Khoa học & Công nghệ Khoa học & Công nghệ

Ứng dụng công nghệ, nâng hiệu quả sản xuất, kinh doanh

Cập nhật lúc:   15:16:06 - 11/07/2019 Số lượt xem:   1501 Người đăng:   Administrator
Các doanh nghiệp giới thiệu những sản phẩm chủ lực trong Hội nghị Kết nối cung cầu các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: VÕ PHÊ Các doanh nghiệp giới thiệu những sản phẩm chủ lực trong Hội nghị Kết nối cung cầu các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: VÕ PHÊ
Sở Công thương vừa tổ chức Hội nghị Kết nối cung cầu và giải pháp ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ 4.0 để mở rộng thị trường thông qua hình thức trực tuyến, tiến đến xây dựng thương hiệu và phát triển ổn định. 

Khó từ sản xuất đến tiêu thụ
 
Hội nghị Kết nối cung cầu và giải pháp ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp có sự tham gia của gần 90 doanh nghiệp của Phú Yên và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Tại đây, nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay, doanh nghiệp còn gặp phải những khó khăn nhất định.
 
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, đại diện Công ty CP VinaCrab (huyện Đông Hòa) cho biết: VinaCrab chuyên sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu, sản phẩm chủ yếu là cua lột. Để đi vào hoạt động ổn định, công ty đã sớm xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, đảm bảo sản lượng hàng năm. Tuy doanh nghiệp đã tăng cường kiểm soát các tiêu chuẩn nguyên liệu đầu vào, công đoạn sản xuất, đóng gói, bảo quản... nhưng vẫn gặp khó khăn vì thị trường nước ngoài yêu cầu doanh nghiệp sản xuất phải đảm bảo an toàn chất lượng cũng như quy trình truy xuất nguồn gốc.
 
Còn theo ông Nguyễn Văn Thu, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Thanh Tâm (tỉnh Kon Tum), sản phẩm Sâm Ngọc Linh do HTX sản xuất đang được ưa chuộng trên thị trường. Tuy nhiên từ công đoạn sản xuất đến tiêu thụ rất khó để tạo ra giá trị gia tăng do thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm tương tự của các cơ sở nhỏ lẻ sản xuất cùng lấy tên Sâm Ngọc Linh, hình thức giới thiệu cũng tương tự, làm khách hàng ngộ nhận là sản phẩm của HTX.
 
Nhìn nhận từ thực tế, bên cạnh sự hỗ trợ của các ngành chức năng, địa phương, các doanh nghiệp cần biết cách nắm bắt nhu cầu thị trường, xây dựng chiến lược, thay đổi tư duy, cách làm để tăng hiệu quả kinh doanh. Theo ông Nguyễn Đình Hưng, đại diện một doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa của TP Đà Nẵng, chú trọng chất lượng, tăng cường quảng bá, kết nối thị trường, xây dựng chiến lược kinh doanh… là những việc phải làm của hầu hết các doanh nghiệp. Hiệu quả của tất cả công việc này đều dựa vào năng lực của bản thân doanh nghiệp, sự hỗ trợ của các ngành chức năng và các tổ chức hỗ trợ khác.
 
Ông Võ Ngọc Tự, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa) cho hay: Bình quân mỗi năm, nếu làm hết công suất thì HTX sản xuất 5.000 lít rượu tằm và chỉ bán ra thị trường trong tỉnh khoảng 3.000 lít. Được sự hỗ trợ của ngành chức năng, HTX cũng thường giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ nhưng chưa tìm được nhà phân phối lớn. Mong muốn lớn nhất của HTX là mở rộng thị trường sang các tỉnh, thành khác. Nếu kết nối được với nhiều nhà phân phối, HTX sẽ đầu tư thêm dây chuyền sản xuất để nâng chất lượng sản phẩm. HTX đã thay đổi thiết kế mẫu mã, bao bì để sản phẩm bắt mắt hơn và tiến hành xây dựng các quy trình truy xuất nguồn gốc để tạo sự an tâm cho người mua về chất lượng sản phẩm.
 
Thúc đẩy kinh doanh thông qua giao dịch trực tuyến 
 
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra xu hướng phân phối sản phẩm, dịch vụ thông qua kênh thương mại điện tử. Công nghệ 4.0 ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp, có khả năng hỗ trợ giao dịch trực tuyến giữa nhà bán lẻ và người mua hàng. Thương mại điện tử có thể hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, tạo nguồn lực thúc đẩy kinh doanh, tăng doanh thu nhưng không tốn nhiều chi phí, vốn đầu tư ban đầu.
 
