Vừa qua Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện Dự án
Vừa qua Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện Dự án: “Rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch cây có múi, an toàn tập trung tỉnh Hòa Bình đến năm 2020”.
Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình xây dựng nhằm quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả có múi (Cam, Quýt, Bưởi, Chanh) an toàn, tập trung làm cơ sở cho việc thực hiện vùng sản xuất hàng hóa có thương hiệu góp phần nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm, tăng năng suất, hiệu quả sản xuất cây ăn quả, tăng cường năng lực quản lý giám sát, đánh giá chất lượng sản phẩm, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại Hội thảo các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về bố cục, nội dung, sự cần thiết phải xây dựng Dự án. Các ý kiến tại hội thảo đã nhấn mạnh về cơ sở thực tiễn thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch nên nêu một số thông tin cơ bản trong Quy hoạch trước đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và việc thực hiện Quy hoạch đó đến thời điểm hiện nay, xác định những ưu điểm cũng như hạn chế trong công tác quản lý quy hoạch, đó là cơ sở, là căn cứ để thực hiện việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cây ăn quả có múi an toàn, tập trung đến năm 2020, từ đó sẽ làm rõ hơn sự cần thiết phải xây dựng Dự án; Cần phân tích sâu hơn về dự báo tình hình sản xuất và tiêu thụ cây có múi ở Việt Nam như: diện tích, năng suất, chất lượng, giá thành sản xuất cam, bưởi đến năm 2015, đặc biệt số liệu của các tỉnh miền núi Bắc bộ, Thanh Hóa, Nghệ An trên cơ sở đó mới thấy được tính cạnh tranh các loại cây có múi trên thị trường, từ đó làm cơ sở cho việc hoạch định kế hoạch, quy hoạch phát triển lâu dài cây có múi trên địa bàn tỉnh; Về giải pháp xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm cây có múi cần bổ sung thêm công tác tăng cường quản lý chất lượng phân bón, các loại thuốc bảo vệ thực vật, các chế phẩm sinh học... Đây là giải pháp hết sức quan trọng góp phần hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm cây có múi cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Cần có thêm các cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư xây dựng cho các cơ sở sản xuất cây giống, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm cây có múi. Bên cạnh đó trong Quy hoạch cần đề xuất giải pháp quản lý thị trường, tránh tình trạng trà trộn cam ở những nơi khác nhái thương hiệu cam Cao Phong làm ảnh hưởng đến thương hiệu, gây thiệt hại về kinh tế và làm mất lòng tin của người tiêu dùng .
Kết thúc hội nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đơn vị tư vấn lập dự án đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng tư vấn, phản biện và các đại biểu tham dự hội thảo để bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện dự án trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Link
Nguồn: vusta.vn ngày 13/01/2016