PHÁT HUY TRÍ TUỆ CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC KH&CN VIỆT NAM TRONG XDCS PHÁP LUẬT VÀ THAM GIA QLNN VỀ KH&CN

Cập nhật lúc:   16:14:32 - 09/06/2023 Số lượt xem:   225 Người đăng:   Administrator
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tạiLễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch HCM gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963-18/5/2023) và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tạiLễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch HCM gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963-18/5/2023) và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Trong mọi thời đại, ở mọi quốc gia, đội ngũ trí thức luôn luôn là một lực lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Tập hợp và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam trong việc xây dựng chính sách pháp luật, tham gia quản lý nhà nước về KH&CN chính là nhiệm vụ trọng tâm mà Liên hiệp Hội Việt Nam đề ra trong giai đoạn hiện nay.

Thay đổi tư duy phát triển, cần có cái nhìn đột phá
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã trải qua 40 năm hình thành và phát triển, là tổ chức chính trị - xã hội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Ban Bí thư. Theo đó, Liên hiệp Hội Việt Nam có chức năng tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) người Việt Nam ở trong và ngoài nước; điều hòa, phối hợp và hướng dẫn hoạt động của các hội thành viên; làm cầu nối giữa các hội thành viên với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức khác nhằm giải quyết những vấn đề chung đối với đội ngũ trí thức; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức thành viên, của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam.
Tính đến tháng 6/2023, Liên hiệp Hội Việt Nam có 156 hội thành viên, gồm 63 Liên hiệp hội địa phương và 93 hội ngành toàn quốc. Trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam có gần 600 đơn vị KH&CN được tổ chức và hoạt động theo Nghị định 08/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Các tổ chức thành viên thuộc Liên hiệp hội Việt Nam đã tập hợp được 3,7 triệu hội viên, trong đó có 2,2 triệu trí thức KH&CN, chiếm 32,5% trí thức của cả nước.
Trong suốt quá trình phát triển, Liên hiệp Hội Việt Nam đã không ngừng phát huy vai trò của đội ngũ trí thức KH&CN trong tham gia xây dựng, củng cố phát triển tổ chức của Liên hiệp Hội Việt Nam thành một tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần phát triển bền vững xã hội nói chung và hoàn thành nhiệm vụ của Liên hiệp Hội Việt Nam nói riêng, đóng góp vai trò quan trọng trong xây dựng chính sách, pháp luật và tham gia quản lý nhà nước về KH&CN.
Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra sâu rộng như hiện nay, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ thông tin và internet, đòi hỏi đội ngũ trí thức phải vừa có đức, vừa có tài, đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước. Sự phát triển mạnh mẽ của KH&CN trên thế giới như hiện nay là chưa từng có trong lịch sử loài người. Nền kinh tế tri thức và sự biến chuyển trong các chuỗi giá trị toàn cầu đang tạo ra thời cơ mới cho Việt Nam hội nhập sâu hơn và hiệu quả hơn vào kinh tế thế giới, đặc biệt là khi cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ. Vì thế, quan điểm cho giai đoạn mới cũng cần có nhiều điểm mới và sự đột phá. Việt Nam cần phải có sự thay đổi và có thể thay đổi nhanh chóng. Cần đổi mới tư duy theo tư duy tổng thể toàn cầu, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, mà trong đó nguồn lực, động lực quan trọng nhất là nhân tài tri thức và sáng tạo.
Yêu cầu đặt ra đối với sự hoàn thiện pháp luật là phải thích nghi với xu thế mới và đổi mới. Để điều chỉnh các hoạt động KH&CN một cách hiệu quả, chúng ta phải có cách tiếp cận hệ thống pháp luật theo hướng đổi mới, sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, điều chỉnh các quan hệ của doanh nghiệp và các bên liên quan; thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về phát triển KH&CN thúc đẩy đổi mới sáng tạo để vượt qua các thách thức của nền kinh tế trước xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chú trọng các chính sách vĩ mô
Đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam hiện nay đã tăng nhanh về số lượng, nâng lên về chất lượng, với những đóng góp quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững. Để xây dựng đội ngũ trí thức KH&CN đáp ứng yêu cầu của thời đại, các giải pháp vĩ mô cần được quan tâm thực hiện.
Trước hết, cần tạo mọi cơ chế và điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức phát huy năng lực, trình độ chuyên môn của mình. Tạo điều kiện để trí thức tự khẳng định, phát triển, cống hiến và được xã hội tôn vinh; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu và ứng dụng KH&CN trên mọi lĩnh vực; hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường thực thi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với các sản phẩm sáng tạo, nhằm bảo đảm lợi ích của trí thức khi chuyển giao phát minh, sáng chế, sáng kiến. Xây dựng các khu đô thị khoa học, khu công nghệ cao, tổ hợp khoa học - sản xuất, các trung tâm văn hóa hiện đại để thúc đẩy hoạt động sáng tạo của trí thức trong nước và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.
Ðảng và Nhà nước cần tiếp tục đổi mới công tác tổ chức cán bộ, tạo cơ chế để thu hút, tập hợp nhân tài người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, tích cực hiến kế và trực tiếp tham gia xây dựng và phát triển đất nước. Có chế độ đãi ngộ, cơ chế khen thưởng xứng đáng với cống hiến của đội ngũ trí thức. Công khai, minh bạch trong công tác tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp cao, tạo động lực và cơ hội để đội ngũ trí thức phát triển.
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”. Do đó, cần tăng cường các hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường hợp tác và liên thông với các cơ sở đào tạo có uy tín trên thế giới, tích cực học hỏi kinh nghiệm, từng bước xây dựng các cơ sở đào tạo trong nước ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới; đồng thời, khuyến khích đội ngũ trí thức trong nước đi đào tạo ở nước ngoài, đặc biệt là các ngành mà đất nước đang cần.
Nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong truyền bá những tri thức tiến bộ cho nhân dân, áp dụng có hiệu quả vào sản xuất và đời sống xã hội. Củng cố, phát triển, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nơi đội ngũ trí thức sinh hoạt. Có cơ chế để các hội KH&CN và trí thức thực hiện một số dịch vụ công để “giảm tải” công việc cho các cơ quan nhà nước; đồng thời, phát huy được tài năng, lợi thế của đội ngũ trí thức.
Vai trò chủ lực, chủ công của Liên hiệp Hội Việt Nam
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963-18/5/2023) và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (26/3/1983-26/3/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, Liên hiệp Hội Việt Nam cần chủ động tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, làm tốt hơn nữa công tác vận động trí thức trong tình hình mới, thể hiện rõ vai trò chủ công của mình trong việc vận động, tập hợp, đoàn kết và phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963-18/5/2023) và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (26/3/1983-26/3/2023)

