Ngày 13/10, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Phục hồi kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh COVID-19. Khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối các địa phương”.
Hội nghị dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, kiêm Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng. Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, tổ chức tài chính thế giới, nhà khoa học, doanh nghiệp… Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành. Tại điểm cầu Phú Yên có các đồng chí: Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở ngành, Trường Chính trị tỉnh, Trường đại học Phú Yên dự.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư với biến chủng Delta, Việt Nam đã chịu tác động nặng nề, ảnh hưởng đến nền kinh tế - xã hội. Với sự vào cuộc phòng, chống dịch của cả hệ thống chính trị và toàn dân, với những giải pháp quyết liệt đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh COVID-19. Thời điểm này, cần thiết phải phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau hơn 4 tháng bị gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, vẫn phải đặt mục tiêu an toàn sức khỏe, tính mạng, phòng chống dịch lên trên hết, kiên trì phát triển mục tiêu kép. Mục tiêu từ “zero COVID” sang “sống chung an toàn với vi rút”, theo tinh thần: Phục hồi kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh COVID-19. Khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối các địa phương.
Tại hội thảo, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng có tham luận quan trọng về chương trình phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023. Theo đó, quan điểm, mục tiêu của chương trình là “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh COVID-19”, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 là 6,5-7%. Nhanh chóng khắc phục khó khăn các nền kinh tế, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tiêu dùng, tháo gỡ tắc nghẽn về nguồn lực, trong đó có đầu tư công, phát triển các đô thị lớn, vùng kinh tế trọng điểm, ngành, lĩnh vực động lực tăng trưởng. Góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, an dân; nâng cao an sinh, phúc lợi xã hội, chất lượng y tế, sức khỏe cho người dân, người lao động…
Tại hội thảo, các chuyên gia tài chính quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài, chuyên gia kinh tế cũng đánh giá cao công tác phòng, chống dịch của Việt Nam và chiến lược mở cửa, phục hồi kinh tế “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh COVID-19” hiện nay. Trong đó, chiến lược tiêm vắc xin là một trong những điều kiện, giải pháp quan trọng.
Phát biểu hội thảo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao việc tổ chức hội thảo; các tham luận, ý kiến đề xuất của các chuyên gia, các địa phương tại hội thảo là cơ sở khoa học để triển khai hiệu quả việc phục hồi kinh tế. Quan điểm của Chính phủ là bảo đảm mục tiêu kép, nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất…