Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên - nhi đồng tỉnh được tổ chức mỗi năm một lần nhằm khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng.
Năm 2022, cuộc thi đã diễn ra thành công, nhận được sự hưởng ứng tích cực của thanh thiếu niên, nhi đồng trong toàn tỉnh.
Khơi dậy đam mê
Sau 1 năm triển khai, cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên - nhi đồng tỉnh Phú yên lần thứ VII (2021-2022) đã lan tỏa niềm đam mê sáng tạo, rèn luyện kỹ năng, xây dựng ý thức tốt đẹp cho hàng ngàn học sinh, thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Phú Yên.
Năm nay, ban tổ chức đã chọn vào vòng chung khảo 69 ý tưởng, giải pháp tốt nhất về các lĩnh vực: Đồ dùng dành cho học tập, phần mềm tin học, sản phẩm thân thiện với môi trường, dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Kết quả, ban tổ chức trao 1 giải nhất, 5 giải nhì, 10 giải ba và 15 giải khuyến khích; đồng thời chọn 10 mô hình, sản phẩm tiêu biểu đạt giải cao tại cuộc thi cấp tỉnh để tham dự cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên - nhi đồng toàn quốc lần thứ 18 (2021-2022).
Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật tỉnh, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, năm nay, thông qua ý tưởng, giải pháp, các tác giả đã thể hiện cả những ước mơ vươn cao của giới trẻ trong thời đại KH-CN, lẫn những nhu cầu bức thiết trong cuộc sống thường ngày, đồng thời thể hiện ý thức trách nhiệm của các em trong việc góp phần xây dựng gia đình, xã hội.
Cũng theo ông Khoa, trong cuộc thi, rất nhiều giải pháp, sản phẩm sáng tạo có giá trị thực tiễn cao được các thí sinh thực hiện. Đơn cử, sản phẩm “Hệ thống cảnh báo khử khuẩn trước khi vào nhà”, tác giả Nguyễn Như Quỳnh, lớp 8A1, Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Tuy Hòa) xuất sắc đạt giải nhất, thể hiện được tính mới và tính sáng tạo. Hay các mô hình, giải pháp (đạt giải nhì), như: “Rô bốt tạo rãnh, gieo hạt và bón phân điều khiển bằng smart phone”, tác giả Võ Văn Hoàng Vũ và Nguyễn Khải Hưng, lớp 11A3, Trường THPT Phan Đình Phùng (TX Sông Cầu); giải pháp “Hệ thống cảnh báo thông minh ở các điểm giao nhau giữa đường ray tàu hỏa và đường bộ”, tác giả Phạm Ngọc Minh Thiên, lớp 6A, Trường THCS Hoàng Văn Thụ (TX Sông Cầu)…
Em Nguyễn Như Quỳnh cho biết: “Điểm mới của mô hình hệ thống cảnh báo khử khuẩn trước khi vào nhà, ngoài chức năng phun sương khử khuẩn thì còn có hệ thống cảnh báo giúp học sinh chúng em nói riêng và người dân nói chung không quên rửa tay sát khuẩn trước khi vào nhà để giữ gìn vệ sinh”.
Còn em Võ Văn Hoàng Vũ chia sẻ: “Từ thực tế sản xuất của gia đình, thấy ba mẹ gặp khó khăn khi gieo hạt, bón phân bằng phương pháp thủ công truyền thống, em có ý tưởng chế tạo chiếc máy này. Nhận được sự giúp đỡ, hướng dẫn nhiệt tình của thầy cô, em và bạn Nguyễn Khải Hưng đã tìm tòi nghiên cứu, chế tạo thành công rô bốt tạo rãnh, gieo hạt và bón phân điều khiển bằng smart phone. Khi sử dụng máy, năng suất lao động sẽ tăng khoảng 3 lần so với dùng tay. Em rất vui vì khi sử dụng máy này, ba mẹ em cũng như những người lao động khác sẽ tránh được các bệnh lý về cột sống, hạn chế tai nạn lao động và đỡ tốn công sức hơn”.
Lan tỏa sức sáng tạo
Ông Nguyễn Văn Khoa nhận định: Trong 69 giải pháp vòng chung khảo, có 20 giải pháp thuộc nhóm sản phẩm thân thiện với môi trường và 22 giải pháp thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Điều này cho thấy giới trẻ hiện nay có ý thức rất cao trong việc bảo vệ môi trường, góp phần dựng xây quê hương, đất nước xanh - sạch - đẹp. Các ý tưởng sáng tạo của các em rất phong phú, có ở tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội và mang hiệu quả tích cực trong cuộc sống.
Vòng chấm chung khảo cuộc thi năm nay có nhiều nét mới, so với các cuộc thi trước đây. Để công tâm và khách quan, tác giả dự thi phải trả lời phỏng vấn trực tiếp với các giám khảo chấm thi, để khẳng định được sản phẩm đó có do chính tác giả nghĩ ra và ý tưởng đó là của tác giả. Nếu phần trả lời phỏng vấn không đạt yêu cầu thì các giám khảo sẽ xem xét lại kết quả chấm điểm. Trường hợp cần thiết, để đảm bảo tính khách quan, minh bạch, ban tổ chức hoặc hội đồng giám khảo yêu cầu phỏng vấn lại và xem xét lại kết quả tính điểm.
“Chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền sâu rộng tới các địa phương, đặc biệt là các huyện miền núi, các trường học vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số để lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa cuộc thi đến tất cả các em học sinh, thanh thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh. Cuộc thi thực sự là sân chơi bổ ích, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, tiếp thêm động lực, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà khoa học, nhà sáng chế”, ông Khoa cho hay.
Ngay sau lễ trao giải, ban tổ chức đã phát động cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên - nhi đồng tỉnh Phú Yên lần thứ VIII năm 2022-2023.
Ban tổ chức đã trao giấy chứng nhận cho 31 giải pháp đạt giải cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên - nhi đồng lần thứ VII (2021-2022) ; trong đó có 1 giải nhất, 5 giải nhì, 10 giải ba và 15 giải khuyến khích. UBND tỉnh tặng bằng khen cho 28 tác giả, nhóm tác giả đạt giải cao tại cuộc thi; Sở GD-ĐT tặng giấy khen cho 10 giáo viên đã hỗ trợ, hướng dẫn 10 giải pháp đạt giải cao được ban tổ chức chọn gửi tham gia cuộc thi toàn quốc lần thứ 18 (2021-2022). Ngoài ra, ban tổ chức còn tặng giấy khen cho 5 tập thể và 5 cá nhân có thành tích nổi bật trong công tác tuyên truyền, vận động tổ chức cuộc thi. |