ĐBQH tỉnh Phú Yên chất vấn Bộ trưởng Công Thương và VHTT&DL

Cập nhật lúc:   10:01:57 - 06/06/2024 Số lượt xem:   108 Người đăng:   Administrator
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa tham gia chất vấn Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa tham gia chất vấn
Trong hai ngày 4 và 5/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Công Thương, VHTT&DL. 
Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên do đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn. 
Chiều 4/6, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa và đại biểu Lê Đào An Xuân chất vấn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên liên quan đến vấn đề kinh doanh thương mại điện tử; chất lượng nguồn nhân lực tại các địa phương và giải pháp đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nước trong thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Tham gia phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa chia sẻ, thời gian qua, mạng xã hội xôn xao những cuộc livestream bán hàng trên các ứng dụng, doanh thu đạt cả trăm tỉ một ngày. Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đặt câu hỏi cho Bộ trưởng rằng những thông tin quảng bá đó có đúng hay không? Với hình thức kinh doanh thương mại điện tử, cần phải làm thế nào để quản lý được chất lượng của các sản phẩm theo hình thức kinh doanh này? Đồng thời, giá bán của các sản phẩm qua hình thức thương mại điện tử thấp hơn nhiều so với giá bán buôn, gây bất ổn thị trường. Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đề nghị Bộ trưởng làm rõ việc cần nhận định vấn đề trên như thế nào và có cách xử lý thế nào? 
Trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng việc quản lý hoạt động livestream bán hàng trên thượng mại điện tử rất khó khăn, không chỉ trách nhiệm của ngành công thương mà rất nhiều ngành như công nghệ thông tin, tài chính... Giải pháp tốt nhất là bộ sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, kiểm soát và xử lý; sử dụng lực lượng quản lý thị trường để phát hiện, đấu tranh, làm rõ những hành vi sai phạm, nhất là tìm các địa điểm mà đối tượng tập kết hàng hóa, thường xuyên giao dịch. 
Đồng thời, phải tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật; đảm bảo hoàn thiện, nâng cao vai trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương trong việc xem xét, xử lý xung đột về lợi ích ban đầu xảy ra trong các trường hợp này. Đối với các trường hợp có căn cứ là vi phạm, bộ sẽ hoàn tất hồ sơ chuyển hồ sơ tới các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; trường hợp chứng minh được vi phạm pháp luật sẽ xóa vĩnh viễn các trang này, hoặc yêu cầu chủ phòng livestream chịu trách nhiệm trước pháp luật, sẽ từng bước giảm tình trạng này; đồng thời làm tốt công tác truyền thông để người tiêu dùng nhận thức và tránh được những hiện tượng này. 
Tham gia chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Lê Đào An Xuân đề nghị Bộ trưởng Công Thương làm rõ các giải pháp căn cơ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các địa phương và giải pháp đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nước trong thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA). 
Đại biểu Lê Đào An Xuân tham gia chất vấn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Đào An Xuân, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Để khai thác hiệu quả các FTA vấn đề quan trọng vẫn là con người. Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục tham mưu hoàn thiện đồng bộ về chính sách, trong đó tăng cường phân bổ nguồn lực cả trung ương và địa phương để tập trung phát triển nguồn nhân lực; đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng; tiếp tục xây dựng các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các ngành, các địa phương tham gia hội nhập quốc tế; hỗ trợ các doanh nghiệp và đặc biệt phát huy hiệu quả của các trường đại học, cao đẳng thuộc ngành công thương. 
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị mỗi ngành, mỗi địa phương có kế hoạch, chiến lược tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ về kỹ năng đàm phán và hiểu được các quy định của pháp luật nói chung, nhất là pháp luật quốc tế, cũng như các hiệp định thương mại tự do. Các trường trong hệ thống quốc dân cần có kế hoạch mở mã ngành, có chương trình đào tạo có được đội ngũ nhân lực đủ trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Để đảm bảo được chất lượng hàng hóa thì phải quản lý ngay từ vùng nguyên liệu. 
Bộ Công Thương tiếp tục tham mưu Chính phủ có cơ chế để tiếp tục khuyến khích tích tụ đất trong nông nghiệp theo pháp luật về đất đai và các quy định liên quan để tạo ra những vùng trồng, vùng nuôi quy mô lớn, đủ khối lượng sản phẩm để xuất khẩu. Áp dụng công nghệ mới trong quá trình sản xuất để bảo đảm các tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu của các thị trường. Nâng cao hiệu quả chính sách khuyến công, công nghiệp nông thôn để hỗ trợ đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, khu công nghiệp chuyên biệt để phục vụ cho quá trình chuyển dịch trong khu vực nông nghiệp nước ta. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí chế tạo những sản phẩm máy móc, linh kiện và sản phẩm hỗ trợ nông nghiệp…
* Chiều 5/6, tham gia chất vấn Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, đại biểu Lê Đào An Xuân cho rằng, điện ảnh là một phương thức rất hiệu quả để quảng bá hình ảnh đất nước nói chung và xúc tiến du lịch nói riêng. Đại biểu đề nghị bộ trưởng làm rõ trong thời gian tới, bộ có giải pháp gì để hỗ trợ ngành điện ảnh Việt Nam cũng như giải pháp gì để những phim do Nhà nước đặt hàng đến được với khán giả, nhằm tạo nên kênh xúc tiến, quảng bá du lịch hiệu quả? 
Trả lời câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng: Thực tiễn cũng chứng minh rằng  điện ảnh quảng bá du lịch rất tốt. Luật Điện ảnh được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đã xem điện ảnh như kiến tạo sự phát triển và là công nghiệp văn hóa. Khi luật có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành các nghị định để triển khai, từ đó điện ảnh Việt Nam đã bắt đầu có sự khởi sắc. Bộ cũng đang triển khai theo đúng lộ trình, nhất là tập trung vào việc thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam. 
Phát huy lợi thế Việt Nam có phim trường tự nhiên rất đẹp, Bộ cũng đã đề nghị các nhà làm phim kết hợp để quảng bá về đất nước, con người Việt Nam và gắn với đó là du lịch. Bộ phim “Tình yêu của người du lịch” do Bộ VHTT&DL phối hợp với các đơn vị, các tổ chức quốc tế thực hiện đã có hiệu ứng lan tỏa nhiều về vùng đất, vẻ đẹp của con người Việt Nam. Bộ cũng đã phối hợp với các tỉnh để làm hội nghị về xúc tiến du lịch qua điện ảnh và tạo điều kiện, đặc biệt là cơ chế, chính sách, để các doanh nghiệp, hiệp hội ký kết hợp đồng làm phim; hy vọng sẽ có nhiều bộ phim chất lượng được quay ở Việt Nam. 
Trong nước, bộ sẽ tiếp tục phát triển đa dạng các loại phim, nhất là phim của tư nhân. Đối với phim đặt hàng, do ngân sách không nhiều (khoảng 60-70 tỉ/năm), nên sẽ lựa chọn để tìm những bộ phim chất lượng như bộ phim Đào, phở và piano. Bộ cũng đã phát hiện ra điểm nghẽn phát hành phim do Nhà nước đầu tư là không được bán vé. Bộ đang đề xuất điều chỉnh lại nghị định này để các phim đặt hàng được công bố, bán vé, thu lại kinh phí để đầu tư lại cho các phim khác. 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 43
accessibility Hôm qua: 68
account_circle Trong tháng: 147.483
account_box Trong năm: 31.183
supervisor_account Tổng truy cập: 3.171.503