Cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp tỉnh dành cho học sinh trung học lần thứ 8, năm học 2020-2021 vừa được Sở GD-ĐT Phú Yên tổng kết trao giải. Tham gia cuộc thi lần này, nhiều dự án có ý tưởng sáng tạo tốt, có khả năng ứng dụng rộng rãi trong đời sống thực tiễn.
Một trong những dự án được ban giám khảo đánh giá cao tại cuộc thi KHKT lần này là dự án Robot ngầm hỗ trợ nghiên cứu địa chất thủy văn của em Trần Viết Lân, lớp 12A, Trường THPT Trần Phú (huyện Tuy An). Theo Lân, việc nghiên cứu quan trắc biển, địa chất, thủy văn hiện nay còn rất thủ công, thiếu thiết bị trong quá trình nghiên cứu, ẩn chứa nhiều nguy hiểm trực tiếp đến con người. Từ đó em đã hình thành ý tưởng sáng chế robot ngầm đa tính năng, có thể thay thế hoặc hỗ trợ con người trong quá trình khảo sát địa chất thủy văn, đặc biệt ở những khu vực mà con người khó tiếp cận trực tiếp.
Để nghiên cứu dự án trên, Lân đã lên mạng đọc nhiều tài liệu tham khảo từ các tạp chí khoa học trong và ngoài nước, trước khi bắt tay vào thực hiện. Phần thân robot là khung sắt cố định và kết hợp làm các mạch xử lý trung tâm, kèm theo động cơ lặn, động cơ đẩy của robot, động cơ cho cánh tay robot và động cơ lái. Ngoài ra, em còn thiết kế tay điều khiển, cảm biến dò kim loại, cảm biến đo áp suất, cảm biến đo từ trường…
Trần Viết Lân sử dụng phần mềm Mission Planner trên máy tính để kiểm soát các trạng thái của robot và phần mềm Meshroom trên máy tính để phân tích, xử lý thông tin tạo ra bản đồ 3D; đồng thời ứng dụng Blynk trên điện thoại để kiểm soát các thông số của các cảm biến. Qua 8 tháng nghiên cứu, thực hành, dự án đã hoàn thành, robot có khả năng vận hành ở độ sâu khoảng 50m và thực hiện được các tính năng vận hành theo lộ trình được người dùng định trước; đồng thời robot sẽ tự động quay về vị trí xuất phát khi hết pin.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, hai học sinh Cao Thuận Thiên, lớp 11A4 và Đào Nguyễn Quốc Kha, lớp 11A6, Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa) đã thực hiện dự án Hệ thống hỗ trợ nghiên cứu ảnh hưởng của một số yếu tố môi trường lên sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Theo Đào Nguyễn Quốc Kha, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và nông nghiệp đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng không nhỏ đến cây trồng nên cần phải nghiên cứu chọn các giống cây mới, kỹ thuật canh tác mới nhằm thích ứng với điều kiện, môi trường, khí hậu thay đổi hiện nay.
Quốc Kha và Thuận Thiên lên ý tưởng, nghiên cứu, phát triển một hệ thống bao gồm một lồng kính để trồng cây và một ứng dụng trên điện thoại được kết nối với lồng kính để hỗ trợ cho việc nghiên cứu ảnh hưởng của một số yếu tố môi trường lên cây trồng. Dự án được ban giám khảo đánh giá cao về tính khả thi, ứng dụng trong thực tế.
Cũng như hai dự án trên, nhiều dự án tham gia cuộc thi lần này đều có những tính năng rất hữu dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như: dự án Nghiên cứu bào chế viên nén chứa cao Ráy hỗ trợ điều trị bệnh gout của tác giả Nguyễn Trần Bảo Phúc và Trần Thị Bảo Thi, lớp 10A1, Trường THPT Lê Hồng Phong (Tây Hòa); dự án Thiết bị bay đa nhiệm của tác giả Nguyễn Minh Hiển, lớp 11B3 và Đỗ Tấn Tài, lớp 11B4, Trường THPT Nguyễn Trãi; dự án Ứng dụng deeplearning trong quản lý đời sống xã hội của Nguyễn Ngọc Thanh và Võ Quang Minh, lớp 12 Tin, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh…
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Ngô Ngọc Thư cho biết cuộc thi KHKT năm nay có 82 dự án dự thi, tăng 15 dự án so với năm 2020. Trong đó có 36 dự án của học sinh khối THCS và 46 dự án của học sinh THPT. Trước khi bước vào cuộc thi cấp tỉnh, các đơn vị, trường học đã tổ chức hội thi cấp cơ sở. Từ 300 sản phẩm dự thi cấp cơ sở, các đơn vị đã lựa chọn ra các dự án tốt nhất dự thi cấp tỉnh. Đến với cuộc thi cấp tỉnh lần này, các dự án có chất lượng, đa dạng lĩnh vực, tính ứng dụng thực tiễn cao.
Theo đánh giá của ban giám khảo, các dự án tham dự cuộc thi KHKT lần này có chất lượng đồng đều, nhiều dự án có ý tưởng sáng tạo tốt, chuẩn bị công phu. Nhiều dự án gắn liền với việc học tập, sản xuất, có khả năng ứng dụng rộng rãi trong đời sống thực tiễn.
Kết quả, ở khối THCS, 2 giải nhất dành cho các dự án: Giải pháp giải tỏa áp lực cho học sinh THCS Lương Văn Chánh (tác giả Đặng Lưu Tâm Đan, lớp 8A1 Trường THCS Lương Văn Chánh, huyện Phú Hòa); dự án Robot hỗ trợ y tế (nhóm tác giả Võ Đức Tính, lớp 9A và Nguyễn Thị Kim Duyên, lớp 8A Trường tiểu học và THCS Lê Quý Đôn, TX Sông Cầu). Ở khối THPT, 2 giải nhất cho dự án Robot ngầm hỗ trợ nghiên cứu địa chất thủy văn (tác giả Trần Viết Lân, lớp 12A Trường THPT Trần Phú, huyện Tuy An) và dự án Hệ thống hỗ trợ nghiên cứu ảnh hưởng của một số yếu tố môi trường lên sinh trưởng và phát triển cây trồng (nhóm tác giả Cao Thuận Thiên, lớp 11A4 và Đào Nguyễn Quốc Kha, lớp 11A6 Trường THPT Nguyễn Huệ). |