trương Nam Hải, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), từng là chủ nhiệm chương trình KC04 “Nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học”, cho biết như vậy.
Tinh thần đổi mới này tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa khi quan điểm “lấy doanh nghiệp làm trung tâm hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia” đã bắt đầu lan tỏa. Trong một cuộc họp bàn về tái cơ cấu các chương trình KH&CN, Thứ trưởng Lê Xuân Định đã cho rằng “với một bối cảnh mới, chúng ta cần phải thay đổi, không thể cứ chạy mãi trên một đường ray cũ”. Với quan điểm này, doanh nghiệp là chủ thể của các hoạt động ứng dụng KH&CN còn các nhà khoa học, các viện nghiên cứu sẽ là yếu tố quan trọng để hỗ trợ giải quyết những vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp phải.
Cùng với đó, những chính sách khuyến khích doanh nghiệp lập quỹ KH&CN, doanh nghiệp lập các tổ chức hoặc bộ phận R&D… đã bắt đầu phát huy tác dụng. Làn sóng doanh nghiệp rót tiền vào R&D hoặc thậm chí lập quỹ tài trợ KH&CN đã nổi lên với nhiều gương mặt như Vingroup, Phenikaa, Trường Hải, Rạng Đông, Mỹ Lan, VinaFood…
Tuy nhiên, sự nhanh nhạy của doanh nghiệp trong bối cảnh mới đã đưa doanh nghiệp đi trước cả chính sách. Đó là điểm mà những bất cập trong chính sách bắt đầu bộc lộ, ví dụ như các doanh nghiệp trích lập được quỹ R&D nhưng việc dùng tiền đó để chi tiêu cho nhu cầu R&D của chính mình thì vô cùng khó khăn. Tuy cơ chế quản lý của Nhà nước đã có những tiến bộ nhưng những bất cập như vậy vẫn tồn tại“vì chúng ta là nước đang phát triển, vẫn còn ở khoảng cách rất xa so với các nước đi trước mình và so với mong muốn của mình”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lý giải.
Đây chính là lúc ngành KH&CN cần những cơ chế mới.
Cơ chế đủ mạnh để vượt khuôn khổ cũ
Bộ KH&CN đã góp phần đem lại những thay đổi thực sự trong cộng đồng khoa học Việt Nam.

Là một người gắn bó với ngành KH&CN, hơn ai hết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hiểu rõ những khó khăn mà ngành đang gặp phải, “KH&CN cần được quan tâm hơn, phải có các cơ chế vượt trội, hiện tại chưa có được cơ chế vượt trội đó. Tất cả tắc hết, từ cơ chế hạch toán doanh nghiệp cho đến thuế, cho đến các thứ khác, cuối cùng đều bị tắc ở doanh nghiệp”.
Đó là điều mà ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex, từng nêu tại “Ngành Dệt may Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” diễn ra vào ngày 6/9/2019 nhằm báo cáo kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc CMCN lần thứ 4 đối với ngành Dệt may Việt Nam nhằm đề xuất định hướng chiến lược, chính sách và các giải pháp phát triển trong giai đoạn 2019-2030” (Chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia 2019-2025 “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0): “Doanh nghiệp bao giờ cũng có thể tìm ra cách tốt nhất để làm. Doanh nghiệp có thể không xin thêm tiền đầu tư nhưng vẫn cần chính phủ giải quyết một số vấn đề cốt lõi về mặt chính sách”. Điều trăn trở của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tại hội thảo là nếu đầu tư cho công nghệ 4.0, đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng thì có được sử dụng lợi nhuận trước thuế không, có được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp khi đầu tư vào đó không? Mặt khác, để đổi mới công nghệ, doanh nghiệp có thể hợp tác với nhiều doanh nghiệp khác trong nước nội địa hóa sản phẩm hoặc kết hợp thành chuỗi để có thể đi với nhau ngay từ đầu, đặt hàng họ nghiên cứu tạo ra sản phẩm dành riêng cho mình… Theo cách đó, doanh nghiệp sẽ đặt hàng không qua đấu thầu, doanh nghiệp có thể mua sản phẩm giá cao vì sản phẩm đầu tiên có thể đắt. Nhưng như vậy lại trái quy định hiện hành là phải tiến hành đấu thầu và chọn nhà thầu có giá đề xuất thấp nhất. “Nếu không giải quyết được vấn đề này thì vấn đề liên kết chuỗi, nội địa hóa chắc chắn chỉ tồn tại trên giấy, không bao giờ thành hiện thực”, ông nói.
