Cuộc họp nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, các Bộ, ngành tổ chức, doanh nghiệp tổ chức nghiên cứu và sản xuất vắc xin phòng covid-19.
Tham dự cuộc họp có các nhà sản xuất vắc xin và thuốc sinh học ở Việt Nam như Công ty vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (Polyvac), Viện vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen và các chuyên gia, các viện nghiên cứu, trường đại học v.v.
Sau khi nghe các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin, thuốc sinh học báo cáo kế hoạch nghiên cứu sản xuất của từng đơn vị, các đại biểu đều khẳng định vắc xin phòng covid-19 là một vắc xin mới, rất khó, đặc biệt vấn đề đáp ứng miễn dịch của covid-19 còn nhiều điểm chưa sáng tỏ. Đến nay, trên Thế giới có khoảng 100 đơn vị nghiên cứu vắc xin covid-19 với nhiều công nghệ khác nhau trong đó 08 vắc xin đã và đang thử nghiệm lâm sàng trên người. Việc nghiên cứu sản xuất 01 loại vắc xin phải tuân thủ theo quy trình rất nghiêm ngặt, đòi hỏi chi phí rất tốn kém và thời gian kéo dài.
Các chuyên gia cũng cho biết, trong trường hợp đại dịch, có thể tiến hành song song một số giai đoạn nhằm rút ngắn thời gian nhưng vẫn phải đảm bảo tính an toàn cho người. Để nghiên cứu và sản xuất vắc xin nói chung, đặc biệt là vắc xin covid-19 đòi hỏi có sự tham gia, phối hợp của nhiều tổ chức, đơn vị trong đó các doanh nghiệp và các đơn vị sản xuất vắc xin phải được ưu tiên là cơ quan chủ trì.