Đầu tư để phát triển nuôi biển bền vững

Cập nhật lúc:   15:50:06 - 12/12/2019 Số lượt xem:   1045 Người đăng:   Administrator
Nuôi thủy sản ở vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu). Ảnh: ANH NGỌC Nuôi thủy sản ở vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu). Ảnh: ANH NGỌC
Thời gian qua, việc phát triển nuôi các đối tượng thủy sản biển ở Phú Yên vẫn còn nhiều hạn chế, chưa bền vững. Mới đây, tại hội nghị phát triển giống thủy sản phục vụ nuôi biển bền vững, nhiều nhà khoa học đã phân tích, đưa ra một số giải pháp để phát triển nuôi biển trong thời gian tới.
Nhiều hạn chế
 
Theo Sở NN-PTNT, diện tích quy hoạch nuôi thủy sản lồng bè trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là 1.650ha, tập trung chủ yếu ở đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu) và huyện Tuy An. Tổng số lồng bè nuôi theo quy hoạch là 49.000 lồng; trong đó, huyện Tuy An là 16.100 lồng và TX Sông Cầu 32.900 lồng. Ngoài ra, tỉnh còn quy hoạch các đối tượng nuôi biển khác như rong biển, ốc hương, cua, ghẹ…
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 27 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản còn hoạt động. Tôm hùm giống chủ yếu được khai thác từ tự nhiên, sản lượng khai thác ngày càng giảm (năm 2015 khoảng 1,4 triệu con, đến năm 2018 còn khoảng 270.000 con). Do lượng con giống tôm hùm khai thác giảm, trong khi đó nhu cầu giống để nuôi trên địa bàn tỉnh tăng cao nên những năm gần đây tôm hùm giống chủ yếu nhập từ các nước Philippines, Malaysia, Indonesia.
 
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Khó khăn nhất hiện nay là hầu hết các cơ sở sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, quy mô sản xuất ngày càng thu hẹp, việc giao đất, mặt nước phục vụ nuôi trồng thủy sản còn nhiều vướng mắc do các vùng nuôi chưa lập quy hoạch chi tiết. Các cơ sở sản xuất giống đang gặp khó khăn bởi thị trường tiêu thụ hiện nay rất hạn chế nên hiệu quả không cao, các cơ sở ương nuôi giống cá biển chủ yếu mua từ tỉnh ngoài về ương để bán, thị trường tiêu thụ không ổn định nên rất khó cho các cơ sở lập kế hoạch sản xuất, đầu tư.
 
Theo ông Trần Công Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), hiện nay, việc nuôi các đối tượng thủy sản biển ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, đa số địa phương còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết, điều kiện cơ sở hạ tầng còn hạn chế, trình độ kỹ thuật của người nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu.
 
Trong khi đó, KH-CN đối với sản xuất giống phục vụ nuôi biển còn yếu kém, công nghệ nuôi và hệ thống lồng bè chưa thích ứng với điều kiện thời tiết, sóng biển, một số đối tượng nuôi chưa có quy trình chuẩn hoặc chưa được nghiên cứu thử nghiệm. Đối với thức ăn cho thủy sản nuôi, hầu hết người nuôi sử dụng cá tạp nên rất dễ gây ô nhiễm môi trường; dịch bệnh tại hầu hết các vùng nuôi chưa được kiểm soát. Hiện nay, môi trường vùng ven biển ở nhiều địa phương bị ô nhiễm nặng do tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
 
Cần áp dụng phương thức nuôi quy mô công nghiệp
 
Theo Tổng cục Thủy sản, để phát triển nuôi biển theo hướng bền vững, ngành Nông nghiệp tiếp tục rà soát, hoàn thiện đề án Phát triển nuôi biển Việt Nam đến năm 2030 nằm trong Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam như Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo. Do đó, các địa phương cần thực hiện tốt Luật Thủy sản 2017, triển khai quy hoạch chi tiết các vùng nuôi, có chính sách khuyến khích đầu tư công nghệ trong nuôi biển và chế biến.
 
PGS-TS Nguyễn Quang Huy, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, cho biết: Những năm gần đây, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã triển khai nhiều dự án, đề tài khoa học phục vụ nghề nuôi biển ở Việt Nam, trong đó chủ yếu là các đối tượng cá biển. Viện đã làm chủ được công nghệ sản xuất cá giống, lắp đặt lồng nuôi cá biển chịu sóng và quy trình công nghệ nuôi cá biển quy mô công nghiệp.
 
Đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu cải tiến công nghệ nuôi thương phẩm theo hướng nâng cao năng suất nuôi, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường, quản lý dịch bệnh tốt, giảm chi phí sản xuất để có giá cạnh tranh. Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I sẵn sàng hợp tác, chuyển giao công nghệ cho các tỉnh và tổ chức, cá nhân có nhu cầu…
 
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, các địa phương cần phát triển các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh và thị trường tiêu thụ, nhưng phù hợp với điều kiện môi trường ở từng vùng nuôi. Các tỉnh cần áp dụng phương thức nuôi quy mô công nghiệp, nuôi kết hợp các loài hải sản theo hình thức hữu cơ, sinh thái, bảo đảm sức tải môi trường, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân tham gia nuôi biển cần áp dụng công nghệ nuôi hiện đại như công nghệ nuôi tuần hoàn, công nghệ tạo dòng chảy…
 
Để phát triển giống thủy sản phục vụ nuôi biển mang tính bền vững và hiệu quả hơn, các địa phương và ngành chức năng cần điều tra hiện trạng trại sản xuất giống thủy sản trên phạm vi cả nước để có định hướng cụ thể trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Ngành Nông nghiệp phải xây dựng quy chuẩn quốc gia về trại giống hải sản; ban hành quy định cụ thể về kiểm soát giống hải sản; cần bổ sung trại sản xuất mang tính công nghiệp vào đối tượng được vay vốn theo chính sách phát triển thủy sản. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp và các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ thiết lập trại giống hải sản hiện đại, xây dựng sàn giao dịch giống hải sản, phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ.
 
Các viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và các nhà khoa học cần nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất giống thủy sản cho các địa phương, đặc biệt là sản xuất giống các đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định. Các bộ, ngành Trung ương cần sớm bổ sung, điều chỉnh những quy định liên quan đến nuôi biển mà các địa phương đang gặp vướng mắc, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển nuôi biển bền vững.
 
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Tri Phương
 
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 15
accessibility Hôm qua: 99
account_circle Trong tháng: 283.750
account_box Trong năm: 34.956
supervisor_account Tổng truy cập: 3.175.276