Những khó khăn của ngành dệt may cũng là khó khăn của nhiều doanh nghiệp ngoài ngành khác khi muốn đổi mới công nghệ, đón nhận kết quả nghiên cứu. Ngay cả khi họ được đặt vào vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia thì họ vẫn chưa được trao cơ chế như mong muốn. “Có rất nhiều doanh nghiệp trong ngành dầu khí lập ra quỹ khoa học mấy nghìn tỷ và rất nhiều doanh nghiệp tư nhân không cần mình phải chi ngân sách trực tiếp mà chỉ cần đổi mới cơ chế hạch toán là được”. Khi đặt vấn đề xác định “cơ chế vượt trội” này? Vì vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, “dứt khoát Bộ KH&CN phải là người tập trung nghiên cứu về cơ chế này. Ở đây, nghiên cứu không chỉ là kê theo nguyện vọng mà là nghiên cứu đề xuất rất cụ thể bởi vì đây là vấn đề thiết thực đối với ngành của mình. Bộ KH&CN phải tiên phong trong việc thúc đẩy và xây dựng cơ chế này. Tất nhiên một mình Bộ KH&CN không làm được, tất cả phải có sự đồng lòng của nhiều bộ, ban ngành khác. Khi giải quyết được cơ chế này thì hệ thống đổi mới sáng tạo của chúng ta mới thực sự được vận hành hiệu quả”. Do đó, những cơ chế tài chính liên quan đến doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động KH&CN là điều mà Bộ KH&CN đang mong chờ đổi mới một cách căn bản.
Tuy nhiên, những đổi mới về cơ chế tài chính không chỉ hướng đến doanh nghiệp mà còn hướng đến các nhà khoa học, tạo thuận lợi cho họ trong quá trình thực hiện đề tài KH&CN bằng ngân sách nhà nước. Phó Thủ tướng nhận định các cơ chế tài chính “dù đã có đổi mới nhưng vẫn bị vướng luật”, và vẫn mang tư tưởng chủ đạo là “chống thất thoát”, chưa tin nhà khoa học, và quan trọng hơn nữa là chưa chấp nhận quan điểm nghiên cứu khoa học là có rủi ro.
Đường đi dưới chân mình
Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: PV.

Việc tháo gỡ những nút thắt trên quá trình phát triển là một câu chuyện phức tạp, không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Trong khi thúc đẩy và thuyết phục các bộ, ngành khác đồng ý với những đổi mới trong cơ chế đề xuất, ngành KH&CN cần làm tốt hơn nữa công việc của mình theo hướng minh bạch hóa thông tin và xây dựng những chương trình KH&CN để giải quyết những vấn đề thiết thực của đất nước. Đó là suy nghĩ mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ tại phiên họp khởi đầu năm mới 2021.
Đây không phải là lần đầu tiên Phó Thủ tướng nhắc đến vấn đề minh bạch hóa thông tin khoa học và quản lý khoa học. “Bộ KH&CN cần phấn đấu là Bộ đi đầu trong minh bạch”. Việc minh bạch hóa sẽ đem lại nhiều tác động quan trọng đến các hoạt động KH&CN, “nếu mình công khai hết lên, tự nhiên sẽ bớt đi chuyện đầu tư trùng lặp, tự nhiên chất lượng các hội đồng, vấn đề phân bổ đề tài cũng sẽ được cải tiến”.
