Tư vấn, chuyển giao công nghệ theo nhu cầu của địa phương

Cập nhật lúc:   14:27:59 - 23/02/2021 Số lượt xem:   1190 Người đăng:   Admin
Ảnh minh họa: Internet Ảnh minh họa: Internet
Đảm nhiệm vai trò đầu mối chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phát triển các hoạt động dịch vụ khoa học công nghệ (KH-CN), Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (gọi tắt là Trung tâm) đã phối hợp tốt với các ngành liên quan tổ chức khảo sát nhu cầu công nghệ cần tư vấn nhằm chủ động và sát với thực tế của địa phương, đơn vị.
Trong năm 2020, Trung tâm đã tổ chức 30 lớp tập huấn, mỗi lớp 30 học viên tại 9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong đó, TP Tuy Hòa có 3 lớp, TX Sông Cầu 3 lớp, TX Đông Hòa 3 lớp; các huyện Tuy An 4 lớp, Phú Hòa 3 lớp, Tây Hòa 4 lớp, Sơn Hòa 4 lớp, Sông Hinh 3 lớp, Đồng Xuân 3 lớp. 
Trong các đợt tập huấn, Trung tâm tập trung chuyển giao các kỹ thuật trồng nấm ăn và nấm dược liệu, ba kích tím, cà gai leo, sa nhân tím, hoa ly, hoa cúc, chuối cấy mô; trồng và nhân giống keo lai; trồng dưa lưới trong nhà màng; trồng bắp lấy cây làm nguyên liệu ủ chua; vỗ béo bò bằng thức ăn ủ chua từ cây bắp. Năm 2021, Trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn 30 lớp với địa điểm và nội dung tập huấn không trùng lặp với các năm trước.
Nói về nhu cầu công nghệ của địa phương trong năm 2021, ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho biết: Ngành Nông nghiệp huyện đang chuyển đổi theo hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo nghị quyết của Tỉnh ủy. Hiện tại về mảng cây dược liệu, huyện chủ yếu phát triển cây cà gai leo nên đề nghị Trung tâm hỗ trợ về kỹ thuật để nhân rộng mô hình. 
Về cây lương thực, gạo lúa đỏ vẫn chưa phát triển mang tính bền vững, chưa phát triển thành hàng hóa nên địa phương cần xây dựng thương hiệu, phát triển diện tích trồng cũng như liên kết doanh nghiệp lo đầu ra cho sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất. Về mô hình trồng bắp sinh khối, trước đây huyện đã thực hiện nhưng do diện tích trồng manh mún, nhỏ lẻ, chưa thành công nên cần tư vấn thêm để phát triển mô hình. 
Theo ông Trần Văn Danh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Hòa, các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương chưa có thương hiệu, tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ nên cần tư vấn thêm về việc xây dựng, tham gia sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời Trung tâm nên lồng ghép chương trình hướng dẫn sử dụng chế phẩm PYMIC vào các lớp tập huấn để người dân biết và sử dụng rộng rãi chế phẩm vi sinh. 
Lắng nghe, khảo sát nhu cầu tư vấn, hỗ trợ về KH-CN ở cơ sở là việc làm cần thiết để chọn đúng vấn đề, sát thực tế. Bà Đặng Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm cho biết, đơn vị vừa đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn về công nghệ hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương, vừa là cầu nối liên kết với các doanh nghiệp thu mua, vì vậy các địa phương, đơn vị nếu có nhu cầu về kỹ thuật sản xuất, chế biến có thể gửi đề xuất để Trung tâm tư vấn, hỗ trợ về công nghệ, các ứng dụng khoa học kỹ thuật. 
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 41
accessibility Hôm qua: 74
account_circle Trong tháng: 258.903
account_box Trong năm: 1.236
supervisor_account Tổng truy cập: 3.185.608