Một nghiên cứu mới tại Anh đã phát hiện ra rằng "miễn dịch tế bào" đối với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn tồn tại sau 6 tháng ở những người có triệu chứng nhẹ hoặc không có biểu hiện mắc COVID-19.
Điều này cho thấy họ có khả năng đề kháng ở mức độ nhất định trong thời gian đó. Nghiên cứu này đã được đăng trên trang bioRxiv.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích máu của 100 bệnh nhân COVID-19 không nhập viện tại Anh, khoảng 6 tháng sau khi họ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng mắc bệnh. Kết quả cho thấy một số bệnh nhân có lượng kháng thể giảm, nhưng phản ứng của tế bào T, một phần quan trọng trong hệ thống miễn dịch, vẫn mạnh. Nhà nghiên cứu bệnh dịch tại Cơ quan Y tế công của Anh Shame Ladhani nêu rõ những kết quả ban đầu cho thấy các phản ứng tế bào T có thể tồn tại lâu hơn phản ứng miễn dịch ban đầu.
Tế bào T là một loại bạch cầu thuộc dòng tế bào lympho, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể. Tế bào T có khả năng nhận diện các tế bào bất thường để tiêu diệt hoặc kích hoạt các tế bào khác thực hiện chức năng miễn dịch.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mức độ phản ứng của tế bào T có sự khác biệt giữa các bệnh nhân, trong đó những người có triệu chứng mắc bệnh sẽ có mức phản ứng cao hơn hẳn so với những người không có triệu chứng. Hiện tượng này có thể lý giải theo hai cách. Một là miễn dịch tế bào cao hơn sẽ giúp bảo vệ tốt hơn, chống lại nguy cơ tái nhiễm đối với những người có triệu chứng. Hai là những bệnh nhân không có triệu chứng có khả năng kháng virus mà không cần tạo phản ứng miễn dịch mạnh.
Trưởng khoa miễn dịch học tại Cao đẳng Hoàng gia London Charles Bangham đánh giá các kết quả này cho thấy dù lượng kháng thể chống virus SARS-CoV-2 có thể giảm xuống dưới mức có thể phát hiện được trong vòng vài tháng mắc bệnh, song cơ chế miễn dịch đối với virus vẫn có thể được duy trì.
Theo giáo sư Paul Moss tại Đại học Birmingham, đồng trưởng nhóm nghiên cứu, phát hiện này cho thấy có thể lạc quan thận trọng về thời gian miễn dịch sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2, tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn cần nghiên cứu thêm mới có thể nắm rõ cách thức hoạt động của cơ chế miễn dịch.
Trong khi đó, các chuyên gia khác đánh giá phát hiện này rất quan trọng, sẽ giúp nâng cao hiểu biết về khả năng miễn dịch đối với COVID-19. Giáo sư về bệnh truyền nhiễm và miễn dịch tại Đại học Edinburgh, Eleanor Riley cho rằng về dài hạn, phát hiện trên sẽ giúp ích cho việc bào chế vaccine và khả năng bảo vệ lâu dài trước nguy cơ tái nhiễm. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh nghiên cứu này chưa thể loại trừ khả năng tái nhiễm ở những bệnh nhân tham gia nghiên cứu.
Thế giới đã ghi nhận hơn 47 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 1 triệu ca tử vong. Cho đến nay số trường hợp được xác nhận tái nhiễm rất ít.