Phạm Tấn Đạt, CEO Fado - đối tác ủy quyền của Alibaba tại Việt Nam 
Theo bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương, xu hướng kinh doanh hiện nay là doanh nghiệp phải nắm bắt, nghiên cứu thị trường; chủ động lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Đặc biệt là cung ứng hàng hóa đáp ứng thị hiếu người dùng và đẩy mạnh tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Sở luôn tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp kết nối, chia sẻ những vướng mắc và hỗ trợ giải quyết; do đó, doanh nghiệp cần mạnh dạn đề xuất ý kiến, tích cực tham gia vào các hoạt động, chương trình xúc tiến, giao thương… của Phú Yên và các địa phương trên cả nước.

 
“Trong thời đại công nghệ 4.0, thương mại điện tử đã ngày càng tạo ra nhiều giá trị trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện số lượng doanh nghiệp của tỉnh quan tâm, ứng dụng thương mại điện tử trong giao dịch, trao đổi hàng hóa chưa nhiều”, bà Bích nói.
 
Còn ông Trần Quý Hiển, đại diện cộng đồng Amazon FDI Freedom, thành viên Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ngoài các sàn giao dịch thương mại điện tử của địa phương, doanh nghiệp các tỉnh nên tăng cường tham gia giới thiệu, kinh doanh hàng hóa trên các sàn bán lẻ toàn cầu như Amazon, Alibaba, Shopee… Hiện trên các sàn giao dịch này có rất nhiều sản phẩm của Việt Nam được giới thiệu, nhất là các sản phẩm đặc trưng ở các địa phương. Đây là vùng đất mới có thể phát triển trong khâu bán hàng cho các doanh nghiệp bởi có thể tiếp cận với khách hàng của hàng trăm quốc gia. Doanh nghiệp chỉ việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, chủ động nghiên cứu nhu cầu người tiêu dùng, biết cách làm mới sản phẩm để liên tục tạo sự thu hút cho khách hàng.
 
BÀ NGUYỄN THỊ KIM BÍCH, PHÓ GIÁM ĐỐC PHỤ TRÁCH SỞ CÔNG THƯƠNG:
 
Tranh thủ cơ hội để quảng bá sản phẩm địa phương
 
Cùng với việc thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, tổ chức những hoạt động kết nối, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp, những năm gần đây, Sở Công thương thường xuyên phối hợp với các đơn vị tư vấn, mời các chuyên gia nghiên cứu về thị trường… để hướng dẫn, tư vấn pháp lý, chiến lược marketing, hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh về các phần việc liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh như xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì, website, triển khai ứng dụng thương mại điện tử… Đa số doanh nghiệp tham gia đã vận dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình và phát huy hiệu quả, gia tăng lợi nhuận.
 
Bên cạnh sự hỗ trợ của sở, doanh nghiệp cần chủ động tranh thủ cơ hội để mở rộng giao lưu, giới thiệu sản phẩm và tìm đối tác mới; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử thông qua các kênh bán hàng có uy tín, quy mô lớn để phát triển thị trường và giúp người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến các sản phẩm của Phú Yên.
 
ÔNG NGUYỄN NGỌC DŨNG, PHÓ CHỦ TỊCH HIỆP HỘI THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VIỆT NAM:
 
Ứng dụng thương mại điện tử để phát triển doanh nghiệp
 
Những năm qua, Việt Nam đã triển khai các hoạt động phát triển thương mại điện tử bền vững, kết nối liên hệ với các địa phương để cân bằng tỉ lệ ứng dụng thương mại điện tử trong các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, nhà sản xuất cần thay đổi tư duy, nhận thức về thương mại điện tử; phải xem thương mại điện tử là môi trường kinh doanh mang lại hiệu quả cao trong xu hướng kinh tế số.
 
Bên cạnh đó, việc tham gia vào các sàn bán lẻ trực tuyến cũng là một trong những cách để tăng hiệu quả kinh doanh, từ đó học tập thêm nhiều kinh nghiệm, sáng tạo, cải tiến trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Bởi các sàn bán lẻ toàn cầu có mặt tại thị trường của nhiều nước với sức mua rất cao, có thể hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng. Doanh nghiệp phải biết tận dụng cơ hội của thương mại điện tử để phát triển tiềm năng, sản xuất ra sản phẩm đáp ứng với các tiêu chí đặt ra của thị trường thì mới tồn tại bền vững.
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 46
accessibility Hôm qua: 85
account_circle Trong tháng: 275.120
account_box Trong năm: 23.743
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.063