Trong quá trình thúc đẩy sự minh bạch và công khai ấy, ngành KH&CN có thể xây dựng những bộ tiêu chí đo lường, đánh giá chung cho các đề tài nghiên cứu theo từng lĩnh vực, theo đề xuất của giáo sư Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội tại hội nghị. Ông cho rằng, việc chưa có những tiêu chí đánh giá ấy, hoặc có mà chưa thật sự sát thực, có thể là nguyên nhân nhiều khi khiến cho việc nghiệm thu các đề tài vẫn còn lúng túng. Do đó, việc thống nhất và tiêu chuẩn hóa các bộ tiêu chí đánh giá sẽ là cơ hội giúp các hội đồng khoa học đo đạc được giá trị từ những kết quả nghiên cứu một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Với mong muốn của người muốn thấy được những chuyển biến của các lĩnh vực kinh tế xã hội dưới sự đóng góp của khoa học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý Bộ KH&CN lập ra những chương trình tổng thể, có sự góp sức của KH&CN cũng như KHXH&NV, để có thể giải quyết được những vấn đề chung của một vùng sản xuất trên nhiều khía cạnh. Mặt khác, các Sở KH&CN các địa phương tập hợp một số nhóm vấn đề quan trọng mà chưa có giải pháp của tỉnh và làm việc trực tiếp với lãnh đạo Bộ KH&CN để có được những đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu phù hợp, qua đó không chỉ tìm ra được giải pháp phù hợp mà còn gia tăng vai trò của KH&CN.
Chúng ta đã có những đổi mới rất tốt về công tác quản lý KH&CN, có những bước cải tiến liên tục theo hướng minh bạch hơn, phần nào bớt được sự đầu tư dàn trải, đã rất nhanh nhạy tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, những nhiệm vụ lớn và các nhiệm vụ đột xuất như vaccine…
Những đổi mới đó bắt đầu bằng việc thí điểm cơ chế quỹ, đánh giá kết quả nghiên cứu bằng công bố quốc tế cũng như áp dụng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở nghiên cứu công lập…, góp phần đem lại những thay đổi thực sự trong cộng đồng khoa học Việt Nam.
                                                                        Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Công việc của Bộ KH&CN sẽ tập trung vào hai nội dung: Thứ nhất, tập trung nghiên cứu đề xuất các “cơ chế vượt trội”, “giao khoán” trong KH&CN. Cá nhân tôi cũng rất trăn trở vì có thời gian hoạt động ở cơ sở khá lâu, nên rất thấm câu chuyện này. Mặt khác việc tăng cường công khai minh bạch trong hoạt động KH&CN. Tôi cũng tán thành đây là điều các nhà nghiên cứu đề cập rất nhiều, nhất là tăng cường nghiên cứu về KHXHNV để phản ánh thực tế kinh tế-xã hội nước ta. Tôi cũng đồng ý với ý kiến của Phó thủ tướng về việc Bộ trưởng làm việc với các địa phương về hoạt động KH&CN. Tôi xin hứa sẽ triển khai nghiêm túc các chỉ đạo bằng hoạt động cụ thể.
Thứ hai, chúng ta cũng biết, diễn biến của vấn đề dịch bệnh, sắp tới sẽ là những dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp và rất khó lường, đặc biệt là vấn đề liên quan đến vi khuẩn và virus. Về vi khuẩn thì chúng tôi là những nhà lâm sàng, chúng tôi biết là hiện nay rất nhiều bệnh nhân được chẩn đoán là đã nhiễm một con vi khuẩn kháng tất cả các kháng sinh hiện nay có, và như thế cực kỳ khó khăn. Tôi cho rằng đó cũng là một vấn đề thảm họa trong tương lai nếu như chúng ta bị nhiễm một con vi khuẩn nào đó mà không có kháng sinh nào có thể chữa được.
                                                      Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 71
accessibility Hôm qua: 64
account_circle Trong tháng: 310.538
account_box Trong năm: 40.203
supervisor_account Tổng truy cập: 3.180.523