Với vai trò chủ công, Liên hiệp Hội Việt Nam phải luôn chủ động và tích cực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục thúc đẩy việc thể chế mọi hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến Liên hiệp Hội Việt Nam và đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam. Đặc biệt là theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương, Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị, Kết luận số 93-KL/TW ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư Trung ương.
Liên hiệp Hội Việt Nam luôn phải là hạt nhân tập hợp, giữ vai trò nòng cốt đoàn kết và vận động trí thức KH&CN, phát huy tốt vai trò của đội ngũ trí thức KH&CN; hướng tới lực lượng trí thức trong các doanh nghiệp và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài để có những sáng kiến, sáng tạo và thiết thực trong tư vấn, phản biện và giám định xã hội; đề xuất, tham mưu cho Đảng và Nhà nước những vấn đề quan trọng về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển và bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước.
Phát huy vai trò thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp Hội Việt Nam lựa chọn và tiến cử các trí thức KH&CN, nhà khoa học có uy tín tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp để phát huy vai trò tài năng và bản lĩnh của đội ngũ trí thức, là người đại biểu của Nhân dân, đóng góp ý kiến và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phổ biến kiến thức, truyền thông kết quả hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam;  nâng cao chất lượng đề xuất, tham mưu cho Đảng và Nhà nước những vấn đề lớn về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là về KH&CN, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức; nâng cao năng lực cho các tổ chức trong toàn hệ thống, đặc biệt là Liên hiệp hội địa phương, trong đó chú trọng hướng đến năng lực tư vấn chính sách. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và đào tạo cán bộ thực hiện công tác tham mưu và hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Liên hiệp Hội ở Trung ương và địa phương, sự điều hành của Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, Ban Thường vụ Liên hiệp hội địa phương và Hội ngành toàn quốc, của lãnh đạo các tổ chức KH&CN trực thuộc đối với công tác thi đua, khen thưởng và tôn vinh trí thức với nhiều hình thức phù hợp để tôn vinh trí thức, khuyến khích và thúc đẩy sáng tạo KH&CN. Nâng tầm quốc gia đối với hoạt động tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu.
Đặc biệt, Liên hiệp Hội Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng việc tổ chức diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, từ đó phát huy trí tuệ tham mưu, tư vấn, đề xuất giải pháp với các cơ quan Đảng và Nhà nước những vấn đề lớn trong xã; đồng thời đổi mới, đa dạng hóa các hình thức hợp tác và nâng cao hiệu quả của hoạt động hợp tác quốc tế; tích cực tham gia, chủ động khởi xướng, đăng cai tổ chức các hoạt động đối ngoại nhân dân có quy mô lớn và uy tín quốc tế, đặc biệt là về KH&CN.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Liên hiệp Hội Việt Nam đã luôn thể hiện được vai trò to lớn của mình với tư cách là một tổ chức chính trị - xã hội, là thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc. Liên hiệp Hội Việt Nam đã thực hiện tốt việc tập hợp, tạo dựng môi trường để đoàn kết đội ngũ trí thức KH&CN trong, ngoài nước, bồi dưỡng lòng yêu nước, trách nhiệm công dân. Mỗi trí thức ngày càng tự hào hơn về vai trò, trách nhiệm của mình đối với dân tộc, với đất nước, tích cực đóng góp nhiều hơn trong việc xây dựng chính sách pháp luật và tham gia quản lý nhà nước về KH&CN, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phát triển vững mạnh, hùng cường./.
Phạm Hữu Duệ
Nguồn: vusta.vn
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 82
accessibility Hôm qua: 61
account_circle Trong tháng: 275.807
account_box Trong năm: 42.076
supervisor_account Tổng truy cập: 3.182.396