Thúc đẩy liên kết vùng để du lịch phát triển bền vững

Cập nhật lúc:   10:28:22 - 18/11/2019 Số lượt xem:   1235 Người đăng:   Administrator
Phú Yên đón các đoàn famtrip khu vực và quốc tế khảo sát sản phẩm du lịch để xây dựng kế hoạch liên kết phát triển vùng. Ảnh: TRẦN QUỚI Phú Yên đón các đoàn famtrip khu vực và quốc tế khảo sát sản phẩm du lịch để xây dựng kế hoạch liên kết phát triển vùng. Ảnh: TRẦN QUỚI
Xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng, thời gian qua, trên cơ sở những lợi thế so sánh, Phú Yên đã có nhiều hoạt động thúc đẩy “ngành công nghiệp không khói” phát triển, trong đó có tăng cường hoạt động liên kết với vùng Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.
“Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên; vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12/2014 đã khẳng định phát triển du lịch vùng theo hướng liên kết nội vùng, giữa các vùng trong cả nước và liên kết quốc tế để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của mỗi địa phương và của toàn vùng.
 
Vị trí đắc địa
 
Với vị trí gần như nằm giữa vùng duyên hải Nam Trung Bộ, được ví như tâm điểm trục Bắc - Nam và là cửa ngõ Đông - Tây kết nối vùng duyên hải Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, Phú Yên có lợi thế nhất định. Những năm gần đây, Phú Yên đã mở rộng liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, phát huy lợi thế so sánh trong phát triển du lịch của miền Trung với “con đường di sản”, những danh lam thắng cảnh, biển đảo, những di tích lịch sử, văn hóa, những lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc cùng những món ẩm thực đậm đà hương vị cảm xúc duyên hải và Tây Nguyên với những trải nghiệm, khám phá độc đáo của văn hóa đại ngàn cao nguyên hùng vĩ…
 
Trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thì cụm 4 tỉnh Phú Yên - Bình Định - Gia Lai - Đắk Lắk là tứ giác có nhiều tiềm năng và lợi thế nhất. Với vị trí chiến lược là cửa ngõ mới ra hướng đông để phát triển vùng Tây Nguyên, hiện hệ thống giao thông nối giữa Phú Yên đến các tỉnh trong tứ giác trên đã cơ bản hoàn thiện với các tuyến: quốc lộ 1, 25, 29, trục ven biển phía đông, dọc miền tây. Tương lai, tuyến đường sắt Phú Yên - Tây Nguyên qua Campuchia - Lào - Thái Lan cũng sẽ được nghiên cứu xây dựng. Hiện 4 tỉnh này đều có sân bay đủ tiêu chuẩn các máy bay loại lớn. Có thể thấy đây là khu vực có nhiều lợi thế có thể liên kết thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, đặc trưng, trong đó Phú Yên được xem là tâm điểm, là điểm đến mới thu hút sự quan tâm của du khách.
 
Để hiện thực ý tưởng liên kết cụm tứ giác này, từ giữa năm 2015, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức đoàn famtrip (một hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị) đến các tỉnh để khảo sát. Các tỉnh thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình phát triển sản phẩm du lịch, các điểm du lịch, chương trình tour và các sản phẩm du lịch mới của từng địa phương; liên kết trang thông tin điện tử giữa các tỉnh với nhau. Đặc biệt, các tỉnh đã tham gia xây dựng “ngôi nhà chung Tây Nguyên - Nam Trung Bộ” tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM Hanoi) với chủ đề “Về với biển xanh, hoa vàng và đại ngàn Tây Nguyên”; phối hợp với Câu lạc bộ Du lịch cộng đồng (CTC) tổ chức đoàn famtrip khảo sát các điểm du lịch 4 tỉnh trong chương trình “Đại ngàn kết nối đại dương” năm 2018. Sở VH-TT-DL của 4 tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch của địa phương, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực…; trong đó hợp tác trong xúc tiến, quảng bá du lịch là hoạt động nổi bật. Ngoài ra, các hoạt động lễ hội được luân phiên tổ chức, được các địa phương tham gia hưởng ứng, như: Tuần Văn hóa du lịch, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, hội nghị xúc tiến đầu tư tại Phú Yên, Bình Định, Gia Lai…
 
Ngoài ra, Phú Yên còn mở rộng ký kết hợp tác phát triển du lịch với thủ đô Hà Nội và cụm phía tây vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm các tỉnh An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang. Từ sự nỗ lực chung của tỉnh kết hợp với các chương trình ký kết, hợp tác và quảng bá, du lịch Phú Yên đã có những bước đột phá mới, lượng khách đến với Phú Yên ngày càng tăng và có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.
 
Tuy nhiên, sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Phú Yên với vùng Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế nhất định, như các chương trình liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch được ký kết còn ít và chưa cụ thể hóa, chưa đưa ra những hướng dẫn cụ thể và hiệu quả cho doanh nghiệp.
 
Giải pháp cho liên kết
 
Để du lịch phát triển bền vững, các địa phương vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ cần có những giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào những vấn đề đang còn là hạn chế, cần giải quyết tháo gỡ. Đó là công tác quy hoạch, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch vừa đặc thù vừa phong phú, đào tạo nguồn nhân lực. Chú trọng đúng mức công tác quy hoạch du lịch và quản lý, đầu tư theo quy hoạch. Tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp tích cực, phát triển theo chiều sâu, ổn định, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định và giữ vững thương hiệu trên cơ sở khai thác tối đa và hiệu quả tiềm năng, lợi thế của mỗi tỉnh.
 
Nguồn nhân lực du lịch ở Phú Yên cũng như các tỉnh vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ cần được đào tạo về nhận thức, kiến thức nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm để có thể lan tỏa thành phương thức thực hành du lịch có trách nhiệm, hướng tới sự phát triển du lịch bền vững.
 
Phát triển du lịch bền vững đòi hỏi thực hiện đồng bộ, tổng thể một hệ thống các nhóm giải pháp về kinh tế, xã hội và môi trường. Chính quyền các địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các chủ thể về phát triển du lịch bền vững. Phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến du lịch. Liên kết chặt chẽ giữa chính quyền địa phương Phú Yên với các tỉnh vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, các doanh nghiệp trong ngành Du lịch, giữa ngành Du lịch với các ngành khác, như GT-VT, An ninh, Tài chính, Công nghiệp, Nông nghiệp trong tỉnh cũng như toàn vùng và cả nước để mở rộng thị trường. Xây dựng cơ chế điều hành chung của các chương trình liên kết, hợp tác một cách thiết thực, hiệu quả. Tăng cường quảng bá các loại hình du lịch địa phương với thị trường khu vực, trong nước và quốc tế.
 
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch, ban hành cơ chế vận hành liên kết, hợp tác hoạt động du lịch. Tăng cường mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong hoạt động du lịch. Tranh thủ sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế góp phần bảo đảm yêu cầu phát triển du lịch bền vững của vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ.
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 3
accessibility Hôm qua: 77
account_circle Trong tháng: 277.706
account_box Trong năm: 43.975
supervisor_account Tổng truy cập: 3.184.295