Nhân rộng mô hình thu gom rác thải nông thôn

Cập nhật lúc:   14:33:17 - 04/01/2018 Số lượt xem:   1090 Người đăng:   Administrator
Người dân xã An Mỹ hình thành thói quen tập kết rác để xe tới thu gom, mang đi xử lý - Ảnh: MINH DUYÊN Người dân xã An Mỹ hình thành thói quen tập kết rác để xe tới thu gom, mang đi xử lý - Ảnh: MINH DUYÊN
Mô hình Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt nông thôn tại xã An Mỹ (huyện Tuy An)
Cập nhật ngày: 10/01/2017
Mô hình Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt nông thôn tại xã An Mỹ (huyện Tuy An), sau 6 tháng hoạt động đã phát huy hiệu quả, góp phần làm sạch đẹp nông thôn. UBND xã An Mỹ đã áp dụng một số giải pháp mang lại những hiệu quả bước đầu. Mô hình này cần được nhân rộng ra các địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh. 

Ra đời là cần thiết

Tháng 6/2016, Sở TN-MT phối hợp với UBND huyện Tuy An triển khai đề án Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt nông thôn tại xã An Mỹ. Ông Hoàng Ngọc Mùi, Trưởng Phòng TN-MT huyện Tuy An, cho biết: UBND huyện Tuy An chọn xã An Mỹ làm mô hình điểm cho toàn huyện, bởi từ trước đó, nhiều hộ dân trong xã đã hùn nhau thuê xe bục bịch thu gom rác đi đổ. Tuy nhiên, bà con làm tự phát nên việc xử lý rác chưa đúng quy trình. Trong khi đó, tại xã An Mỹ, mỗi ngày có từ 15-20 tấn rác không được thu gom, làm mất cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường. Trước nhu cầu của người dân, UBND huyện đã đầu tư kinh phí khoảng 200 triệu đồng giúp xã triển khai mô hình này.

Mô hình được thực hiện trên địa bàn 3 thôn Phú Long, Hòa Đa, Giai Sơn theo hình thức tự quản cộng đồng do Hội LHPN xã đảm nhiệm. Trong quá trình thực hiện, Sở TN-MT đã hỗ trợ 26 xe thu gom rác, 4 bộ đồ bảo hộ lao động và 6 tháng lương đầu tiên cho 5 người trong tổ thu gom rác, mỗi người 1,5 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Tấn Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã An Mỹ, cho biết: Xã An Mỹ có 5 thôn. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã giúp xã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, từ đây đẩy mạnh hoạt động dịch vụ thương mại, phát triển kinh tế hộ và đời sống của người dân ngày một nâng cao. Để đảm bảo phát triển bền vững, chính quyền xã quan tâm đến công tác vệ sinh, giữ gìn cảnh quan môi trường sống bằng cách đưa mô hình thu gom rác thải đi vào hoạt động. UBND xã đặt ra mục tiêu khoảng 65% lượng rác thải tại đây được thu gom, xử lý. Các hộ dân được nâng cao ý thức sinh hoạt, hình thành thói quen tập hợp rác sinh hoạt vào một chỗ, không vứt rác bừa bãi ra kênh mương, đường làng…

Theo bà Nguyễn Thị Thoa ở thôn Phú Long, trước đây, khi chưa triển khai mô hình thu gom rác, gia đình bà cùng nhiều gia đình trong thôn phải mang rác ra ngã ba đầu thôn, cách nhà khoảng 1km để chờ xe thu gom của UBND huyện tới dọn. Xe rác của huyện thu gom rác từ 1-4 giờ sáng, còn người dân lại có thói quen 5-7 giờ sáng mới mang rác đi đổ. Nhiều lúc xe rác không thu gom hết, rác bị dồn ứ bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng kéo tới, mất vệ sinh. “Khi chính quyền xã làm dịch vụ này, tôi chỉ cần mang rác để ngoài cửa là có người thu gom, vừa tiện vừa sạch sẽ”, bà Thoa nói.

Mô hình xã hội hóa

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai mô hình cũng đã gặp không ít khó khăn. Bà Trần Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch Hội LHPN xã An Mỹ, cho hay: Khi giao cho Hội LHPN xã quản lý, chị em trong chi hội đã làm tốt vai trò vận động tuyên truyền. Nhưng công tác thu gom rác thải còn gặp nhiều khó khăn. Do chị em sức yếu mà phải đẩy xe rác nặng, đường dốc nên không đủ sức để kéo. Đồng thời, bánh của xe thu gom rác là bánh hơi, không phải lốp đặc nên mất một khoản chi phí cho việc vá lốp và khi hết hơi giữa chừng thì chị em không biết xử lý thế nào. Trước những khó khăn trên, Hội LHPN xã chỉ duy trì hoạt động mô hình này được 4 tháng và thu hẹp việc thu gom còn 2 thôn (riêng thôn Giai Sơn do điều kiện địa hình không bằng phẳng nên chỉ duy nhất xóm Bình Dưa còn duy trì được hoạt động thu gom).

Trước tình hình đó, UBND xã quyết định chuyển hình thức quản lý từ tự quản cộng đồng sang xã hội hóa, trong đó kêu gọi các doanh nghiệp đóng trên địa bàn đủ năng lực tham gia. Đến tháng 10/2016, DNTN Hai Lâm ký hợp đồng với UBND xã về thu gom, vận chuyển rác thải tới điểm tập kết tại địa phương, chính thức tiếp quản mô hình; nhờ đó mô hình tiếp tục được duy trì. Ông Lương Công Lâm, Chủ DNTN Hai Lâm, cho biết: Với hơn chục lao động chủ yếu là người trong xã, có sức khỏe tốt và làm việc chuyên nghiệp nên sau 2 tháng nhận quản lý, đơn vị cơ bản đã đưa hoạt động thu gom rác đi vào ổn định. Hiện mỗi ngày đơn vị thu gom được 2-4 tấn rác tại 2 thôn, đạt 80% lượng rác thải, vượt 15% so với chỉ tiêu đề ra. Mô hình thu hút 1.200 hộ dân đồng thuận đóng phí sử dụng dịch vụ, chiếm gần 70% tổng số hộ tại 2 thôn.

Ông Trần Trung Trực, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT), nhận xét: Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai nhưng UBND xã đã kịp thời xử lý để tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả ban đầu. Thời gian tới, chính quyền cùng các hội đoàn thể ở xã cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho người dân về việc phân loại rác thải trước khi đổ bỏ, tạo điều kiện cho đơn vị thu gom cũng như quá trình xử lý được triệt để. Đồng thời, địa phương cần nhân rộng mô hình ra 5 thôn, thu hút thêm nhiều hộ dân tham gia dịch vụ. Để đồng hành cùng chính quyền, Sở TN-MT sẽ hỗ trợ thêm phương tiện, trang phục bảo hộ lao động… Đồng thời, từ mô hình ở xã An Mỹ, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh sẽ nhân rộng ra ở các địa phương khác.
Link 
MINH DUYÊN
Nguồn: baophuyen.com.vn ngày 05/01/2017

 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 7
accessibility Hôm qua: 99
account_circle Trong tháng: 283.742
account_box Trong năm: 34.948
supervisor_account Tổng truy cập: 3.175.268