Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tỉnh rất quan tâm, đã tác động tích cực đến việc nâng tỉ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu trong năm 2020, Phú Yên sẽ triển khai trồng mới khoảng 6.000ha rừng, nâng tỉ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đạt 45%.
Theo Sở NN-PTNT, tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp ở Phú Yên hơn 276.045ha (chiếm khoảng 55% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh), trong đó đất có rừng khoảng 205.910ha, gồm rừng tự nhiên gần 126.970ha và rừng trồng khoảng 78.940ha.
Tăng cường bảo vệ
Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được các chủ rừng quan tâm, qua đó tác động tích cực đến việc nâng tỉ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, toàn tỉnh đã trồng mới được khoảng 7.045ha rừng, trong đó rừng sản xuất hơn 6.780ha, còn lại là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; nâng tỉ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 44%.
Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Năm 2020, tỉnh phấn đấu tỉ lệ che phủ rừng đạt 45%. Để đạt được mục tiêu này, các địa phương trong tỉnh sẽ trồng mới khoảng 6.000ha rừng, trong đó trồng mới khoảng 5.660ha rừng sản xuất (keo, bạch đàn), khoảng 290ha rừng thay thế và 50ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; chuyển hóa rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang định hướng kinh doanh gỗ lớn khoảng 115ha. Ngoài trồng mới, Phú Yên còn tiếp tục chăm sóc khoảng 16.600ha rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên khoảng 1.370ha rừng, khoán bảo vệ rừng khoảng 35.325ha.
Theo ông Nguyễn Lý Nguyên, hiện Phú Yên tăng cường công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, ngăn chặn và xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Năm 2020, tỉnh phấn đấu giảm khoảng 10% số vụ và diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2019, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng phá rừng, khai thác, kinh doanh, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn quản lý.
Tỉnh cũng có kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng đối với các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn, trong đó ưu tiên giao rừng đồng bộ giao đất đối với diện tích rừng tự nhiên do các địa phương quản lý. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích rừng trồng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC (tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững).
Nâng cao chuỗi giá trị rừng
Bên cạnh các giải pháp nói trên, hiện Phú Yên đang thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp bền vững theo định hướng của Chính phủ. Cụ thể, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có gần 9.550ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất các giống cây lâm nghiệp mới có chất lượng cao nhằm nâng cao năng suất rừng trồng.
Ngoài ra, việc thành lập và đưa vào hoạt động HTX Lâm nghiệp công nghệ cao Phú Yên cũng là một trong những hướng phát triển mang tính bền vững. HTX xã này đang xây dựng chuỗi giá trị phát triển rừng trồng bền vững đến năm 2025 khoảng 20.000-25.000ha rừng; đồng thời liên kết đầu tư xây dựng 2 vườn ươm cây giống lâm nghiệp tại TX Sông Cầu và huyện Đồng Xuân, dự kiến năm 2021, các vườn ươm này sẽ đi vào hoạt động.
Ông Trần Đăng Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên cho biết: Công ty là thành viên của HTX Lâm nghiệp công nghệ cao Phú Yên. Đối với công tác trồng rừng, đến nay công ty đã trồng hơn 3.600ha rừng và đang triển khai trồng mới khoảng 1.400ha rừng, tập trung chủ yếu ở các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa, Tuy An và TX Sông Cầu, trong đó có khoảng 1.900ha đã được cấp chứng chỉ FSC. Công ty đang liên kết với các thành viên của HTX Lâm nghiệp công nghệ cao Phú Yên trồng khoảng 8.000ha rừng và một số ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh để trồng khoảng 3.000ha rừng.
Mục tiêu của đơn vị là liên kết mở rộng thêm vùng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu khoảng 400.000 tấn nguyên liệu gỗ phục vụ sản xuất viên nén năng lượng gỗ. Đối với sản phẩm gỗ rừng trồng của các thành viên trong hợp tác xã, công ty sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm với mức giá ổn định trong 5 năm. Hiện công ty hỗ trợ cho các thành viên HTX Lâm nghiệp công nghệ cao Phú Yên đầu tư trồng rừng theo hướng bền vững.
Dự kiến đến năm 2021, công ty tiếp tục đầu tư để được cấp chứng chỉ FSC số diện tích còn lại và đến năm 2022 hỗ trợ các đơn vị, hộ dân trồng rừng có liên kết với công ty để làm chứng chỉ FSC cho khoảng 11.000ha rừng.
Để đạt được mục tiêu tỉ lệ che phủ rừng của tỉnh năm 2020 lên 45%, các địa phương, đơn vị và các ngành có liên quan cần nâng cao hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng trồng qua việc nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp. Các đơn vị, địa phương cần quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả rừng, đất rừng; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái; phát triển các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho công nghiệp chế biến gỗ; tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác trong lâm nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế
|