Tin tức & Sự kiện Tin tức & Sự kiện

Đoàn ĐBQH Phú Yên thảo luận về học phí đại học và truyền thông chính sách

Cập nhật lúc:   09:30:15 - 02/06/2023 Số lượt xem:   228 Người đăng:   Administrator
Quang cảnh phiên họp sáng 1/6. Ảnh: Quochoi.vn Quang cảnh phiên họp sáng 1/6. Ảnh: Quochoi.vn
Ngày 1/6, Quốc hội làm việc tại hội trường, tiếp tục thảo luận, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.  
Phú Yên Online giới thiệu ý kiến của PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên phát biểu  về vấn đề học phí và truyền thông chính sách tại phiên thảo luận.
Học phí đại học có nhiều “đường mòn, lối mở” 
Về học phí đại học, đại biểu Đỗ Chí Nghĩ cho rằng Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định học phí đại học khá rõ ở các mức khung; mỗi năm chỉ tăng 15% đối với những trường chưa tự chủ tài chính, còn những trường tự chủ tài chính thì được tự đặt ra mức học phí để đủ chi trả. Nhưng Nghị định 81 cũng cho phép các trường có ngành đạt kiểm định chất lượng được tự xác định mức học phí phù hợp. Và thế là có tình trạng các trường đại học đổ xô làm kiểm định. 
Thực ra, kiểm định là tốt, nhưng chạy theo kiểm định vì học phí, để được quyết học phí ngoài mức trần quy định thì đó đơn thuần chỉ là thủ tục, còn thực chất vẫn là thầy đấy, bài giảng đấy, trong khi chất lượng đào tạo chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ. 
Năm nay, kinh tế đất nước tiếp tục khó khăn, nhưng chúng ta dự kiến tăng học phí, trong đó có nhiều ngành đào tạo tăng rất cao, đặc biệt là những ngành đào tạo theo chương trình chất lượng cao; trong đó có trường đào tạo ngành Y, Dược mức học phí gần 80 triệu/năm. Nhưng đào tạo chất lượng cao như thế nào khi điểm tuyển sinh thấp hơn chương trình đào tạo đại trà. 
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 1/6. Ảnh: QUỐC LUÂN

Thêm vào đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu chuẩn đầu ra như nhau cho nên hiện nhiều trường đại học không gọi chất lượng cao nữa mà gọi là chất lượng quốc tế. Đây rõ ràng là “linh hoạt” từ ngữ để tăng thu học phí. Có trường, có ngành không còn đào tạo chương trình đại trà, thay vào đó chỉ đào tạo chương trình chất lượng cao, vì học phí chương trình đào tạo đại trà chỉ từ 20-30 triệu đồng/năm, trong khi đào tạo theo chương trình chất lượng cao học phí 60 triệu/năm. Với mức học phí này thì chỉ có con em những gia đình kinh tế khá giả mới theo học. Tôi cho rằng những “đường mòn, lối mở” của Nghị định 81/2021/NĐ-CP có thể tăng nguồn thu cho một số trường đại học, nhưng sẽ đẩy nhiều gia đình vào hoàn cảnh khó khăn. 
Báo chí phải bám rễ trong đời sống nhân dân 
Đối với vấn đề truyền thông chính sách, muốn truyền thông chính sách thì phải có chính sách cho truyền thông. Tăng ngân sách cho truyền thông là cần thiết, nhưng chi tiền như thế nào lại là bài toán không dễ. Bởi vì cứ đếm đầu bài đặt hàng theo đúng quy định ngân sách như hiện nay thì rất nhiều bài giống nhau, thậm chí bộ, ngành tự chế bài cho đúng ý mình, rồi một bài đăng lên nhiều báo. Như thế sẽ tốn ngân sách mà hiệu quả không cao.  
Giá trị cốt lõi báo chí cách mạng là phải “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”; phải bám rễ trong đời sống nhân dân. Mạng xã hội nói đủ mọi thứ, nói sai lệch như vậy thì đấy chính là chỗ thể hiện vai trò, thế mạnh của báo chí cách mạng. Báo chí chính thống phản ánh đúng vấn đề dư luận quan tâm thì công chúng sẽ tìm đọc. Chỉ sợ có những chuyện mạng xã hội nói rất sai lệch, đẩy vấn đề đi quá xa, rất cần phản bác thì báo chí chính thống lại im lặng, né tránh. Chưa kể, theo những quy định về ngân sách hiện nay, có khi hết quý I mới có nguồn tiền, quý II mới bắt đầu ký hợp đồng giải ngân. Thế nên, nếu cứ trông vào hợp đồng đặt hàng truyền thông thì không lẽ chúng ta để trống trận địa truyền thông chính sách cả quý đầu năm? 
Cần xác định rõ truyền thông chính sách không phải là minh họa chính sách mà còn là phản biện để xây dựng và hoàn thiện chính sách. Các bộ, ngành có đặt hàng những bài phản biện, những bài chê chính sách hay không? Nếu toàn bài khen, bài thông tin đơn thuần thì tiền đặt hàng chi ra, các chính sách sẽ triển khai băng băng trên báo, còn vướng mắc, ách tắc, chính sách thủ tục làm khó người dân và doanh nghiệp sẽ bị bỏ lại bên lề truyền thông chính sách. 
Câu nói “muốn mua thịt heo giá rẻ thì lên ti vi mà mua” là ví dụ nhức nhối khi truyền thông không phản ánh được thực tế, truyền thông tô hồng chính sách. Hay quy định “Bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm thưởng khi thi đại học”, rồi “ngực lép không được lái xe” được báo chí phát hiện mấy năm trước là thành công hay thất bại của truyền thông chính sách? Tôi cho đó là thành công, truyền thông đã tham gia phản biện, xây dựng chính sách hiệu quả. Nhưng liệu còn không tình trạng chỉ thích khen, dự thảo văn bản để góp ý thì đưa lên chỗ ít ai thấy nhất, còn nếu ai góp ý phản biện, hoàn thiện chính sách thì “tâm tư”, không vui?.
Nếu phát huy trí tuệ của đội ngũ báo chí, dám nói thẳng, nói rõ thì sẽ tạo được sức mạnh. Còn nếu chúng ta cứ bao cấp để báo chí hiền lành, dịu dàng thì ngoài kia giông bão, ai sẽ đối diện với những dòng thông tin sai lệch, có chủ đích? Vì vậy báo chí cần thể hiện đúng vai trò, giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng, nhà báo là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng như Đảng ta yêu cầu.
QUỐC LUÂN (ghi)
Nguồn: Báo Phú Yên
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 5
accessibility Hôm qua: 100
account_circle Trong tháng: 268.747
account_box Trong năm: 20.507
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.827