Khoa học & Công nghệ Khoa học & Công nghệ

GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng: Cả cuộc đời với sự nghiệp nghiên cứu khoa học

Cập nhật lúc:   13:59:38 - 18/05/2022 Số lượt xem:   463 Người đăng:   Administrator
GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng là một nhân vật tiêu biểu với những đóng góp nổi bật cho sự nghiệp đổi mới, phát triển của nền khoa học cách mạng Việt Nam. Ông nguyên là Phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng sinh ngày 21 tháng 6 năm 1937 tại Hà Nội, trong một gia đình nho giáo. GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng là một nhà quản lý có tầm nhìn chiến lược, người dành cả cuộc đời cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học, luôn đau đáu trăn trở tìm giải pháp cho sự tiến bộ của nền khoa học nước nhà, một nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực vật lý lý thuyết, người được ví như một tượng đài khoa học thuộc thế hệ các nhà khoa học đầu đàn của nền khoa học Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng đã chủ trì và tham gia chủ trì 2 đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước về trí thức và trẻ em và nhiều đề tài cấp bộ đạt xuất sắc. Tham gia biên tập bộ sách giáo khoa đầu tiên về vật lý đại cương cho các trường Đại học kỹ thuật và sách tham khảo.Tham gia 2 hội đồng khoa học cấp nhà nước xét học vị TSKH và nhiều hội đồng xét duyệt Tiến sĩ, Thạc sĩ. Từ khi giữ trách nhiệm Phó Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương đã tham gia Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các ban Đảng khóa đầu tiên cho đến lúc nghỉ hưu, góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học ở ban Đảng làm cơ sở cho công tác tham mưu.
Hướng dẫn thành công 6 tiến sĩ trong đó 1 người được phong hàm GS, 4 người PGS. Điều đặc biệt trên cơ sở Hướng dẫn nghiên cứu sinh thành công đã hình thành một phương pháp mới trong vật lý lý thuyết đó là “phương pháp mô men thống kê” và trở thành một trường phái trong vật lý. Trên cơ sở ứng dụng phương pháp này, đã có trên 20 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, trên 100 bảo vệ luận án Thạc sĩ và có nhiều bài báo khoa học công bố trong nước và quốc tế. Nhiều Tiến sĩ theo hướng này đã được phong PGS. Đã tham gia chủ trì các đề tài khoa học như công tác khóa giáo địa phương, công tác trẻ em, môi trường, bảo hiểm y tế, giáo dục…
Tham gia xây dựng các chỉ thị nghị quyết của Đảng về khoa học giáo dục, môi trường, thể thao, đặc biệt xây dựng chỉ thị số 45-CT/TW và chỉ thị số 42-CT/TW về Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã góp phần tháo gỡ khó khăn thúc đẩy hoạt động hội.
Chia sẻ với vusta.vn về khoa học và công nghệ, GS Tăng cho biết, thời gian qua, khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành lĩnh vực quốc sách hàng đầu thể hiện ở sự lãnh đạo, chỉ đạo, ở đầu tư của nhà nước, việc ứng dụng của các doanh nghiệp và các cơ chế, chính sách gắn khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh. Khoa học và công nghệ muốn thực sự trở thành động lực phát triển bền vững, muốn gắn kết nhà khoa học, nhà công nghệ với doanh nghiệp thì khâu quyết định là khâu tổ chức. Nhà tổ chức biết yêu cầu của sản xuất đối với công nghệ và có khi phải cưỡng bức doanh nghiệp đổi mới công nghệ; nhà tổ chức cũng phải biết chỗ mạnh của viện, của trường đại học và của từng nhà khoa học, cho nên nhà tổ chức vừa có trách nhiệm lôi cuốn người nghiên cứu gắn kết với doanh nghiệp, vừa phải tháo gớ cơ chế, chính sách cần thiết. Chúng ta không nên dồn hết trách nhiệm gắn kết này lên “đầu” nhà khoa học và doanh nghiệp. Để khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển thì nên có Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm chính trong vai trò nhà tổ chức để gắn kết giữa khoa học và công nghệ (nếu đầu tư cho khoa học và công nghệ từ 1 – 2% GDP thì có khả năng đóng góp cho phát triển kinh tế tới 30%), cấm sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường và thúc đẩy nhanh phát triển thị trường công nghệ.

Thành tựu khoa học thì không có biên giới, nhưng thành tựu công nghệ là có biên giới. Cho nên đã đến lúc cần thúc đẩy năng lực nội sinh, gắn kết giữa nghiên cứu khoa học – công nghệ - doanh nghiệp để có những phát minh công nghệ nội địa, tạo nên các sản phẩm có sức mạnh cạnh tranh.
Ngoài ra, theo GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng cần thu hẹp hướng ưu tiên phát triển khoa học và công nghệ hơn nữa. Tiềm lực của nước ta có hạn, nên không thể dàn trải theo nhiều hướng như hiện nay.
Từ khi Nghị quyết số 27-NQ/TW về công tác trí thức ra đời cho tới nay, chính sách đối với trí thức  đã có bước tiến, tuy nhiên chưa nhiều. Phải chăng nên có chính sách đãi ngộ đối với trí thức lớn tuổi mà có công lao đóng góp đáng kể cho đất nước; chính sách đối với trí thức tài năng, nhất là đối với trí thức trẻ; chính sách đối với trí thức người dân tộc ít người. Những chính sách này không chỉ có tác dụng đối với các đối tượng trên mà là nguồn cổ vũ đối với đội ngũ trí thức.
Vị trí, vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã được khẳng định và nâng cao nhờ có sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhất là từ khi có Nghị quyết số 27-NQ/TW về công tác trí thức và Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về Liên hiệp Hội và sự nhiệt tình hoạt động của những người làm công tác hội. Tuy nhiên, hoạt động của Liên hiệp Hội còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về cơ chế, chính sách, cùng với đó, một số người trong bộ máy nhà nước có lúc, có nơi vẫn nhận thức chưa đúng về vị trí và vai trò của Liên hiệp Hội Việt Nam. Củng cố và đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp Hội trong thời gian tới chính là tăng cường sự vững mạnh của liên minh công nhân – nông dân – trí thức, nền tảng của cách mạnh Việt Nam. Do đó cần có những giải pháp mạnh mẽ, xây dựng Liên hiệp Hội Việt Nam vững mạnh. Để tìm các giải pháp mạnh mẽ và cụ thể thúc đẩy sự phát triển của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Ý thức được vai trò quan trọng của các Hội khoa học kỹ thuật trong sứ mệnh tập hợp, đoàn kết, phát huy chất xám của đội ngũ tri thức trong và ngoài nước phục vụ cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước, mặc dù đã nghỉ công tác nhưng GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng vẫn luôn tham gia đóng góp tích cực các hoạt động của các tổ chức hội.
Với những đóng góp của mình, GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Nhì; Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Nhất của nước CHND Lào; Nhiều bằng khen, huy chương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các Ban Đảng Trung ương, các bộ, ngành, Đảng ủy Khối; 6 năm là Chiến sĩ thi đua của TP. Hà Nội trước khi đi thực tập sinh cao cấp tại Liên Xô năm 1979.
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 68
accessibility Hôm qua: 92
account_circle Trong tháng: 275.314
account_box Trong năm: 23.937
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.257